Liên tiếp các trường hợp trẻ nhỏ bị chó cắn, tổn thương nghiêm trọng
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:27, 16/06/2020
Ngày 16/6, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng Khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội, bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhi bị chó cắn rất thương tâm.
Bệnh nhi đầu tiên là bé trai L.N.D. (17 tháng tuổi, ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Bệnh nhi được chuyển viện đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào chiều 14/5 với một vết thương quá lớn do chó nhà cắn, phần môi dưới của bé bị đứt gần hết, bị lộ cả xương hàm và răng, vết thương ở đầu bị hở cả sọ.
Theo lời người nhà kể lại, lúc 11h trưa cùng ngày, bé đang ăn cây xúc xích thì bị con chó hàng xóm lao đến ăn xúc xích và cắn vào môi dưới, vùng đầu của bé. Bệnh nhi được sơ cứu tại bệnh viện địa phương sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1.
Sau khi phẫu thuật cấp cứu khâu lại vết thương trên mặt cho bệnh nhi, các bác sĩ tiếp tục kiểm tra thì phát hiện một vết thương khác trên đầu rất sâu, lộ xương sọ, máu chảy rỉ rả. Ê kíp phẫu thuật đã phải cạo tóc bệnh nhi, bộc lộ vết thương vùng đầu, vệ sinh vết thương chống nhiễm trùng, khâu vết thương.
Bệnh nhi thứ 2 là bé Đ.Q.V. (18 tháng tuổi, ngụ tại Bình Dương) nhập viện ngày 16/5 trong tình trạng vết thương lớn trên vùng mặt. Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó bé đi vào nhà vô tình vấp phải con chó đang nằm ngủ khiến nó giật mình chồm lên quật bé xuống cắn vào vùng mặt.
Vết thương do chó cắn gây ra dài 15cm sâu 1cm. Các bác sĩ đã phải điều trị kháng sinh, cắt lọc hoại tử khâu lại vết thương vùng mặt cho bệnh nhi.
Trường hợp thứ 3 là bé gái L.N.G.H. (19 tháng tuổi, ngụ tại Tây Ninh) nhập viện ngày 10/6 trong tình trạng mặt bị băng kín. Lúc 11h cùng ngày trước khi nhập viện, khi con chó nhà đang ăn, bé đi đến gần thì bị con chó nhào tới tấn công cắn xé nát vùng mặt. Bệnh nhi bị vết thương rất lớn rách toạc vùng má bên phải khiến da mặt lật về phía trước.
Theo bác sĩ Đẩu, đây chỉ là 3 trường hợp tai nạn thương tích trẻ em liên quan đến chó cắn mới nhất đơn vị này tiếp nhận thời gian gần đây.
Hằng năm, có nhiều trẻ em bị chó cắn phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu. Thông thường, người lớn hay bị chó cắn vào vùng tay, chân còn trẻ em lại hay bị chó tấn công vào vùng đầu mặt. Thời điểm xảy ra tai nạn thường là lúc trẻ không đến trường, ở nhà, trong khi người lớn lơ là, không chú ý.
“Chó cắn thường để lại vết thương sâu, khó hồi phục, ảnh hưởng nhiều cơ quan quan trọng của trẻ như mắt, mũi, miệng. Nguy cơ gây nhiễm trùng và nhiễm virus dại từ nước bọt, uốn ván từ móng vuốt của chó là rất lớn. Đồng thời, việc phẫu thuật, điều trị vết thương do chó cắn rất phức tạp, để lại sẹo xấu, gây sang chấn tâm lý cho trẻ," bác sĩ Đẩu chia sẻ.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh có trẻ nhỏ nên hạn chế nuôi chó, nếu nuôi phải được chích ngừa, xích ở nơi xa trẻ em, rọ mõm, nhắc nhở trẻ tránh tiếp xúc đùa giỡn khi chó đang ăn, ngủ.
Phụ huynh cũng cần cảnh giác với chó nuôi trong tất cả mọi trường hợp, chó càng lớn thì mức độ gây sát thương cho trẻ càng cao.