VPBank: Mục tiêu là trụ vững qua giai đoạn khó khăn
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 11:30, 04/06/2020
Theo đánh giá của SSI Research, các ngân hàng sẽ cảm nhận được những tác động tiêu cực từ dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh rõ rệt hơn trong quý II, khi thu nhập lãi, thu nhập từ phí, và thu hồi nợ xấu có khả năng giảm mạnh. Trong kịch bản cơ sở nếu Covid-19 được kiểm soát sớm, nhóm phân tích ước tính lợi nhuận các ngân hàng chỉ tăng khoảng 7% trong năm nay. Trong kịch bản xấu hơn nếu đại dịch kéo dài tới cuối năm, con số này có thể chưa tới 1%.
Trong bối cảnh như vậy, vấn đề được các chuyên gia phân tích và các nhà đầu tư quan tâm là các ngân hàng đang đối mặt với thách thức này như thế nào và kế hoạch năm nay sẽ thay đổi ra sao. Dù cách tiếp cận vấn đề là khác nhau giữa những nhà băng, nhưng có một điểm chung lớn nhất là lợi nhuận cao không còn là ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Trong một cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích trên thị trường chứng khoán tuần trước, lãnh đạo của ngân hàng VPBank – một trong những ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất quý I vừa qua - cho biết ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo duy trì khả năng hoạt động liên tục, hiệu quả và an toàn.
Tổng Giám đốc của VPBank, Nguyễn Đức Vinh, cho biết dựa trên những thông tin tích cực về khả năng kiểm soát dịch bệnh trong nước, ngân hàng hy vọng kịch bản lạc quan nhất sẽ xảy ra, tức là dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn vào cuối quý II năm nay. Tuy nhiên, VPBank cũng chuẩn bị các phương án đối phó cho kịch bản xấu nhất là đại dịch có thể kéo dài đến cuối năm.
"Theo đó, việc quản lý chi phí, đảm bảo tính thanh khoản là những ưu tiên hàng đầu. Trước khi nói về những kế hoạch tăng trưởng trong tương lai, chúng ta phải trụ vững qua giai đoạn khó khăn,” ông Vinh nói.
Là một ngân hàng tham gia vào nhiều phân khúc thị trường, VPBank cho biết sẽ đánh giá lại một cách tổng thể, xác định những thay đổi trong hành vi của khách hàng để có những kế hoạch phù hợp. Ngân hàng cũng chuẩn bị kịch bản cho quá trình phục hồi khác nhau giữa các phân khúc khách hàng, thực hiện các biện pháp nhằm giảm chi phí, đưa ra các chính sách tín dụng phù hợp.
Đặc biệt, VPBank cũng cho biết vẫn ưu tiên đầu tư vào những sáng kiến công nghệ, nhằm chuẩn bị nền tảng vững chắc cho giai đoạn phục hồi. Đơn cử như việc hỗ trợ, cơ cấu nợ cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, VPBank là một trong những nhà băng đầu tiên áp dụng các giải pháp trực tuyến vào quá trình này.
Nhằm giải quyết lượng hồ sơ khổng lồ, giảm bớt gánh nặng vay của khách hàng, VPBank triển khai nhiều biện pháp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, sử dụng hệ thống phân loại, xử lý tự động. "Nếu như trong tháng 3, thời gian trung bình để giải quyết một bộ hồ sơ hỗ trợ ảnh hưởng bởi dịch bệnh có thể mất tới 4 ngày làm việc, thì nay rút ngắn còn 1 ngày", đại diện ngân hàng cho biết. Thậm chí, với những khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, thời gian giải quyết chỉ trong vòng 4 tiếng.
Về vấn đề hiệu suất hoạt động, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tập trung nhiều vào năng lực thu hồi nợ để đảm bảo có thể kiểm soát được tình hình nợ xấu.
Đến cuối quý I, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất giảm từ 2,95% còn 2,59%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ giảm từ 2,18% xuống 2,15%. Trong khi đó, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, với ngân hàng riêng lẻ tăng 111% và 90% đối với FE Credit.
Chi phí dự phòng của VPBank cũng tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm trước khi loại trừ ảnh hưởng dự phòng đã trích cho dư nợ trái phiếu VAMC trong 2019. Riêng ngân hàng mẹ, chính sách thận trọng trong trích lập dự phòng được thể hiện rõ nét trong việc tăng chi phí dự phòng cho vay khách hàng lên 50% trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Với kế hoạch kinh doanh cả năm, ban lãnh đạo VPBank cho biết đã có những cân nhắc thận trọng về con số tăng trưởng, dù quý I lợi nhuận đã tăng hơn 60%. Theo đó, VPBank đặt mục tiêu cao ở một số phân khúc, đặc biệt là thu từ phí nhờ vào chiến lược ngân hàng giao dịch, thanh toán, dịch vụ bảo hiểm và thẻ. Nợ xấu ngân hàng có thể tăng, nhưng nhờ những hành động thiết thực như tối ưu chi phí, điều chỉnh ưu tiên tăng trưởng, con số lợi nhuận cuối năm ở ngân hàng mẹ có thể tăng thêm 1.000 tỷ đồng.
"Có thể chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với tình hình thực tế. Ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm tình hình tăng trưởng sẽ khả quan hơn. Dù dự báo chỉ là những ước đoán, nhưng chúng tôi kỳ vọng với những chiến lược phù hợp, VPBank sẽ tiếp tục duy trì được tăng trưởng", đại diện ngân hàng chia sẻ.