Mưa lũ bất thường tại Trung Quốc: Đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ
Chuyển động - Ngày đăng : 18:23, 03/07/2020
Trung Quốc đã trải qua hơn 30 ngày mưa lũ bất thường tại miền Nam nước này khiến hàng triệu người mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế hàng tỉ USD.
Mưa lũ nhấn chìm nhà ở của người dân ở khu Kỳ Giang, Trùng Khánh, Trung Quốc vào ngày 1/7.
Trong bối cảnh mưa to liên tục suốt hơn 30 ngày qua – một điều hiếm thấy tại Trung Quốc trong những năm gần đây, Tam Hiệp - đập thủy điện lớn nhất thế giới nằm chặn sông Trường Giang ở Trung Quốc - đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trong những ngày gần đây, khi tình trạng ngập lụt được ghi nhận tại nhiều nơi nằm ở hạ nguồn của con đập này. Đập Tam Hiệp được xây với 3 mục đích chính là sản xuất điện, kiểm soát lũ và hỗ trợ giao thông đường thủy.
Theo Tân Hoa Xã, do ảnh hưởng của mưa lớn ở khu vực trung và thượng lưu sông Trường Giang, lượng nước đi vào hồ chứa Tam Hiệp không ngừng tăng. Để giải phóng một lượng nước có khả năng gây lũ lụt trong tương lai, sáng 29/6 đập Tam Hiệp đã mở cống xả nước.
Sáng 2/7, Ủy ban Thủy lợi Trường Giang dự báo lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp từ lúc 14h cùng ngày sẽ tăng lên mức khoảng 50.000m3/s. Tuy nhiên, đến 10h sáng cùng ngày, lưu lượng nước đổ về hồ chứa Tam Hiệp đã đạt 50.000m3/s, làm phát sinh trận lũ số 1 trong năm 2020.
14h cùng ngày, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp tăng lên đến 146,97m, trong khi lưu lượng nước đổ về thực tế đã đạt 53.000m3/s, còn lượng xả là 35.500m3/s.
Sau khi mở 2 cửa xả lũ hôm 29/6, hình ảnh mới nhất được hãng tin Tân Hoa xã đăng tối 2/7 cho thấy đập Tam Hiệp chắn ngang sông Trường Giang đã mở 3 cửa xả lũ.
Ảnh chụp từ trên cao ngày 2/7 cho thấy đập Tam Hiệp mở 3 cửa xả lũ.
Trước đó, hôm 2/6, theo báo Taiwan News, nhà địa chấn học Trung Quốc có tài khoản YouTube là Feng Tian Lao Wang dự đoán lũ lụt ở lưu vực sông Dương Tử sẽ lên đến đỉnh điểm vào ngày 2/7 và một trận động đất cũng sẽ xảy ra vào ngày hôm đó, làm trầm trọng thêm tình hình liên quan tới đập Tam Hiệp.
Ngày 2/7, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) cũng đưa ra cảnh báo mưa lớn trên khắp Trung Quốc ngày thứ 31 liên tiếp. Và đúng như dự đoán, một trận động đất xảy ra lúc 4h07 sáng cùng ngày. Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc (CENC) cho biết trận động đất mạnh 3,2 độ làm rung chuyển quận Zoige, tỉnh Tứ Xuyên ở độ sâu 8 km.
Quận Zoige nằm ở thượng nguồn của đập Tam Hiệp. Mặc dù cường độ của trận động đất không lớn lắm nhưng với độ sâu chấn tiêu nông, cộng với tình hình lũ lụt hiện nay - khiến đập Tam Hiệp phải xả cống, người ta lo ngại sẽ xảy ra lở đất.
Trong bối cảnh đó, 20h tối 2/7, Bộ Tổng chỉ huy chống lũ lụt và hạn hán quốc gia của Trung Quốc đã khởi động phản ứng khẩn cấp cấp 4 (cấp thấp nhất trong 4 cấp) nhằm phòng chống lũ, thông báo cho các khu vực liên quan, đồng thời cử hai tổ công tác tới Hồ Nam - Hồ Bắc và An Huy để hỗ trợ công tác chống lũ và cứu trợ thiên tai của các địa phương.
Trong vài ngày qua, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở cả trên và dưới đập Tam Hiệp, bao gồm thành phố Nghi Xương nằm cách đập chỉ 40 km và Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở thượng nguồn.
Khu danh thắng Phượng Hoàng cổ trấn nằm trên một nhánh của sông Dương Tử (Trường Giang) thuộc tỉnh Hồ Nam, hình thành dưới thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên) cùng nhiều thành phố khác ở Trung Quốc đã gặp cảnh ngập lụt trong những ngày gần đây.
Phượng Hoàng cổ trấn chìm trong biển lũ
Một video được người dân địa phương này chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, dòng nước có chứa phù sa tràn qua nhiều đường phố của Phượng Hoàng cổ trấn. Có nơi mực nước ngập tới vai, khiến ít nhất 20 người dân tại đó bị mắc kẹt. Còn ở một số khu hiện đại hơn, nhiều phương tiện giao thông và người dân phải vất vả để đi qua các xoáy nước màu nâu.
Trong khi đó, các cơn mưa lớn đầu tháng 7 ở thành phố Trùng Khánh, phía Tây Nam Trung Quốc đã gây lũ lụt, sạt lở, làm 1 người chết, 4 người mất tích và gây hư hại nhiều công trình. Những cơn mưa xối xả đã gây thiệt hại cho cuộc sống của hơn 69.000 người dân địa phương. Tổng cộng 2.035 người đã được sơ tán. Mưa bão cũng làm hư hại 1.251 ha hoa màu, phá hủy các ngôi nhà và các công trình đường cao tốc ở Trùng Khánh. Thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 10,4 triệu USD.