Có nên phân cấp cho địa phương quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp?
Đời sống - Ngày đăng : 14:02, 14/07/2020
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh nhưng vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực thi cần sửa đổi.
Việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới, bảo đảm sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Thống nhất với hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư kinh doanh đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định theo quy định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trên cơ sở đó đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý thống nhất đối với hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Dự thảo Nghị định có một số điểm mới nhằm thống nhất hệ thống pháp luật đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập còn tồn tại như sau: Cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; Phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương.
Dự thảo Nghị định phân cấp quản lý theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Đáng chú ý, trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều thống nhất quan điểm cần có quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng còn ý kiến khác nhau về biện pháp quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ về nội dung này với hai phương án:
Phương án 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn. Phương án 2: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.
Sau khi lấy ý kiến, 20/23 Thành viên Chính phủ chọn phương án 1.
Phát biểu tại Phiên họp, nhiều ý kiến đồng tình với việc cần tăng cường quản lý trong công tác cấp phép, tổ chức các hội thi, hội diễn trong nghệ thuật biểu diễn; chống vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm về văn hóa dân tộc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: Nghệ thuật là nhân sinh, phản ánh thời cuộc, nhưng thời gian vừa qua không thiếu các cuộc thi, buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ lệch lạc, méo mó trong đời sống. Nhiều cuộc thi, buổi biểu diễn làm cho những người thụ hưởng văn hóa có nhận thức đau lòng. Có những cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật chạy theo thị hiếu tầm thường. Do vậy, cần phải nhìn nhận thấu đáo và có quản lý để phát triển văn hóa nghệ thuật đảm bảo đúng định hướng.
"Có những chương trình biểu diễn gọi phụ nữ là “chân dài”. Vậy, dùng từ ngữ đó trong chương trình nghệ thuật có được coi là xúc phạm phụ nữ hay không?”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi.
Nêu quan điểm rằng dù đa số thành viên Chính phủ lựa chọn phương án 1 nhưng ông chỉ đồng tình với phương án 2, Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích:
Nếu bây giờ phân cấp cho địa phương quản lý các cuộc thi người đẹp thì liệu có quản lý được không? “Quan điểm của tôi là cần có kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp cho các địa phương”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Thời gian qua “loạn” các cuộc thi người đẹp, nhan nhản những cuộc thi hoa hậu thôn, hoa hậu phường. Rồi qua theo dõi các cuộc thi trên truyền hình, thấy các cháu nhỏ hát nhưng ca khúc, bài hát của người lớn.
"Phải chăng cuộc thi đã làm các cháu “già” đi? Hãy để tuổi thơ của các cháu hồn nhiên, phát triển toàn diện, cho nên cần có quy định chặt chẽ trong việc tổ chức các cuộc thi, biểu diễn nghệ thuật”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Hoàng Thanh Tùng cho rằng, sau thời gian thực hiện, Chính phủ chưa có tổng kết mà lại tiếp tục sửa đổi, vậy cần phải làm rõ vấn đề này. Cần khống chế các cuộc thi nghệ thuật biểu diễn, tổ chức cuộc thi người đẹp, tránh hiện tượng “xin - cho” trong việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật; Phân biệt rành rọt trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan đến việc biểu diễn nghệ thuật. Do vậy, phải rà soát lại quy định thẩm quyền của các bộ, ngành, loại trừ nhưng quy định đã được Luật chuyên ngành quy định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đây là Nghị định cũ (sửa đổi) được Chính phủ xin ý kiến UBTVQH là cách làm thận trọng trong quản lý nghệ thuật biểu diễn là cần thiết. Vì vậy, có thể phân cấp theo thẩm quyền, nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc định hướng. Do vậy, cần rà soát thêm, để tránh trùng lắp với hệ thống Luật đã quy định về quyền công dân.