Người đủ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy cần phải cai nghiện bắt buộc
Chính trị - Ngày đăng : 16:28, 10/06/2020
Các ý kiến thảo luận về dự án luật này sáng 10/6 cho rằng, bổ sung quy định này là không phù hợp, trường giáo dưỡng không phải là nơi giúp các em cai nghiện được ma túy, sẽ ảnh hưởng đến tương lai các em nếu không được chữa trị kịp thời.
Nên đưa trẻ đi cai nghiện bắt buộc
Theo pháp luật hiện hành, người chưa thành niên nghiện ma túy không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên không được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC) mà được áp dụng các biện pháp cai nghiện theo quy định của Luật Phòng chống ma túy. Thẩm tra dự án Luật trước đó, UBPL tán thành việc cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người chưa thành niên, tuy nhiên quy định ở văn bản luật nào và bằng hình thức gì cần được cân nhắc thận trọng.
ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) phát biểu thảo luận
Lý do là Đảng và Nhà nước ta luôn coi người chưa thành niên, trong đó có trẻ em là đối tượng cần được quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ đặc biệt. Theo Luật Trẻ em, trẻ em nghiện ma túy được xác định là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự hỗ trợ, can thiệp đặc biệt của Nhà nước, gia đình và xã hội để được an toàn, hòa nhập gia đình, cộng đồng. Việc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không bổ sung vào Luật XLVPHC, mà thực hiện biện pháp cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện dành riêng cho người nghiện ma túy dưới 18 tuổi theo quy định của Luật Phòng chống ma túy sẽ giúp các em hòa nhập gia đình, cộng đồng tốt hơn, không dẫn đến có “tiền sự” trong lý lịch tư pháp có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tương lai phát triển sau này. Quy định như vậy vẫn đạt được mục đích cai nghiện và giáo dục người chưa thành niên nghiện ma túy, đồng thời phù hợp hơn với nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em theo Luật Trẻ em và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 91 của Luật XLVPHC, trường giáo dưỡng không có chức năng chữa bệnh, cai nghiện ma túy nên việc đưa người nghiện ma túy dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không phù hợp. Hồ sơ dự án Luật chưa có đánh giá tác động, dự kiến nguồn lực và các điều kiện bảo đảm thi hành chính sách này.
Do đó, khi thẩm tra, UBPL đề nghị bổ sung tổng kết thực tiễn, đánh giá toàn diện hiệu quả của các biện pháp, hình thức cai nghiện đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi, làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc trong việc đưa đối tượng này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ theo quy định của Luật Luật Phòng chống ma túy hiện hành để có đề xuất sửa đổi các quy định của luật này mà không thay thế bằng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) đề nghị xem xét thận trọng quy định về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và không đồng tình việc đưa vào trường giáo dưỡng đối với các đối tượng này. Vì với trẻ bị nghiện cần phải cai nghiện, trường giáo dưỡng không thể cai nghiện được cho các em.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội cho rằng, trường giáo dưỡng không phải là cơ sở cai nghiện. Với trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi nghiện ma túy mà đưa vào trường giáo dưỡng thì vô hình chung sẽ làm thay đổi tính cách các em. Chức năng chính là làm cho các em không nghiện nữa thì phải có cơ sở bắt buộc cai nghiện. Vì vậy nên cân nhắc, sửa lại quy định này để đưa các em vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, hoặc giáo dục tại nhà, xã, phường… như vậy sẽ tốt hơn cho các em rất nhiều. Nếu đưa vào trường giáo dưỡng, mục đích chính là chữa bệnh cho các em sẽ không đạt được.
ĐB Nguyễn Phi Long- Bình Định cũng nhận định, việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng để học tập, cai nghiện đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi cần phải xem xét kỹ lưỡng; phải tính toán việc làm thế nào để trẻ cai nghiện được ma túy là điều quan trọng. Vấn đề hướng thiện cho trẻ quan trọng, song nếu đưa vào trường giáo dưỡng 1 hoặc 2 lần vẫn bị tái nghiện rất khó khăn cho gia đình và cộng đồng. Nên phương án cai nghiện bắt buộc vẫn là tối ưu nhất đối với trẻ mắc nghiện hiện nay.
Quy định phải đảm bảo người dân “tâm phục, khẩu phục”
Một nội dung nữa trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được các đại biểu thảo luận là việc bổ sung quy định “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”.
Vấn đề đặt ra ở đây là nên coi đây là biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay chỉ là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.
Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT Quốc hội
Đại biểu Trần Văn Minh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT Quốc hội ủng hộ quan điểm coi đây là biện pháp cưỡng chế với những lập luận mà Chính phủ nêu ra là ngăn chặn tối đa việc tiếp tục vi phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương.
Theo đại biểu Trần Văn Minh, có khá nhiều đơn vị không chấp hành nghiêm túc các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tích cực có biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ quan thanh tra, kiểm tra đã chỉ ra, thậm chí không những không chấp hành mà còn tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền địa phương nhiều nơi rất bức xúc vì không có biện pháp bổ sung để thi hành. Bởi vậy, họ kiến nghị cần có biện pháp này, tức ngừng cung cấp dịch vụ điện nước.
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) nhấn mạnh, để áp dụng ngừng dịch vụ cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hay ngăn chặn thì cần suy xét đến tính chất của hành vi vi phạm và việc áp dụng biện pháp này gây ảnh hưởng ra sao.
Đặt vấn đề ở khía cạnh khác, đại biểu Ngô Thị Minh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị cần phải có quy định chi tiết hơn vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu, liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Các đối tượng liên quan cùng làm việc, sinh sống thì tính thế nào cho phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật không đồng tình về đề xuất coi ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp cưỡng chế hành chính và cũng không nên lập luận áp dụng ở nhiều lĩnh vực khác như giải phóng mặt bằng.
Đại biểu cho rằng, dù là xử lý vi phạm hành chính hay xử lý hình sự thì đều phải đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Như vậy người dân mới “tâm phục, khẩu phục”. Vậy nên, ngừng cung cấp điện, nước chỉ là biện pháp ngăn chặn với điều kiện sử dụng điện nước là tiền đề, điều kiện để vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến của Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra dự án luật cũng tán thành với loại ý kiến chỉ bổ sung biện pháp này là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Quy định như vậy là bảo đảm đúng bản chất của biện pháp, tương xứng với hành vi vi phạm, tương tự như việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính.