Bỏ quản lý cư dân bằng hộ khẩu có khó khăn cho người dân không?
Chính trị - Ngày đăng : 21:43, 16/06/2020
Một trong những nội dung lớn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân và nhiều đại biểu Quốc hội, đó là đề xuất về việc bỏ quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, bãi bỏ 13 nhóm thủ tục liên quan để quản lý dân cư bằng mã số định danh.
Cần bổ sung thêm một số quy định
Theo dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ bỏ các quy định về: Sổ Hộ khẩu, Sổ Hộ khẩu cấp cho hộ gia đình, Sổ Hộ khẩu cấp cho cá nhân, tách Sổ Hộ khẩu, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu tại Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận
Thảo luận về việc quản lý dân cư bằng mã số định danh, các đại biểu cho rằng, việc quản lý dân cư phải ngày càng khoa học, thuận tiện cho người dân. Mã số định danh được tích hợp các thông số, đảm bảo cho sự lưu thông trong việc quản lý dân cư là cần thiết, là bước tiến trong việc tạo sự thuận tiện cho người dân, tiến tới bỏ bớt những thủ tục rườm rà. Tuy nhiên, cần cân nhắc và tính toán trong việc bảo mật thông tin cho người dân. Trong quá trình thực hiện sẽ có những thuận lợi và không thuận lợi, sửa chữa bổ sung dần trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nhiều đại biểu băn khoăn, khi chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú thông qua số định danh cá nhân, bỏ Sổ hộ khẩu sẽ tác động, ảnh hưởng lớn tới các quy định về giấy tờ công dân trong nhiều thủ tục hành chính hiện hành, tác động tới các chính sách, quy định về hộ gia đình cũng như việc xác định quan hệ nhân thân để hưởng quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ công dân.
Bởi vì việc chứng minh quan hệ hộ gia đình và nhân thân hiện đang chủ yếu dựa vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú. Các thủ tục này đang được quy định trong một số văn bản luật và nhiều văn bản dưới luật. Do đó, trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản này để phù hợp với phương thức quản lý cư trú mới, đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp thay thế để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) chỉ ra một số những thiếu sót mà dự thảo Luật cần bổ sung, đó là: Dự thảo Luật chưa dự liệu và quy định trường hợp một công dân có hai chỗ ở ở hai địa phương khác nhau. Hiện nay Hà Nội cũng nhiều trường hợp có hai địa chỉ ở, thời gian cư trú hai nơi như nhau. Có trường hợp đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng thường xuyên cư trú ở một nơi.
Về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật, hiện nay căn hộ chung cư là một loại hình phổ biến của nơi cư trú, nhưng dự thảo, khái niệm giải thích từ ngữ lại không coi căn hộ chung cư là nơi cư trú mà chỉ nói là nhà ở, trong khi đó là Tòa nhà, nên cần phải bổ sung.
Cùng với đó, phần giải thích cụm từ “nơi thường trú, nơi cư trú” không đúng với bản chất với vấn đề nơi cư trú và nơi tạm trú đã được quy định trong Bộ luật dân sự. Đây mới chỉ khẳng định việc được làm thủ tục mà cơ quan công an ghi vào sổ nơi thường trú là thường trú, ghi nơi tạm trú là tạm trú, nên không đúng về bản chất.
Tiếp đến là các hành vi bị nghiêm cấm, trong dự thảo luật mới quy định hành vi “thuê, cho thuê giấy tờ về cư trú” mà không có quy định “mượn, cho mượn” giấy tờ cư trú để thực hiện hành vi trái pháp luật cũng cần phải được bổ sung.
Theo đại biểu, việc bỏ sổ hộ khẩu hiện nay có một thủ tục hành chính khiến dân sẽ rất khổ là chúng ta quản lý bằng mã số định danh cá nhân và cho công dân có quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận về nơi cư trú nhưng không cấm cơ quan nhà nước, các tổ chức bắt công dân phải trình giấy tờ xác nhận về cư trú. Nếu giả sử người dân xin học cho con, nhà trường đề nghị lấy giấy xác nhận nơi cư trú này thì thủ tục hành chính sẽ khổ cho dân. Nên nếu có thể được thì đưa vào điều cấm đối với cơ quan nhà nước để tránh tình trạng hành dân, ĐB đề nghị.
Lo ngại quá tải tại các thành phố lớn
Một nội dung nữa mà các đại biểu quan tâm là dự thảo Luật bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương, tức là không có quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương; việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Nhiều đại biểu lo ngại việc bỏ này có thể khiến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh bị quá tải về cơ sở hạ tầng, không thể đáp ứng kịp việc tăng dân số cơ học. Việc quá tải phải tính trong điều kiện cụ thể, từng địa phương cụ thể để có các giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh, vừa góp phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở ưu tiên việc thu hút lao động chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Một số ý kiến khác cho rằng, việc này là phù hợp với quyền tự do cư trú, tự do đi lại của người dân. Tuy nhiên, khi bỏ đăng ký thường trú này thì cần có những phương án kỹ thuật để quản lý người dân. Bởi tại các đô thị có nhiều vấn đề cần phải quan tâm như giao thông, trường học, bệnh viện… Nếu để quá tải thì sẽ khó kiểm soát được.
Giải trình thêm một số nội dung, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an xin tiếp thu một số nội dung cụ thể mà đại biểu quan tâm trên một số nhóm vấn đề lớn, đó là: Việc thay thế phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng phương pháp quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; điều kiện để được đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương; việc xóa đăng ký thường trú; quy định chuyển tiếp khi luật có hiệu lực thi hành; một số khái niệm nội hàm của một số nội dung được quy định trong luật.
Một số đại biểu băn khoăn về tính khả thi, thời gian, thời điểm và một số bất cập trong thời điểm thi hành Luật Cư trú...Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thành cơ bản, cấp được khoảng 18 triệu số định danh và căn cước công dân trên tổng số 90 triệu dân. Nghĩa là còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân, trong đó người dưới 14 tuổi khoảng 30 triệu. Nghĩa là ít nhất còn khoảng 50 triệu người cần được cấp căn cước công dân. Về thời gian, dự kiến còn 1 năm nữa để thực hiện luật này, nếu Chính phủ và Quốc hội ủng hộ thì hoàn toàn có cơ sở để có thể cấp được, lực lượng Công an có 01 năm để hoàn thành.
Về việc cấp số định danh cá nhân, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện đã thu thập, đưa vào trong máy hệ thống thông tin dữ liệu của khoảng 80 triệu công dân. Trước đây trong 4 năm chỉ làm dược 18 triệu nhưng thời gian vừa qua lực lượng Công an xã chính quy đã đóng góp rất quan trọng trong thực hiện việc này, đã hoàn thành 99% ở các xã và kiểm tra độ chính xác của thông tin để đưa vào máy.
Trên thực tế, có một số văn bản thực hiện theo sổ hộ khẩu giấy mặc nhiên sẽ hết hiệu lực thi hành. Còn một số văn bản khác, Cơ quan soạn thảo sẽ có đề xuất với Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh giao dịch để thuận lợi cho người dân cho phù hợp cách thức quản lý mới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.