Tin vắn thế giới ngày 17/7: Indonesia, Malaysia cùng lên tiếng về vấn đề Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 06:58, 17/07/2020
Indonesia, Malaysia nêu lập trường về vấn đề Biển Đông
Ngày 16/7, trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài tại họp báo trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây tại Biển Đông.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Indonesia nhấn mạnh: “Quan điểm của Jakarta về Biển Đông rất rõ ràng và nhất quán. Việc tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, là vấn đề mấu chốt và cần được tất cả các bên duy trì”.
Trong khi đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Hishamuddin Hussein khẳng định nước này nhất quán lập trường rằng các bên cần hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Tàu khu trục USS Ralph Johnson đã áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa trong cùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ các yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Ảnh: US NAVY
Mỹ hối thúc các nước tẩy chay ứng cử viên Trung Quốc vào Tòa Quốc tế về Luật Biển
Mỹ hối thúc các nước không bầu cho ứng cử viên của Trung Quốc vào vị trí thẩm phán Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS).
Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tổ chức mới đây, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương David Stilwell cho biết Trung Quốc đang đẩy một ứng cử viên vào Hội đồng thẩm phán của ITLOS thông qua kỳ bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020: Ứng cử viên Joe Biden nhận được khoản tài trợ khổng lồ
New York Times ngày 16/7 cho biết cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận đươc số tiền tài trợ tranh cử lên tới 242 triệu USD, một con số gấp nhiều lần số tiền chưa đến 60 triệu USD mà cựu Phó Tổng thốngđược tài trợ tính đến đầu tháng Tư. Hiện tại số tiền ông Biden được tài trợ vẫn ít hơn 295 triệu USD mà ông Trump nhận được nhưng khoảng cách chênh lệch không còn nhiều.
Phản ứng của châu Âu và Mỹ sau khi ECJ hủy thỏa thuận chia sẻ dữ liệu giữa hai bên
Giới chức châu Âu và Mỹ cho biết sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm tìm giải pháp và đem đến sự đảm bảo pháp lý cần thiết cho các công ty công nghệ sau khi Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) vô hiệu hóa thỏa thuận chuyển giao dữ liệu quan trọng giữa châu Âu và Mỹ, có tên là "Lá chắn bảo mật".
Ông Andrej Plenkovic được bổ nhiệm làm Thủ tướng Croatia
Ngày 16/7, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic đã bổ nhiệm Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Croatia (HDZ) theo đường lối trung hữu, ông Andrej Plenkovic làm Thủ tướng nước này.
Tổng thống Azerbaijan cách chức Ngoại trưởng E. Mammadyarov
Ngày 16/7, phương tiện truyền thông cho biết Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã cách chức Ngoại trưởng nước này Elmar Mammadyarov liên quan tới lập trường của người đứng đầu ngành ngoại giao nước này về các vụ đụng độ gần đây giữa Azerbaijan với nước láng giềng Armenia.
Lãnh đạo thế giới kêu gọi quyền tiếp cận bình đẳng với vaccine COVID-19
Trong bài viết được đăng tải trên tờ Washington Post ngày 15/7, tám nhà lãnh đạo thế giới cho rằng miễn dịch là chìa khóa để chấm dứt đại dịch COVID-19, song chỉ có thể đạt được điều này khi tất cả các nước được quyền tiếp cận với vaccine.
Những nhà lãnh đạo đứng tên trong bài viết gồm có Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Ethiopia Sahle-Work Zewde, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez Perez-Castejon, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven và Thủ tướng Tunisia Elyes Fakhfakh.
New York dự kiến sẽ mở cửa giai đoạn 4 vào ngày 20/7
Thành phố New York, nơi từng là tâm dịch lớn nhất nước Mỹ, dự kiến sẽ mở cửa giai đoạn 4 vào ngày 20/7 tới. Tuy nhiên các không gian hoạt động trong nhà như trung tâm mua sắm, bảo tàng hay phòng tập thể thao sẽ vẫn phải đóng cửa mặc dù đây là giai đoạn cuối trong lộ trình mở cửa lại gồm 4 giai đoạn do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra.
Dịch COVID-19: Hàn Quốc tích cực hỗ trợ nhiều nước
Ngày 16/7, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này nhất trí viện trợ khẩu trang và bộ kit chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 với tổng trị giá khoảng 12 triệu USD cho 32 quốc gia. Trước đó, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định hỗ trợ phòng dịch cho 97 nước với tổng trị giá 41 triệu USD.
Chính phủ Turkmenistan ban bố lệnh phong tỏa
Ngày 16/7, các quán ăn, tiệm tạp hóa và các cơ sở tôn giáo tại Turkmenistan đã đóng cửa khi chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước nhằm phòng ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mặc dù quốc gia Trung Á này cho đến nay chưa chính thức ghi nhận ca nhiễm nào.
Nga bác bỏ cáo buộc về việc can thiệp bầu cử Anh và đánh cắp dữ liệu nghiên cứu COVID-19
Ngày 16/7, Chính phủ Nga đã lên tiếng phản đối sau khi Anh cáo buộc nước này tìm cách can thiệp vào cuộc tổng tuyển cử của Anh năm 2019 và đánh cắp dữ liệu nghiên cứu về bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Brazil cấm sử dụng lửa cho mục đích nông nghiệp trong 120 ngày
Ngày 16/7, Chính phủ Brazil ban hành nghị định cấm sử dụng lửa cho mục đích nông nghiệp trong vòng 120 ngày trên phạm vi toàn quốc, với mục đích ngăn chặn sự gia tăng các đám cháy rừng tại khu vực rừng rậm Amazon.
Ngoại trừ khu vực rừng rậm Amazon và vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới Pantanal, nông dân có thể thực hiện các hoạt động đốt nương làm rẫy "thiết yếu cho các hoạt động nông nghiệp" và phải có sự cho phép từ cơ quan môi trường của các địa phương.
Trung Quốc ban bố cảnh báo vàng về nắng nóng
Trung tâm Khí tượng Quốc gia (NMC) Trung Quốc ngày 16/7 ban bố cảnh báo vàng về nhiệt độ cao khi nước này đang bước vào giai đoạn nắng nóng nhất trong năm. Màu vàng là mức cảnh báo cao thứ 2 trong hệ thống cảnh báo 4 mức độ theo màu của NMC.
Nghiên cứu về khả năng lây truyền COVID-19 từ mẹ sang con
Một nghiên cứu tại Italy cho thấy phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể truyền virus SARS-CoV-2 sang con, tuy nhiên, việc này tương đối hiếm với tỷ lệ chưa tới 2%.
Các nhà nghiên cứu do chuyên gia Viện Y học quốc gia Mỹ Roberto Romero đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu 31 phụ nữ nhiễm virus SARS-CoV-2 đang mang thai trong thời gian từ tháng 3-4 vừa qua, và phát hiện nhiều dấu vết của virus trong một số mẫu máu lấy từ dây rốn, nhau thai và một trường hợp trong sữa mẹ. Nhưng các xét nghiệm này chỉ phát hiện nhiều vật liệu di truyền, không đồng nghĩa rằng virus có thể lây nhiễm.