Hai trường ĐH lớn của Việt Nam sẵn sàng đón nhận du học sinh từ nước ngoài trở về nước học tập
Giáo dục - Ngày đăng : 12:52, 24/07/2020
Cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Đại học Bách khoa Hà Nội): Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sẵn sàng để tiếp nhận, hỗ trợ tất cả các sinh viên, lưu học sinh tại nước ngoài về nước học tập với 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh chủ yếu là các ngành mũi nhọn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngôn ngữ giảng dạy là Anh, Pháp, Đức, Nhật.
Nhà trường hướng dẫn chi tiết về chương trình và thủ tục cho sinh viên đồng thời cung cấp cho lưu học sinh cách thức học như hình thức chuyển trường, thi tuyển đầu vào căn cứ vào các tín chỉ đánh giá theo năng lực theo các tổ chức khảo thí quốc tế như SAT, ALEVEL hoặc sinh viên chỉ học ở Đại học Bách Khoa Hà nội một thời gian như một học kỳ để nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình học.
Khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: VGP.
Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền (đại diện Đại học Ngoại thương): Trường Đại học Ngoại thương có một chương trình trao đổi sinh viên quốc tế với số lượng lớn. Hàng năm, Trường Đại học Ngoại thương tiếp đón gần 1.000 sinh viên quốc tế và gửi ra nước ngoài từ 1 học kỳ đến 1 năm khoảng hơn 200 sinh viên. Với kinh nghiệm sẵn có và sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Ngoại thương đã công bố kế hoạch rất rộng rãi đến các du học sinh và sinh viên quốc tế biết để có kế hoạch học tập trong thời gian tới.
Đồng thời, Đại học Ngoại thương cung cấp hai cơ hội. Một là học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm), được tham gia học tập 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài như tiếng Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc.
Bên cạnh đó có 9 chương trình cử nhân, 5 chương trình thạc sĩ đào tạo với nước ngoài. Sau khi được đào tạo ngắn hạn, sinh viên sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường mà các du họcsinh đang theo học tại nước ngoài.
"Vì vậy, khi dịch bệnh được kiểm soát thì các du học sinh có thể quay trở lại học tại nước ngoài", PGS.TS Vũ Thị Hiền nói.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đạo tạo liên kết với nước ngoài. Khi đã là một sinh viên của trường đại học nước ngoài thì sinh viên đó đủ điều kiện là sinh viên của chương trình liên kết đào tạo tại Đại học Ngoại thương.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền nói thêm, trường Đại học Bách khoa có 10 chương trình liên kết quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, có chương trình do nước ngoài cấp bằng (Công nghệ thông tin, Quản trị doanh nghiệp...), có những chương trình liên kết với nước ngoài (New Zealand, Australia, Nhật Bản...) theo hình thức công nhận các tín chỉ lẫn nhau. Các em có thể học tại Trường Đại học Bách khoa 4 học kỳ và có cơ hội chuyển tiếp sang các trường đối tác nói trên. Đó là cơ hội cho các du học sinh trở về học tại Việt Nam và sau đó tiếp tục được ước mơ còn dang dở vì dịch COVID-19.