Trung Quốc vẫn theo chính sách “viễn giao cận công”
Chính trị - Ngày đăng : 09:27, 05/07/2014
Có những lúc Trung Quốc đặt quan hệ với Việt Nam, nhưng đó chỉ là sách lược, còn về chiến lược, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc.
Viễn giao cận công - chính sách xâm lược
Qua 23 cuộc xâm lược của người Trung Quốc đối với Việt Nam, từ thời Nhà Tần vào năm 218 trước Công nguyên đến sự kiện đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, ngày 1/5/2014, trong lãnh hải Việt Nam, thấy rằng, họ coi Việt Nam như các nước Ngô, Thục, Ngụy, Yên, Hàn,... xưa kia của họ. Những nước này đã bị Nhà Tần, Nhà Hán,... thôn tính và trở thành nước Trung Quốc rộng lớn như ngày nay. Với Việt Nam, Trung Quốc luôn luôn theo đuổi chính sách “viễn giao cận công” (bang giao với nước ở xa và tấn công nước ở gần). Chính sách này có từ thời kỳ Trương Nghi của Trung Quốc, cách đây đã trên dưới 2 nghìn năm. Có những lúc Trung Quốc đặt quan hệ với Việt Nam, nhưng đó chỉ là sách lược, còn về chiến lược, Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ xâm lược Việt Nam, biến Việt Nam thành một tỉnh của Trung Quốc. Cũng phải nói rằng, trong lịch sử, có giai đoạn Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam như trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Pháp xâm lược và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, nhìn về toàn cục, Trung Quốc từ xưa tới nay vẫn luôn luôn tính chuyện thôn tính Việt Nam. Đó là bản chất của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Quang Trung đã lãnh đạo quân dân ta đập tan 20 vạn quân Thanh xâm lược năm 1789
Trung Quốc chiếm trái phép đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thềm địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng trớ trêu thay, họ vẫn xuyên tạc lịch sử, đổi trắng thay đen và vu cáo Việt Nam. Ngày 9/6/2014, Trung Quốc tố cáo với Liên hiệp quốc rằng, Việt Nam là kẻ “gây sự” trong cuộc đối đầu xoay quanh giàn khoan HD 981. Trong một tài liệu gửi lên Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Kimoon, Trung Quốc đã nêu chi tiết về “sự quấy nhiễu bất hợp pháp” của Việt Nam đối với các “hoạt động thông thường” của một giàn khoan ngoài khơi. Tài liệu này vu cáo rằng, tính đến ngày 7/6/2014, các tàu của Việt Nam đã đâm, va vào các tàu của Trung Quốc là 1.416 lần. Rõ ràng, đây là một sự vu cáo trắng trợn, hoàn toàn không có sự thật. Việt Nam đã hết sức kiềm chế, nhưng càng kiềm chế, Trung Quốc càng lấn tới.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đang phản ánh sai về bức Công hàm của Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng gửi Tổng lý (Thủ tướng) Quốc vụ viện Trung Quốc Chu Ân Lai. Tuy nhiên, Trung Quốc không dịch nguyên văn, mà chỉ trích dẫn theo cách của mình với mục đích là cố tình bóp méo sự thật để người dân Trung Quốc và nhân dân thế giới hiểu sai về nội dung Công hàm. Công hàm hoàn toàn không nói gì đến Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng phía Trung Quốc vẫn rêu rao Công hàm có đề cập đến vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
Trung Quốc còn dẫn chứng sách giáo khoa môn Địa lý lớp 9, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam xuất bản năm 1974 và những tuyên bố, bài viết lẻ tẻ của một vài người xoay quanh vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa để minh chứng cho rằng, Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Tất cả những dẫn chứng này đều vô căn cứ, không đúng với lịch sử, nó mang tính đơn lẻ, cá biệt.
Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền lãnh thổ của Việt Nam đã từ lâu đời, nằm trong lãnh hải của Việt Nam. Năm 1816, Triều Nguyễn Gia Long chính thức thiết lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Năm 1920, Toàn quyền Đông Dương chính thức tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Năm 1946, quân Pháp và lính Việt Nam thuộc Pháp đã có mặt trên hai quần đảo này. Cùng năm này, quân Tàu Tưởng đánh chiếm Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trước sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam, năm 1950, quân Tàu Tưởng phải rút khỏi hai quần đảo này. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Hoàng Sa ở vĩ tuyến 17 thuộc về chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Khi quân Việt Nam Cộng hòa ra tiếp quản hai quần đảo này, thì đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Quân Việt Nam Cộng hòa chỉ giữ được một số đảo, trong đó có đảo Hoàng Sa. Ngày 19/1/1974, quân Trung Quốc lại đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam và trụ ở đó từ bấy đến nay vẫn chưa chịu rút, mặc dù phía Việt Nam và dư luận quốc tế đã nhiều lần lên tiếng, kịch liệt phản đối.
