Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước
Chính trị - Ngày đăng : 07:54, 15/06/2020
Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 13/6, Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV
Trước đó trong ngày thứ Bảy (13/6), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận cả ngày phiên thảo luận ở Hội trường về: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Tại phiên thảo luận đã có 40 đại biểu phát biểu, 09 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các báo cáo đã phản ánh đầy đủ, nhận định thẳng thắn, khách quan về những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức và đưa ra các giải pháp, chủ trương phục hồi kinh tế.
Thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung:
Thứ nhất, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch năm 2019, các đại biểu tập trung thảo luận về: Việc thực hiện mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu: Năm 2019, mặc dù tình hình trong nước gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, KT-XH đạt được kết quả tích cực, tạo tiền đề phát triển cho năm 2020; đồng thời, các đại biểu đánh giá cao công tác điều hành, quản lý nhà nước của Chính phủ trong thực hiện mục tiêu vừa chống dịch Covid-19, vừa phát triển KT-XH; công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của nước ta với nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp đã được cộng đồng quốc tế khen ngợi.
Về kinh tế và NSNN, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: cơ cấu lại nền kinh tế; về kinh tế vĩ mô; về hoạt động tín dụng; về NSNN; về đầu tư phát triển, giải ngân vốn đầu tư công; về tình trạng phá rừng; về giao thông vận tải; về doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh… Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về vấn đề lao động, đào tạo nguồn nhân lực; về đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; về quản lý tài nguyên; về cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước; về phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông; về quốc phòng, an ninh; về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế…
Thứ hai, về tình hình triển khai kế hoạch năm 2020, các đại biểu đã cho ý kiến về những nội dung sau: Tình hình phòng chống đại dịch Covid-19, những ảnh hưởng của đại dịch đối với đời sống KT-XH; về những bài học rút ra từ sự lãnh đạo của Đảng, công tác điều hành đúng đắn, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ; sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng GDP trong quý I/2020 đã đạt 3,82%, thuộc nhóm những nước tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng được bình ổn; an ninh năng lượng, an toàn thực phẩm được bảo đảm,…
Thứ ba, về các giải pháp, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020, các đại biểu cơ bản đồng tình với 9 nhóm giải pháp được nêu trong Báo cáo của Chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 trong việc phục hồi và phát triển KT-XH. Để tiếp tục duy trì những thành tựu, kết quả đạt được, các đại biểu đề nghị cần thực hiện hiệu quả những giải pháp sau: bảo đảm nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng; cải cách chế độ công chức, công vụ; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả công tác tư pháp, thi hành pháp luật, phòng ngừa tội phạm; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng biên soạn sách giáo khoa; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19 nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi; chú trọng công tác phát triển và bảo vệ rừng; tập trung kích cầu du lịch trong nước sau đại dịch Covid-19…
Thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đánh giá cao kết quả thu NSNN vượt dự toán 8,5%, nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán đã thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thu, đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung như: việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2018; công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, chấp hành nghĩa vụ thu nộp NSNN của người nộp thuế; kết quả thực hiện chi NSNN năm 2018; việc kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách; hiệu quả quản lý ngân sách; việc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thực hiện dự toán NSNN năm 2018 và quyết toán NSNN năm 2017…
Trong quá trình thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, ngày 15/6/2020, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về KT-XH, ngân sách nhà nước. Một số bộ trưởng sẽ tham gia thảo luận và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của Bộ, ngành.