Quốc hội thông qua Luật đầu tư: Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Chính trị - Ngày đăng : 16:26, 17/06/2020

Chiều nay (17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó các ĐBQH nhất trí cao với đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

Quốc hội thông qua Luật đầu tư: Chính thức cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Với 446/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,34% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) với 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo.

Cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ"

Trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vu Hồng Thanh cho biết một số điểm đáng lưu ý.

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (Điều 6): Đa số ý kiến đề nghị quy định Phụ lục 1, 2, 3 tại dự thảo Luật và sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu quy định Phụ lục 1, 2 và 3 tại dự thảo Luật trên cơ sở rà soát, cập nhật nội dung các phụ lục này theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế.

Về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật, các đại biểu đã nhất trí với quy định như Điều 6 với tỷ lệ 436/456 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,27% tổng số đại biểu Quốc hội).

Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp là giao dịch cung cấp dịch vụ đòi nợ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành và các bên tham gia giao dịch được thực hiện các hoạt động để thanh lý giao dịch đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan.

Trước đó, thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ là cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Ban soạn thảo cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên họp. Cụ thể là giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Cũng tại phiên họp đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nội dung này, Chính phủ đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học nhiều lần, và chuẩn bị rất thận trọng khi đề xuất ủng hộ phương án cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

 Không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt

Về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt (Điều 20): Có ý kiến đề nghị bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định các dự án đầu tư có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội khác tại điểm c khoản 2, vì quy định này chưa  rõ ràng về tiêu chí, dự án ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đã được quy định tại điểm a và b tại khoản này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu bỏ quy định tại điểm c khoản 2 của Điều này.

Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản 3 với mức ưu đãi đầu tư đặc biệt, tối đa thêm 50% so với các mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật, dẫn đến mở rộng ưu đãi hơn so với quy định của pháp luật về thuế và pháp luật về đất đai.

Quy định trên có thể dẫn tới xung đột pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng không quy định mức trần của chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt tại khoản 3 Điều 20 mà chỉ quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.

Đồng thời bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 13 và bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp tại khoản 4 Điều 75 của dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và để chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.

Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới, không áp dụng đối với các dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (Điều 29): Có ý kiến cho rằng tại điểm a khoản 4, quy định đối với nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời lựa chọn nhà đầu tư là chưa phù hợp với Luật Nhà ở và Luật Xây dựng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Dự thảo Luật quy định đối với các dự án thuộc diện chấp thuận đầu tư mà nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư để bảo đảm cải cách thủ tục hành chính, tránh trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất phải đến cơ quan có thẩm quyền hai lần, một lần để xin chấp thuận chủ trương đầu tư, một lần để xin chấp thuận nhà đầu tư.

Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/ 2021.

* Cũng trong chiều 17/6, với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, có tổng số 462 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 95,65%), trong đó bấm nút tán thành là 449 (chiếm 92,96%), không tán thành 8 và không biểu quyết là 5 ý kiến.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tuân thủ 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Ngọc Mai