Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và 9 Luật khác
Chính trị - Ngày đăng : 14:47, 10/07/2020
Quang cảnh buổi họp báo sáng ngày 10/7
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung chủ trì cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 10 luật đã được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Theo đó, các luật được công bố gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Các luật này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
Trong số 10 luật được kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV thông qua, có 5 luật mới lần đầu ban hành, gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Thanh niên 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Cụ thể:
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giám định tư pháp bổ sung 1 Điều, 4 khoản, 4 điểm; sửa đổi, bổ sung 8 Điều, 22 khoản, 9 điểm với những nội dung cơ bản: mở rộng phạm vi giám định tư pháp; bổ sung việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp gắn với bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định tư pháp viên; thành lập thêm tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự; bổ sung cơ quan thuộc Chính phủ trong việc công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, Kiểm toán nhà nước giới thiệu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, luật bổ sung quyền được bảo vệ khi hoạt động giám sát, bố trí vị trí phù hợp khi tham dự phiên tòa của người giám định; quy định cụ thể hơn cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan trưng cầu và tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp.
Ngoài ra, luật quy định thời hạn giám định; sửa đổi quy định kết luận giám định theo hướng cụ thể; nâng cao trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 Điều. Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.
Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.
Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.
Liên quan đến việc bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Điều 4 nêu rõ, trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại.
Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31.
Hòa giải viên, các bên chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng gồm 3 Điều.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng nhằm tiếp tục thể chế hoá Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hoá thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Nội dung chính của Luật bao gồm: lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; hình thức quản lý dự án đầu tư xây dựng; thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau khi thiết kế cơ sở; cấp giấy phép xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chứng chỉ hành nghề; nguyên tắc đầu tư xây dựng; quyền, trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ một số trường hợp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2010, bao gồm: Quy định tại khoản 13, khoản 30, khoản 37 (Điều 1); quy định tại điểm d, điểm đ khoản 3 Điều 3.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung 54 Điều về nội dung, 14 Điều về kỹ thuật.
Nội dung cơ bản bao gồm: tiếp tục khẳng định, quy định cụ thể cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quy định về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bổ sung một số hình thức văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, luật sửa đổi thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã; lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm, hiệu quả phối hợp của cơ quan trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; tiếp tục hoàn thiện các quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; quy định thủ tục hành chính trong văn bản quy phạm pháp luật; nâng cao trách nhiệm của cơ quan đề nghị, soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều gồm 3 Điều.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Phòng, chống thiên tai, bao gồm: loại hình thiên tai; công trình phòng chống thiên tai; nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai; vật tư, phương tiện, trang thiếu bị phòng, chống thiên tai; ngân sách nhà nước cho phòng, chống thiên tai; quỹ phòng, chống thiên tai trung ương; bổ sung 2 Điều mới: Điều tra cơ bản, Khoa học và công nghệ phòng, chống thiên tai.
Ngoài ra, luật nêu rõ nhiệm vụ đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai; huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ; cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh.
Ngoài ra, luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đê điều: cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều; bãi nổi, cù lao; xây dựng, cải tạo cầu qua sông có đê.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Luật Thanh niên có 7 chương, 41 Điều, sẽ thay thế Luật Thanh niên 2005. Luật Thanh niên 2020 quy định 8 điểm mới cơ bản:
Thứ nhất, không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên. Thứ hai, quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Thứ ba, quy định nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Thứ tư, quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên. Theo đó, tháng 3 hàng năm sẽ là Tháng Thanh niên.
Thứ năm, quy định về chính sách đối với thanh niên. Thứ sáu, trách nhiệm của tổ chức thanh niên. Thứ bẩy, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên. Thứ tám, quy định về quản lý Nhà nước về thanh niên.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung 20/102 Điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản liên quan đến đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, ngoài những tiêu chuẩn chung liên quan đến nội dung đại biểu Quốc hội, khoản 1a Điều 22 quy định: "Đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam."
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Luật Đầu tư gồm 7 chương, 77 Điều và 4 phụ lục kèm theo. Luật quy định hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài; áp dụng với nhà đầu tư và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh.
Nội dung chủ yếu của luật bao gồm: nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện dự án đầu tư; quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Đáng chú ý, Điều 6 quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, bao gồm: kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vậy quy định tại Phụ lục II; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên…; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người, kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ quy định tại khoản 3 Điều 75 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là luật mới, trước đây, các quy định về hoạt động PPP chỉ dừng ở cấp Nghị định. Luật quy định cụ thể về các lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP; quy mô đầu tư; phân loại các dự án PPP và thẩm quyền quyết định của trương đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhằm bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác. Cùng với đó, việc xây dựng khung pháp lý có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101, dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ ngày 15/8/2020.
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 Điều, với những cải cách quan trọng nhất, gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường;
Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến;
Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.