Lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo; người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi

Chính trị - Ngày đăng : 13:41, 13/06/2020

Nội dung trên là những phản ánh chân thực thực tế của ĐBQH về câu chuyện giá thịt lợn và xuất khẩu gạo thời gian qua, trong phiên họp sáng ngày 13/6.

Quốc hội dành trọn ngày 13/6 để các ĐBQH thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn 

Tham gia thảo luận tại Hội trường, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ghi nhận thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp do hạn hán, xâm nhập mặn; dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, lây lan cả nước nhưng kinh tế - xã hội vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng; hầu hết cả chỉ tiêu đều đạt và vượt, chi ngân sách giảm đáng kể…

Đồng thời đại biểu Hòa cũng nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tăng trưởng GDP những tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 3,8%, mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây; xuất nhập khẩu gặp khó khăn; phần lớn các ngành, dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng; nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng, lao động thất nghiệp, nguy cơ nợ xấu gia tăng, thu ngân sách năm 2020 khó đạt chỉ tiêu…

Ngoài ra, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rất nghiêm trọng; xâm hại rừng, bảo kê, cho vay nặng lãi, tín dụng đen, trục lợi chính sách trong tình hình dịch bệnh… tiếp tục diễn biến gay gắt, rất đáng quan ngại.

Từ đánh giá những kết quả đạt được thời gian qua và phương hướng, mục tiêu đề ra trong thời gian tới, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, quan trọng hàng đầu là phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19; ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân; tạo công ăn việc làm, tái phục hồi xuất khẩu, tiêu dùng…

Liên quan đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, giá thịt lợn bị đẩy lên cao trong gần một năm qua đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn lợn trong nước, vì sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn, đến nay thiếu có vốn để tái đàn, nhiều doanh nghiệp lớn không muốn cấp giống cho thị trường, do đó giá thịt lợn cao không đến được với người tiêu dùng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa tin tưởng, với sự hỗ trợ của Chính phủ đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, sản xuất, chăn nuôi trong nước sẽ được phục hồi trở lại như trước khi có dịch. Khi không bị áp lực, giá thịt lợn không bị tăng cao, không có hiện tượng doanh nghiệp găm hàng gây cháy giá thị trường.

Lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo; người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi

 ĐBQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ): Không nên để như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi

Cũng liên quan câu chuyện giá cả thịt lợn ở một góc nhìn vĩ mô hơn, ĐBQH Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho rằng, với tình hình hiện nay, việc kiểm soát giá cả là cấp bách để bảo đảm ổn định đời sống của nhân dân. Hiến định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và chúng ta đang thực hiện như thế.

Vì vậy, theo ĐBQH Hoàng Quang Hàm, điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải bằng quản lý, điều tiết bằng “bàn tay vô hình” của nhà nước. Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách.

“Không nên để như thời gian qua dư luận cho rằng, người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi; nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, nếu cần thiết, kinh tế nhà nước phải tham gia; nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp cần thiết thì cân nhắc cả đến việc nhà nước thu mua trực tiếp, cung ứng trực tiếp cho thị trường”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề nghị.

Bên cạnh đó, đại biểu Hàm cũng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ thông tin để công khai giá nhập khẩu vật tư, thiết bị, các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân để có giá tham khảo, kiểm soát khi mua sắm bằng kinh phí ngân sách nhà nước.

"Công khai, minh bạch thông tin là cách để kiểm soát giá tốt nhất nên cần ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện", đại biểu Hàm nêu rõ.

Lúng túng, thiếu nhất quán trong điều hành xuất khẩu gạo

Đề cập đến câu chuyện xuất khẩu gạo, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ, trong bối cảnh nhu cầu lương thực trên thế giới tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19, nhiều quốc gia tăng dự trữ khiến thị trường xuất khẩu gạo sôi động. Giá gạo thế giới tăng gần đây cũng là “cơ hội vàng” cho xuất khẩu gạo của nước ta. 

Tuy nhiên, theo đại biểu “việc phối hợp điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua thiếu đồng bộ, nhất quán và lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện”.

Lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo; người dân chỉ được ăn thịt lợn giá rẻ trên tivi

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu

Phản ánh tại thời điểm 0 giờ ngày 24/4/2020, Tổng cục Hải quan đã mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thanh tra việc điều hành xuất khẩu gạo để có biện pháp xử lý nghiêm nếu có vi phạm và rất mong sớm có kết luận vụ việc này.  

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực hiện, cần thiết thành lập Ban chỉ đạo rà soát, đánh giá, cân đối nhu cầu sử dụng gạo, tranh thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo khi nhu cầu sử dụng và giá bán tăng cao nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và dự trữ quốc gia.  

Trước đó, cũng tại phiên họp, liên quan việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, giá thịt lợn bị đẩy lên cao trong gần một năm qua, cùng với sự lúng túng, thiếu nhất quán trong điều hành xuất khẩu gạo, theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lăk), các Bộ có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm việc này.

Ngọc Mai