Cuối năm 2020, Việt Nam có thể thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:55, 22/07/2020
Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam. Chủ trì hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thời gian qua cả thế giới đang căng mình chống dịch Covid-19. Đến nay, số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công.
“Có nhiều ý kiến khác nhưng nếu không có vắc xin thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại”, ông Long nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.
Quyền Bộ trưởng cho rằng, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch Covid-19. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc-xin phòng Covid-19.
Đến nay, trên toàn cầu có 24 loại vắc-xin tiến tới thử nghiệm giai đoạn 3, đã có những vắc xin đánh giá có kết quả khá tốt. Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vắc xin Covid-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian.
Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương. Tương tự, với Covid-19, chúng ta cũng đặt vấn đề sản xuất để đảm bảo an ninh vắc xin. Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc xin với các nước.
Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất, nghiên cứu vắc xin Covid-19, mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau nhưng tất cả đều làm chủ công nghệ. Trong đó, Công ty TNHH vắc xin và sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) phối hợp với Đại học Oxford (Anh) đã cho kết quả thử nghiệm ban đầu rất khả quan.
Cùng đó, Viện vắc xin và sinh phẩm Nha Trang đang phối hợp các nhà khoa học Mỹ, Ấn Độ để sản xuất vắc xin trên dây truyền công nghệ sẵn có. Đây là dây truyền công nghệ sản xuất cúm đại dịch đang có đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận.
"Chúng ta rất tin tưởng Việt Nam chủ động được vắc-xin. Bộ Y tế đang đề xuất thành lập quỹ vắc xin để tiếp cận vắc-xin nhanh nhất, thuận tiện nhất, giúp người dân được bảo vệ sớm trước dịch bệnh”, GS Long nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ khuyến khích tất cả cơ quan chưa từng sản xuất vắc xin và tạo mọi điều kiện cho các cơ quan cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin.
Với các đơn vị đã có những lô thử nghiệm có kết quả, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện đầu tư cũng như rút ngắn thời gian về các thủ tục. “Chúng tôi nhấn mạnh là chỉ cải cách, rút gọn quy trình, thủ tục mang tính hành chính còn vấn đề khoa học, chuyên môn và sản xuất sẽ không rút gọn. Các quy trình phải đảm bảo tính an toàn, hiệu quả của vaccine”, quyền Bộ trưởng nói.
Về thử nghiệm, hiện Việt Nam có 3 trung tâm thử nghiệm quy mô toàn quốc. Việt Nam cũng sẵn sàng tham gia, phối hợp với quốc tế để thử nghiệm trên quy mô toàn cầu.
“Chúng tôi rất kỳ vọng cuối năm 2021 sẽ có vắc xin để sử dụng cho người Việt Nam”, GS Nguyễn Thanh Long nói.