Hủy án sơ thẩm vụ Công an xã đánh chết học sinh lớp 9

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 14:52, 25/03/2015

Sau 2 ngày xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, còn nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ và thẩm định kỹ, tình tiết tăng nặng nhẹ chưa được áp dụng chính xác ở cấp sơ thẩm, nên đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm để điều tra lại.

Chiều 24/3, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên hủy toàn bộ bản án vụ công an xã đánh chết học sinh đối với các bị cáo Lê Minh Phát (Công an viên, SN 1990, trú thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh), Lê Ngọc Tâm (Công an viên, SN 1983, trú thôn Lộc Thọ, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) và Lê Tấn Khỏe (SN 1999, trú thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh) về tội Cố ý gây thương tích và Bắt người trái pháp luật, chuyển hồ sơ cho VKSND huyện Vạn Ninh điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

Trước đó, ngày 14/11/2014 TAND huyện Vạn Ninh đã tuyên phạt Phát 6 năm 9 tháng tù về 2 danh tội trên, Khỏe 3 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, Tâm 9 tháng tù treo về tội Bắt người trái pháp luật.

Hủy án sơ thẩm vụ Công an xã đánh chết học sinh lớp 9

Các bị cáo tại tòa 

Theo hồ sơ vụ án, chiều 29/12/2013, Lê Tấn Khỏe dùng vỏ chai nước khoáng ném trúng người em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Sau khi hai nhóm thiếu niên đã giải hòa, Lê Minh Phát vô cớ đuổi bắt, đánh đập, còng tay em Thạch, rồi cùng Lê Ngọc Tâm đưa em học sinh này đến trụ sở Công an xã Vạn Long đánh tiếp, mặc dù không được Trưởng Công an xã phân công. Sau khi được gia đình bảo lãnh về nhà, đến sáng 31/12/2013, em Thạch tử vong khi đang cấp cứu tại bệnh viện do chấn thương sọ não.

Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị hại, bị cáo Phát và gia đình bị cáo Khỏe đều kháng cáo. Trong đó, gia đình người bị hại không chấp nhận việc Tòa xử các bị cáo Phát, Tâm tội Cố ý gây thương tích, mà yêu cầu cấp phúc thẩm xử tội Giết người; đồng thời yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét các tình tiết tăng nặng đối với hai bị cáo này, xem xét một số vật chứng mà cấp sơ thẩm đã bỏ qua. Còn gia đình bị cáo Khỏe và bị cáo Phát kháng cáo kêu oan. Riêng bị cáo Tâm không kháng cáo.

Qua quá trình xét xử, HĐXX phúc thẩm nhận định, còn nhiều tình tiết của vụ án chưa được điều tra, thẩm định kỹ; Tòa xét xử chưa xem xét áp dụng hình thức tăng nặng nhẹ tại cấp xét xử sơ thẩm. Cụ thể:

Trong biên bản khám nghiệm hiện trường chiếc mũ bảo hiểm bằng nhựa cứng có vết nứt dài mà Cơ quan điều tra đã thu giữ được, bị cáo Phát thừa nhận chiếc mũ này là của bị cáo nhưng không bị vỡ; bị cáo cũng không thừa nhận dùng mũ bảo hiểm đánh em Thạch. Tuy nhiên trong khi lời khai của những người làm chứng mà Cơ quan điều tra thu thập đều khẳng định, có nghe em Thạch kể lại bị Công an đuổi theo và dùng mũ bảo hiểm đánh, nhưng cấp sơ thẩm không điều tra làm rõ các dấu vết được mô tả trên mũ bảo hiểm là của ai, nguyên nhân bị vỡ, để có cơ sở kết luận bị cáo Phát có sử dụng hay không sử dụng mũ bảo hiểm đánh em Thạch?. Mặt khác, Cơ quan điều tra không xem chiếc mũ thu được tại hiện trường là vật chứng của vụ án như đúng theo quy định của pháp luật.

