Bảo đảm tối đa lợi ích khi giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA
Chính trị - Ngày đăng : 15:05, 08/06/2020
Đảm bảo lợi ích tối đa cho Việt Nam
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trên (“Phán quyết EVIPA”) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình
Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định của pháp luật.
Việc xây dựng Nghị quyết này cần bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam khi thực hiện Nghị quyết này, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định; đồng thời bảo đảm tính khả thi, ổn định và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết có 4 Điều, trong đó: Điều 1 quy định về Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết; Điều 2 quy định về Công nhận và cho thi hành Phán quyết; Điều 3 quy định về Tổ chức thực hiện Nghị quyết; Điều 4 quy định Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.
Về tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958).
Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 đã tạo dựng cơ sở pháp lý đầy đủ để Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài theo các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với 21 nước thành viên EU, bao gồm cả nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp phán quyết yêu cầu.
Với những lý do đó, việc ban hành Nghị quyết cũng không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện.
Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam
Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, UBTP nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu cần thiết, được coi là phán quyết trọng tài.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu thảo luận
Tuy nhiên, về chủ thể và cơ chế ra phán quyết có những điểm khác với quy định tại khoản 11, 12, Điều 3 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, cần ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Về công nhận và cho thi hành phán quyết, dự thảo Nghị quyết đã xác định về nguyên tắc thẩm quyền của Tòa án Việt Nam trong việc áp dụng pháp luật để công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA tại Việt Nam trong các trường hợp: Bị đơn là Nhà nước Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Liên minh Châu Âu hoặc nhà đầu tư của các nước thành viên Liên minh Châu Âu; Bị đơn là Liên minh Châu Âu hoặc các nước thành viên Liên minh Châu Âu có tài sản ở Việt Nam và nguyên đơn là nhà đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, UBTP đề nghị cân nhắc quy định: “Trong trường hợp người được thi hành phán quyết có yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam, Tòa án Việt Nam ra quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam theo thủ tục do TANDTC quy định chi tiết”. Bởi lẽ, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam chỉ làm thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam trong trường hợp bị đơn là EU hoặc các nước thành viên của EU có tài sản ở Việt Nam. Khoản 2 Điều 3.57 Hiệp định quy định: “Mỗi bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm được ban hành phù hợp với Mục này là ràng buộc và cho thi hành các nghĩa vụ về tài chính trên lãnh thổ của mình tương tự như phán quyết chung thẩm của Tòa án bên đó”.
Như vậy, việc công nhận và cho thi hành phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA sẽ được áp dụng có tính chất tương tự như bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và việc thi hành phán quyết được thực hiện theo thủ tục thi hành án dân sự.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tán thành việc ban hành Nghị quyết, nội dung thẩm tra của UBTP. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị TANDTC nghiên cứu sâu hơn; tổng kết việc thi hành phán quyết thi hành trọng tài nước ngoài theo Công ước New York năm 1958 để biết được những gì chúng ta làm được, chưa làm được để có hướng xử lý tốt hơn. Cùng với đó nên thành lập bộ phận chuyên trách với những chuyên gia giỏi trong và ngoài ngành Tòa án nghiên cứu, tổng kết từ đó rút ra những gì cần thiết đối với việc thi hành phán quyết về tranh chấp.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết: Căn cứ Công ước New York năm 1958 chúng ta có thể hoàn toàn thỏa thuận các vụ việc vấn đề này. Việc quy định chi tiết nội dung này đòi hỏi phải tổ chức rà soát toàn bộ quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan để nghiên cứu thiết kế nội dung phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Do vậy để đảm bảo khả thi và để ổn định lâu dài, Nghị quyết cần giao cho TANDTC quy định chi tiết nội dung này.
Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, qua thảo luận, các ĐBQH nhất trí với dự thảo Nghị quyết đề ra. Các ý kiến phát biểu cũng là vấn đề mà những cơ quan liên quan tiếp thu, nghiên cứu và báo cáo trước khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này.
Sau khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực, thì cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định mới được thành lập và đi vào hoạt động. Do đó, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết tính theo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVIPA như dự thảo Nghị quyết.