Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chính trị - Ngày đăng : 15:34, 16/06/2020

Chiều nay (16/6), với 436/455 đại biểu có mặt tán thành (chiếm tỷ lệ 90,27%), Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thay mặt UBTVQH trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo Luật.

Hòa giải được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật này quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại Tòa án; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Luật không áp dụng đối với hoạt động hòa giải, đối thoại đã được luật khác quy định.

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tiến hành dựa trên các nguyên tắc: Các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ;

Bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hòa giải, đối thoại; Nội dung thỏa thuận hòa giải, thống nhất đối thoại không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Đảm bảo bí mật thông tin

Đặc biệt, các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật, cụ thể: Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại;

Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 31 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại chỉ được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép;

Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp: Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

Luật cũng quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cụ thể: Tổ chức, quản lý hoạt động hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quy định trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và việc sử dụng thẻ Hòa giải viên; Phối hợp với Chính phủ trong việc trình Quốc hội quyết định kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án;

Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án theo quy định của pháp luật; Kiểm tra việc thực hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh về xử lý vi phạm đối với Hòa giải viên; Báo cáo Quốc hội về hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong báo cáo công tác hằng năm.

Luật cũng quy định về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên, theo đó, người được bổ nhiệm làm Hòa giải viên phải thỏa mãn các điều kiện: Đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên Thi hành án dân sự, Thanh tra viên. Luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư;

Có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại; Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của Tòa án nhân dân tối cao cấp, trừ người đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Thanh tra viên, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thẩm tra viên Tòa án ngạch Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp, Thư ký Tòa án ngạch Thư ký viên chính, Thư ký viên cao cấp.

Luật cũng quy định, Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Thanh niên sửa đổi với tỷ lệ 441/449 (chiếm 91,3%).