Quốc tế đã từ lâu đã thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Các tuyên bố Cairô năm 1943, tuyên bố Pốtsđam năm 1945 và Hiệp định Xan Pranxixcô năm 1951 đã không giao quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Trung Quốc chưa phải là điểm đến hàng đầu xuất khẩu của Việt Nam
Đứng trước sự kiện biển Đông, có người lo rằng, liệu có ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không? Câu trả lời là dù đối tác thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 41 tỷ USD trong năm 2012, Trung Quốc chưa phải là điểm đến hàng đầu xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy Mỹ, EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc mới là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giày dép, may mặc vẫn chiếm tới 70% xuất sang Mỹ, EU,...; tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao như hàng điện tử, máy tính, điện thoại di động, phương tiện giao thông sang Mỹ và EU,... đang tăng nhanh. Tập đoàn công nghệ Sam Sung Hàn Quốc đang có kế hoạch đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam. Đan Mạch cũng là một trong những nhà tài trợ ODA cho Việt Nam trên 1 tỷ 300 triệu USD. Năm 2013, riêng đối với mặt hàng điện thoại di động và phụ kiện, Mỹ và EU chiếm 41,6% tổng xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 2,44%. Kết quả này, khiến các nền kinh tế như Mỹ, EU,... trở nên quan trọng với xuất khẩu Việt Nam. Trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc, Trung Quốc mới là người có lợi hơn, vì hàng của Trung Quốc xuất sang bán tại Việt Nam hơn gấp nhiều lần hàng của Việt Nam sang bán tại Trung Quốc.
Kinh tế Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới, dưới Mỹ và trên Nhật. Nền kinh tế Trung Quốc sở dĩ phất lên nhanh là nhờ có quan hệ thương mại với nhiều nước. Vì vậy, nếu họ giảm đà mua, bán với các nước, trong đó có Việt Nam, thì họ sẽ bị thua thiệt. Nền kinh tế Trung Quốc hiện nay tuy tăng trưởng nhanh, nhưng không phải là không có vấn đề. Trong thời gian từ năm 2008-2013, khi thế giới còn lao đao vì khủng hoảng tài chính, thì Trung Quốc đẩy mạnh việc bơm tín dụng kích thích kinh tế. Trong thời gian đó, tổng số nợ của khu vực nhà nước và tư nhân tại Trung Quốc đã tăng 100% và nay lên tới 420% của tổng sản lượng quốc nội (GDP). Đây là con số rất cao, vì nó lên tới 47.800 tỷ USD. Theo nhận định của một số nhà kinh tế ở nước ngoài, nếu trong khối nợ khổng lồ này, chủ yếu là của hệ thống ngân hàng, có 25% là nợ xấu, khó đòi và sẽ mất 9.000 tỷ USD, là gần bằng tổng sản lượng cả năm của Trung Quốc. Dự trữ ngoại tệ gần 4.000 tỷ USD của Trung Quốc vẫn không thấm tháp gì so với sự mất mát ấy.
Cuộc đấu tranh đòi Trung Quốc phải chấm dứt ngay việc xâm chiếm biển Đông, trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam, rút hết giàn khoan HD 981 ra khỏi lãnh hải Việt Nam, vẫn đang tiếp tục. Trung Quốc và các nước cần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển quốc tế 1982. Một trong những nội dung quan trọng được quy định trong Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 là quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở, đối với tài nguyên thiên nhiên cùng một số hoạt động kinh tế trong phạm vi lãnh hải và một số hoạt động kinh tế, thực hiện quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học và bảo vệ môi trường. Chiếu theo Công ước, toàn bộ vùng đảo Hoàng Sa nằm trong 200 hải lý của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam trên biển Đông
“Thế giới biển” ngày nay có 3 điểm nóng bỏng chiến lược là: Khu vực địa Trung Hải với sự kiện Lybia; Khu vực Caspian, đối đầu giữa Mỹ, EU và Nga liên quan đến đường ống khí đốt và việc NATO mở rộng sang phía Đông; Khu vực biển Đông do Trung Quốc đang xâm lấn, thao túng. Vì vậy, vấn đề đặt ra, là các nước lớn cần phải hết sức kiềm chế, tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của mỗi nước, không xâm phạm lãnh thổ của nhau, cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định, có như vậy, nền hòa bình, dân chủ trên thế giới mới được duy trì và củng cố.
Trung Quốc cần vĩnh viễn chấm dứt mọi hành động xâm lược Việt Nam mà họ đã theo đuổi hàng nghìn năm nay. Nhân dân Việt Nam đã từng đánh thắng giặc ngoại xâm, trong đó đã đánh thắng 23 cuộc xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ, thực hiện một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân chủ, văn minh.
Như vậy, đến nay Trung Quốc vẫn không ngừng nuôi giấc mộng bành trướng với chủ trương “viễn giao cận công” hết sức trắng trợn.
PGS-TS Đàm Đức Vượng, nguyên Vụ trưởng, Chánh văn phòng, Thư ký Khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực (ISSTH). |