Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài (tiếp theo)

Cải cách tư pháp - Ngày đăng : 09:45, 19/07/2020

Trong trường hợp tranh chấp được TANN thụ lý giải quyết trước, thì TAVN trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó, TAVN sẽ xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN.

Để phù hợp với sự phát triển của Việt Nam trong việc gia nhập nền kinh tế thế giới, pháp luật Việt Nam đã cho phép các tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến các quan hệ pháp luật dân sự, kinh doanh, thương mại quốc tế được giải quyết tại TAVN hoặc TANN.

Trong trường hợp tranh chấp được TANN thụ lý giải quyết trước, thì TAVN trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án. Trên cơ sở đó, TAVN sẽ xem xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN.

Bối cảnh tình hình đó đặt ra thách thức lớn cho Việt Nam nếu chỉ chấp nhận công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của TANNdựa trên các điều ước quốc tế song phương mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, cho đến năm 2015, mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, nhưng Việt Nam cũng chỉ là thành viên của 17 điều ước quốc tế song phương có quy định về việc các nước thành viên công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau. Số lượng điều ước quốc tế đó, một mặt, chưa phản ánh được mức độ hội nhập nền kinh tế quốc tế của Việt Nam; mặt khác, cũng khó đáp ứng được nhu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại quốc tế có ít nhất một bên là cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam hoặc nước ngoài. Tuy nhiên, quan trọng hơn, việc dựa trên điều ước quốc tế song phương như đã nêu trên sẽ mâu thuẫn với chính sách, pháp luật trong nước về việc cho phép các bên trong quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại giải quyết tranh chấp tại TANN. Cụ thể, chính sách giải quyết tranh chấp đó sẽ không thể phát huy hiệu quả trên thực tế nếu một hoặc các bên đương sự, trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam, đã yêu cầu hoặc đồng ý để TANN giải quyết vụ việc, nhưng bản án, quyết định của TANN giải quyết vụ việc đó lại bị TAVNtừ chối xem xét công nhận. Như vậy, trong hoàn cảnh đó, đương sự sẽ mất hết cơ hội để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên cả hai phương diện: Một mặt, bản án, quyết định của TANN bị từ chối thụ lý giải quyết với lý do nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế có quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của nhau; Mặt khác, nếu đương sự nộp đơn yêu cầu TAVN giải quyết lại vụ việc dân sự đó, thì cũng sẽ bị TAVN từ chối thụ lý với lý do vụ việc đó đã được TANN giải quyết.

Phù hợp với đánh giá, nhận thức về vai trò, tác động của chính sách công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN với việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước ta như đã phân tích ở trên, BLTTDS năm 2015 đã có sự điều chỉnh chính sách công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN theo nguyên tắc có đi có lại. Theo đó, BLTTDS năm 2015 đã thay thế chính sách áp dụng theo từng trường hợp cụ thể của BLTTDS năm 2004 bằng chính sách áp dụng chung đối với các yêu cầu  công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN mà nước đó và Việt Nam chưa cùng là thành viên điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này.

Như vậy, qua phân tích trên đây, có thể thấy rằng áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của TANN là một chính sách hết sức quan trọng, cần được hướng dẫn nhằm bảo đảm cho TAVN áp dụng thống nhất.

Trên tinh thần đó và để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Điều 7 dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng để hướng dẫn việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại của TAVN trong lĩnh vực nàynhư sau:

Trường hợp nhận được đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của TANNmà giữa nước đó và Việt Nam chưa từng công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của nhau, TANVN không đòi hỏi TANN đã từng hoặc sẽ công nhận bản án, quyết định dân sự của TAVN để chứng minh cho sự tồn tại của mối quan hệ có đi có lại giữa Việt Nam và nước ngoài đó.

Trong trường hợp TANN đã từng không công nhận bản án, quyết định dân sự của TAVN, thì TAVN giải quyết như sau:

- TAVN tiếp tục giải quyết yêu cầu công nhận bản án, quyết định của TANN nếu xét thấy bản án, quyết định dân sự của TAVN không được TANN công nhận là do không đáp ứng được điều kiện để được công nhận theo quy định của pháp luật nước đó.

- TAVN có thể áp dụng nguyên tắc có đi có lại như là biện pháp “trả đũa” để không công nhận bản án, quyết định dân sự của TANNnếu xét thấy TANN đã không công nhận bản án, quyết định dân sự của TAVN với lý do giữa nước đó và Việt Nam không tồn tại mối quan hệ có đi có lại hoặc TANN áp dụng nguyên tắc có đi có lại để không công nhận.

Yêu cầu dịch ra tiếng Việt, công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự văn bản ủy quyền, đơn yêu cầu và giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu (Điều 10):

Kết quả tổng kết thực tiễn cho thấy nhiều Tòa án còncó cách hiểu và áp dụng khác nhau vềnhững trường hợp văn bản ủy quyền, đơn yêu cầu, giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầuphải dịch ra tiếng Việt, công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, phù hợp với quy định tại Điều 478 của BLTTDS, Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về Chứng nhận lãnh sự, Hợp pháp hóa lãnh sự, Điều 10 dự thảo Nghị quyết hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các trường hợp văn bản ủy quyền, đơn yêu cầu, giấy tờ, tài liệu nộp kèm theo đơn yêu cầu phải được dịch ra tiếng Việt, công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

 Tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài và thanh toán lệ phí, chi phí tống đạt văn bản tố tụng (Điều 14):

Điều 14 dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về phương thức tống đạt văn bản tố tụng cho người yêu cầu ở nước ngoài theo quy định tại Điều 474 của BLTTDS. Bên cạnh đó, Điều này cũng quy định về trách nhiệm chịu chi phí tống đạt văn bản tố tụng thuộc về người yêu cầu, trừ một trường hợp ngoại lệ. Theo đó, trường hợp ngoại lệ này phát sinh khi Tòa án gửi Thông báo nộp lệ phí, chi phí tống đạt văn bản tố tụng cho người yêu cầu ở nước ngoài. Bởi lẽ, tại thời điểm Tòa án lập Thông báo này, người yêu cầu chưa phải thực hiện việc nộp chi phí tống đạt văn bản tố tụng. Do đó, Tòa án phải thực hiện việc tống đạt và thanh toán chi phí tống đạt Thông báo nêu trên cho người yêu cầu từ nguồn ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động xét xử được cấp hàng năm. Chi phí này được Nhà nước bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 144/2012/TT-BTC ngày 04/9/2012 của Bộ Tài chính “Quy địnhviệc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác tương trợ tư pháp”.

Phương Nam