Phiên họp thứ 46 UBTVQH: Cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Chính trị - Ngày đăng : 13:26, 14/07/2020

Sáng nay 17/7, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đánh giá về Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Kỳ họp thứ 9, đổi mới và thành công

Tại phiên họp, UBTVQH  đã thảo luận và thống nhất tổng kết Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.  Theo đó, kỳ họp này đã được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện đặc biệt, đó là vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, với việc thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát 01 chuyên đề và xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo kiến nghị cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Các dự án luật, dự thảo nghị quyết được chuẩn bị chu đáo, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thể hiện trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra. Trong đó các báo cáo thẩm tra đã thể hiện quan điểm rõ ràng, hỗ trợ hiệu quả các vị đại biểu nghiên cứu, tham gia góp ý vào các dự thảo.

Phiên họp thứ 46 UBTVQH: Cho ý kiến bước đầu về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Phiên họp thứ 46, UBTVQH

Các vị đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng; xem xét thận trọng, toàn diện trước khi biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo sát sao các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Các dự án luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao, nhằm góp phần giải quyết những yêu cầu thực tiễn đặt ra về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, huy động nguồn lực xã hội, phát triển doanh nghiệp; nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thực hiện việc giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyết tâm ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, đáp ứng sự mong đợi của người dân và cử tri cả nước; Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội đã được quyết định với nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những hạn chế cần khắc phục, đó là: Tình trạng chậm gửi hồ sơ tài liệu và việc bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng đã gây khó khăn, áp lực trong việc chuẩn bị, tiến hành kỳ họp cũng như trong việc nghiên cứu, tham gia ý kiến của đại biểu Quốc hội;

Một số nội dung trình Quốc hội có chất lượng chuẩn bị chưa cao, có nội dung chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan của Chính phủ  dẫn đến khó khăn, bị động trong thẩm tra, tiếp thu, giải trình và hoàn thiện nội dung trình Quốc hội.

Do vậy, cần kiên quyết hơn trong việc bảo đảm tiến độ chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 10 để khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu kỳ họp. Nâng cao chất lượng chuẩn bị các nội dung, kỹ thuật lập pháp, đánh giá đầy đủ tác động của các chính sách, giải pháp trước khi trình Quốc hội.

Tăng cường công tác giám sát, trong đó tập trung các vấn đề gây bức xúc, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Chú trọng giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành sau chất vấn.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga: Kỳ họp vừa qua diễn ra tốt đẹp với sự phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ trong triển khai họp trực tuyến, được cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đa số đại biểu nhiều nhất trí cách họp trực tuyến như vừa qua, nhưng cũng nhiều ý kiến muốn họp tập trung tại hội trường, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn.

Vì vậy, kỳ họp tới nên phân chia những nội dung nào có thể đưa vào thời gian họp tập trung và họp trực tuyến. Bên cạnh đó, phần thảo luận tổ cần cải tiến để nâng cao chất lượng hơn nữa.

Kỳ họp thứ 10 dự kiến diễn ra trong 18 ngày

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, Kỳ họp vừa qua chúng ta làm được nhiều việc, được người dân trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đặc biệt là viêc Quốc hội đã thông qua 02 Nghị quyết về việc phê chuẩn EVFTA , EVIPA  và Nghị quyết về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA.

Việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư có mức độ cam kết sâu rộng, toàn diện nêu trên mở ra giai đoạn hội nhập ở mức độ cao hơn và phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp hai bên... góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về Kỳ họp thứ 10 tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, ngày khai mạc hỳ họp nên tổ chức đúng ngày 20/10. Việc thảo luận ở tổ vẫn triển khai, nhưng thời gian giảm đi để tăng thời gian thảo luận chung tại Hội trường. Thời gian phát biểu của đại biểu tại Hội trường chỉ là 5 phút, thời gian tranh luận là 2 phút.

Thời gian chất vấn của đại biểu Quốc hội là 2,5 ngày. Việc bố trí thời gian cần phù hợp với hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng và Nhà nước bởi năm nay Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN thì cần bố trí thời gian linh hoạt để lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp khách quốc tế.

Báo cáo trước UBNTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là 18 ngày. Trong đó, đợt 1 tiến hành 9 ngày, bắt đầu ngày 19/10 và kết thúc ngày 28/10; đợt 2 tiến hành 9 ngày, bắt đầu ngày 3/11 và kết thúc ngày 12/11 (bế mạc kỳ họp), dự phòng ngày 13/11. Nội dung, thời gian họp như sau:

Đợt 1 họp trực tuyến 9 ngày, bao gồm phiên trù bị, khai mạc; nghe trình bày các tờ trình, báo cáo (kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; 4 dự án luật trình cho ý kiến). Thảo luận 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình thông qua. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đề nghị bố trí tại đợt 1 để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng dự thảo Nghị quyết về chất vấn trước khi trình Quốc hội thông qua tại đợt 2.

Đợt 2, họp tập trung 9 ngày với nội dung thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (năm 2020, 2021 và 5 năm 2016-2020); thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận 4 dự án luật trình cho ý kiến. Quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có). Thông qua luật, nghị quyết và phiên bế mạc.

Các nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước đề nghị bố trí tại đợt 2 để có thể thảo luận ở tổ. Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, do khoảng cách từ lúc thảo luận đến thông qua các dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước rất ngắn, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan chuẩn bị các dự thảo Nghị quyết và sớm gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trong quá trình thảo luận ở tổ, hội trường, bảo đảm kịp hoàn thiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Ngoài ra, Văn phòng Quốc hội sẽ nâng cấp các phần mềm phục vụ đại biểu Quốc hội để bổ sung tính năng đăng ký tranh luận, tạo thuận tiện, công khai, minh bạch.

Mai Thoa