Nghĩa vụ chứng minh của người yêu cầu công nhận bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài
Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 09:26, 23/07/2020
Ảnh minh họa
Theo Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài) quy định về nghĩa vụ chứng minh của các đương sự.
Theo đó, người yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN có nghĩa vụ chứng minh các vấn đề sau đây:
- Bản án, quyết định đó thuộc loại bản án, quyết định được xem xét công nhận theo quy định tại Điều 423 của BLTTDS;
- Bản án, quyết định đó không trong thời hạn xem xét lại hoặc đang được xem xét lại theo thủ tục tố tụng thông thường tại nước nơi có Tòa án đã ra bản án, quyết định;
- Bản án, quyết định đó có giá trị thi hành tại nước nơi có Tòa án đã ra bản án, quyết định.
Cùng với đó, Điều 17 dự thảo Nghị quyết cũng quy định khi phản đối việc công nhận bản án, quyết định của TANNdựa trên nguyên tắc có đi có lại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 423 và khoản 3 Điều 7 của Nghị quyết này hoặc theo một trong các khoản quy định tại Điều 439 của BLTTDS, người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của TANNcó nghĩa vụ cung cấp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh.
Về quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng xét đơn yêu cầu (Điều 18): Theo quy định tại khoản 4 Điều 438 của BLTTDS, trong quá trình xem xét đơn yêu cầu công nhận và cho thi hànhbản án, quyết định của TANN, Hội đồng xét đơn không được xét xử lại vụ án đã được TANN ra bản án, quyết định.Mục đích của quy định này là nhằm hạn chế TAVN và TANN đều xét xử, giải quyết cùng một vụ việc dân sự có cùng đương sự, có cùng nội dung tranh chấp, yêu cầu.
Trên tinh thần đó, việc xem xét yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN thực chất là một thủ tục “hành chính – tư pháp” đặc biệt. Thay vì xét xử lại vụ án, Tòa án chỉ “kiểm tra, đối chiếu”bản án, quyết định đó với các quy định liên quan của pháp luật trong nước, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để làm cơ sở cho việc công nhận hoặc không công nhận bản án, quyết định của TANN.
Như vậy, thủ tục này khác hoàn toàn với thủ tục giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài – thủ tục mà TAVN được quyền thu thập, đánh giá chứng cứ, áp dụng pháp luật tố tụng, pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp, yêu cầu.
Phù hợp với tinh thần đó, Điều 18 dự thảo Nghị quyết đã cụ thể hóa nội dung quy định “không được xét xử lại vụ án” tại khoản 4 Điều 438 của BLTTDS để nhằm bảo đảm cho nguyên tắc này không bị vi phạm trên thực tế.
Cùng với đó, Điều 18 dự thảo Nghị quyết cũng cụ thể hóa quyền hạn của Hội đồng xét đơn khi thực hiện hoạt động “kiểm tra” bản án, quyết định của TANN. Cụ thể là những hoạt động sau đây:
a) Trường hợp trong quá trình Tòa án nước ngoài giải quyết vụ án dân sự mà người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ cư trú, làm việc, có trụ sở tại Việt Nam, Hội đồng xét đơn có quyền kiểm tra sự hợp lệ, hợp lý của việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án nước ngoài cho người đó để làm căn cứ áp dụng hoặc không áp dụng quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự, không phụ thuộc vào việc người này có cung cấp hay không cung cấp cho Hội đồng xét đơn chứng cứ về việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án nước ngoài;
b) Trường hợp trong quá trình Tòa án nước ngoài giải quyết vụ án dân sự mà người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ không cư trú, làm việc, có trụ sở tại Việt Nam, Hội đồng xét đơn căn cứ chứng cứ do người đó cung cấp để kiểm tra sự hợp lệ, hợp lý của việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án nước ngoài cho họ;
c) Hội đồng xét đơn có quyền kiểm tra các tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ, ý kiến, lập luận của các bên đương sự, luật áp dụng trong bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài để áp dụng hoặc không áp dụng một trong các quy định tại khoản 4, khoản 5 hoặc khoản 8 Điều 439 của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đối với hoạt động nêu tại điểm a, theo thông lệ quốc tế, việc Tòa án tự mình kiểm tra cách thức tống đạt văn bản tố tụng của TANN đã ra bản án, quyết địnhlà hành vi xét xử lại vụ án, trừ trường hợp việc tống đạt đó được thực hiện với đương sự (người phải thi hành bản án, quyết định) có địa chỉ tại nước nơi Tòa án đang xem xét yêu cầu công nhận bản án, quyết định.
Phù hợp với tinh thần nêu trên, Điều 18 dự thảo Nghị quyết đã quy định TAVN có quyền kiểm tra việc tống đạt văn bản tố tụng của TANN cho người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ tại Việt Namđể làm căn cứ cho việc áp dụng hoặc không áp dụng quy định tại khoản 1 hoặc 3 Điều 439 của BLTTDS.
Đối với hoạt động nêu tại điểm b, Tòa án chỉ có quyền kiểm tra sự hợp lệ, hợp lý của việc tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án nước ngoài cho người phải thi hành không cư trú, làm việc, có trụ sở tại Việt Nam khi người này cung cấp cho Tòa án bằng chứng về sự vi phạm tố tụng trong việc tống đạt của Tòa án nước ngoài.
Đối với hoạt động nêu tại điểm c, theo thông lệ quốc tế, việc Hội đồng xét đơn có quyền kiểm tra các tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ, lập luận của các bên đương sự, luật áp dụngtrong bản án, quyết định của TANNnhằm để xác định một trong các vấn đề sau đây: (i) TANN có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó hay không? (ii) Việc công nhận bản án, quyết định đó có dẫn đến hậu quả “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật” hoặc “trái với trật tự công” của nước nơi Tòa án đang xem xét công nhận bản án, quyết định hay không?
Trên tinh thần đó, Điều 18 dự thảo Nghị quyết quy định TAVN có quyền kiểm tra các tình tiết khách quan của vụ án, chứng cứ, lập luận của các bên đương sự, luật áp dụng trong bản án, quyết định của TANN để xác định thẩm quyền của TANN đối với vụ án hoặc việc công nhận bản án, quyết định đó có trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hay không theo quy định tại khoản 4, 5 hoặc khoản 8 Điều 439 của BLTTDS.