Hủy án sơ thẩm vụ Công an xã đánh chết học sinh lớp 9

Đại diện HĐXX tuyên án

Theo lời khai của ông Huỳnh Trọng Thắng, Phó Công an xã Vạn Thắng thì ông Thắng đã có hành vi cùng với bị cáo Phát đi tìm bắt em Thạch, khi phát hiện Thạch thì ông Thắng một tay cầm tay Thạch, một tay cầm vai Thạch giữ người lại để cho Phát dùng còng số 8 còng tay Thạch chéo ra sau lưng, sau đó nói bị cáo Tâm chở ông Phát và em Thạch về trụ sở UBND xã Vạn Long. Hành vi nêu trên của ông Thắng cũng chưa được cấp sơ thẩm điều tra xem xét xử lý.

Bên cạnh đó, nạn nhân Thạch bị các bị cáo xâm hại là trẻ em mới 14 tuổi 5 tháng 29 ngày. Bị cáo Phát đánh em Thạch trong lúc em Thạch bị còng tay, không còn khả năng tự vệ, đánh nhiều lần nên hành vi nêu trên của bị cáo Phát thể hiện tính côn đồ, cấp sơ thẩm chưa xem xét đánh giá đầy đủ và áp dụng các tình tiết tăng nặng hình sự quy định tại điểm d là phạm tội có tính chất côn đồ, điểm h phạm tội đối với trẻ em mà áp dụng Điều 48 BLHS đối với các bị cáo là không đúng với các quy định của pháp luật. Những nội dung nêu trên cấp phúc thẩm không thể bổ sung được cần phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại theo quy định chung.

Trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phát thừa nhận hành vi bắt Thạch là sai, vì không được ai giao nhiệm vụ. Phát cho rằng mới vào ngành nên chưa nắm rõ luật, nhưng mục đích là “giữ gìn trật tự”. Phát cũng thừa nhận hành vi tát, đánh Thạch, nhưng cho rằng hành vi của bị cáo không gây chấn thương sọ não cho nạn nhân.

Hội đồng xét xử đã đặt nhiều câu hỏi với Phát về chiếc mũ bảo hiểm mà Cơ quan điều tra đã thu giữ khi khám nghiệm hiện trường, Phát thừa nhận đây là mũ bảo hiểm của Phát, nhưng trong lúc Phát rượt đuổi Thạch thì không biết rơi ở đâu, rơi khi nào. HĐXX hỏi về vết nứt trên mũ bảo hiểm của bị cáo do đâu thì Phát nói không biết. Luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn luật sư Khánh Hòa) bào chữa cho bị cáo Phát đặt câu hỏi, các luật sư và VKS căn cứ vào điều luật nào, vật chứng nào của vụ án mà đề nghị hủy án? và đề nghị Tòa sửa một phần bản án, theo luật sư Hảo bị cáo Phát không phạm tội Cố ý gây thương tích, vì người bị hại chết là do Khỏe ném chai thủy tinh, cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Phát phạm tội Cố ý gây thương tích là chưa có cơ sở và luật sư cũng đề nghị Tòa xem xét, giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo về tội Bắt người trái pháp luật.

Về phía bị cáo Khỏe thì thừa nhận hành vi dùng vỏ chai nước khoáng thủy tinh ném trúng đầu Thạch. Sau đó vỏ chai rơi xuống, bị vỡ. Thạch bị té ngã, rồi vùng dậy chạy lên hướng Quốc lộ 1. HĐXX hỏi: “Theo bị cáo, bị cáo cầm vỏ chai ném như vậy thì có nguy hiểm không?”. Khỏe đáp: “Bị cáo không biết” và cho rằng mình không phạm tội... Luật sư Trần Quốc Tuấn và Huỳnh Văn Thành (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) bào chữa cho bị cáo Khỏe cũng đề nghị Tòa hủy án và cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, áp dụng pháp luật không đúng, có bỏ lọt tội phạm, bị hại chết do chai nước khoáng ném vào đầu là không đúng, cái chết của bị hại là do Phát gây ra chứ không phải Khỏe gây ra, Khỏe không có trách nhiệm gì về vết thương gây ra cái chết của bị hại.

Bảo vệ quyền lợi cho phía bị hại, luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn luật sư tỉnh Bình Thuận) và Võ An Đôn (Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên) lại đồng ý với quan điểm của vị công tố là đề nghị Tòa hủy án và cho rằng, hành vi của bị cáo Phát không phải tội Cố ý gây thương tích mà là tội Giết người.

Hoàng Thiên Lý