Tự hào Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa qua 90 năm lịch sử

Đời sống - Ngày đăng : 09:37, 23/07/2020

Trong bối cảnh các cuộc đấu tranh yêu nước mặc dù diễn ra rộng khắp nhưng nhanh chóng bị thực dân Pháp tiến hành khủng bố đẫm máu do thiếu một đường lối lãnh đạo đúng đắn.

Ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến (nay thuộc thị trấn Rừng Thông), huyện Đông Sơn, chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh ra đời.

Ngày 10/7/1930, chi bộ cộng sản thứ 2 ra đời tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa. Đến ngày 22/7/1930 tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, chi bộ cộng sản thứ 3 ra đời. Trên cơ sở 3 chi bộ cộng sản, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hoá chính thức được thành lập, mở đường cho một làn sóng cách mạng mới trong toàn tỉnh Thanh Hóa.

Có thể nói sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là bước ngoặt quan trọng đối với Đảng bộ, nhân dân trong phong trào đấu tranh cách mạng giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa. Chấm dứt giai đoạn khủng hoảng kéo dài của phong trào cách mạng do thiếu sự lãnh đạo của một chính Đảng. Ngay khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo trong tỉnh, cùng nhân dân cả nước vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ tỉnh đã đề ra một số nhiệm vụ quan trọng, vạch ra những hướng đi đúng đắn và cần thiết nhất trong giai đoạn này.

Trong quá trình hoạt động, mặc dù bị thực dân Pháp khủng bố dã man, có những thời điểm các Chi bộ Cộng sản và Đảng bộ tỉnh gần như bị cô lập thậm chí là tan rã, nhưng trước yêu cầu bức thiết của lịch sử, bất chấp sự gian khổ, tù đày và hy sinh, các Chi bộ Đảng và Đảng bộ tỉnh nhanh chóng được khôi phục trở lại và tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và đánh đuổi thực Pháp, lật đổ chế độ phong kiến. Từ cuối năm 1935 trở đi, phong trào cách mạng đã phát triển rộng khắp ở nhiều phủ, huyện trong tỉnh, nhằm chuẩn bị cùng với cả nước tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19/8/1945, sau khi Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh phát lệnh tổng khởi nghĩa, nhân dân và tự vệ các huyện nhất tề vùng lên giành chính quyền. Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hóa giành thắng lợi nhanh chóng. Ngày 23/8/1945, từ đình làng Ngô Xá Hạ ở căn cứ Thiệu Hóa, lực lượng cứu quốc gồm có hàng nghìn tự vệ của các huyện: Thiệu Hóa, Đông Sơn, Yên Định, Thọ Xuân... đã tiến về thị xã Thanh Hóa ra mắt quốc dân đồng bào. Đ/c Lê Tất Đắc, Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Cách mạng lâm thời tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi toàn dân đoàn kết xây dựng bảo bệ chế độ mới.

Tự hào Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa qua 90 năm lịch sử

Nhà thờ họ Vương, xã Thiệu Tiến - nơi thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Thiệu Hóa.

Kháng chiến chống Mỹ kết thúc thắng lợi, cùng với cả nước, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong tỉnh tập trung “Hàn gắn vết thương chiến tranh”, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đã đạt được kết quả toàn diện. Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch của Nghị quyết đại hội đề ra; các chỉ tiêu còn lại đều đạt khá, có triển vọng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch.

Đặc biệt, năm 2019 đã ghi dấu ấn với hàng loạt con số ấn tượng như: lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 17,15%, thuộc nhóm có tốc độ cao nhất cả nước. Thu ngân sách đạt 28.806 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015 và gấp 6,5 lần năm 2010. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao, đến nay có 6 huyện, 367 xã và 917 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra; sản xuất công nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị xuất khẩu đạt 3,72 tỷ USD, tăng 27,6%, huy động vốn đầu tư phát triển đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 22,6%.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn, đem lại hiệu quả thiết thực:  kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/02/1947 - 20/02/2017), 990 năm Thanh Hóa (1029 - 2019), kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và 50 năm ngày mất của Người...Các hoạt động này đã để lại ấn tượng tốt đẹp, có sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy niềm tự hào, tạo động lực tinh thần to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến lên. Giáo dục và đào tạo phát triển theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa, giáo dục toàn diện được quan tâm, giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao nhất từ trước tới nay.

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, xã hội, việc phát triển và kiện toàn tổ chức Đảng, cũng chính là nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh trong thời gian qua, đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng trên thế giới do đại dịch Covid-19. Từ 11 đảng viên ban đầu được triệu tập tại Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh ngày 29/7/1930; đến nay, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đảng bộ trực thuộc, 1.727 tổ chức cơ sở đảng, với gần 228 nghìn đảng viên.

90 năm, không phải là thời gian quá dài đối với một chặng đường lịch sử, nhưng nó là khoảng thời gian oanh liệt vàng son nhất mà rất nhiều thế hệ đã trải qua. Tiếp nối những kết quả đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục  phấn đấu, phát huy những truyền thống vẻ vang, từng bước đưa Thanh Hóa thành một tỉnh kiểu mẫu.

Thành Phan