Cơ quan báo chí cần nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao
Chính trị - Ngày đăng : 08:35, 21/06/2014
Cuộc trao đổi xung quanh những vấn đề mà báo giới cũng như cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quan tâm.
PV: Để có một nền báo chí phát triển, đòi hỏi phải có một đội ngũ làm báo đáp ứng về số lượng và đảm bảo về chất lượng. Ông có nhận xét gì về đội ngũ người làm báo nước ta hiện nay?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Tính đến tháng 12/2013, cả nước có 838 cơ quan báo chí in; có 1 hãng thông tấn quốc gia; có 92 báo, tạp chí điện tử; có 67 đài phát thanh, truyền hình. Đội ngũ những người làm báo ngày càng tăng về số lượng. Nếu như năm 2005 chỉ có 25.000 người làm việc trong lĩnh vực báo chí thì đến năm 2009, nhân lực làm báo chí đã lên tới gần 31.000 người, mức tăng trung bình hàng năm là khoảng 6,5%. Đến nay, số người làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 35.000 người, trong đó có hơn 17.000 nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí được cấp thẻ hành nghề. Như vậy, khoảng 50% nhân lực trong lĩnh vực báo chí đang tham gia vào các khâu của quy trình xuất bản, hoạt động báo chí, trong đó lĩnh vực phát thanh, truyền hình chiếm số đông.
Về trình độ chuyên môn, năm 2009, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là 85% và trên đại học là 4%. Đến năm 2013, tỷ lệ nhân lực có trình độ đại học là khoảng 91% và trên đại học là 4,9%. Số liệu trên cho thấy nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí đang có chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn. Về trình độ chính trị, hầu hết đội ngũ nhà báo đều có trình độ chính trị từ trung cấp trở lên. Hầu hết lãnh đạo các cơ quan báo chí đều có trình độ cao cấp chính trị.
Điều đó đã phản ánh sự quan tâm của cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí trong việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, nhận thức chính trị cho đội ngũ các nhà báo. Về thực hiện đạo đức nghề nghiệp, cơ bản những người làm báo đã nghiêm túc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề báo. Như vậy, cả về số lượng cũng như chất lượng, đội ngũ người làm báo của nước ta có thể nói là khá hùng hậu.
PV: Với số lượng cơ quan báo chí và đội ngũ làm báo khá hùng hậu như vậy, báo chí đã có những đóng góp như thế nào đối với đất nước và xã hội, thưa ông?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Trong bối cảnh tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, nhưng báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân, với những kết quả đáng ghi nhận. Những năm qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; thông tin nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Báo chí còn là kênh thông tin quan trọng góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, giáo dục truyền thống, lịch sử cho nhân dân; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, thành tựu đổi mới của nhân dân ta với bạn bè quốc tế và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài.
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí,
Bộ Thông tin và Truyền thông
PV: Trong nền kinh tế thị trường, với những áp lực về lượng phát hành, doanh thu quảng cáo, nhiều ấn phẩm báo chí đã xa rời tôn chỉ mục đích. Ông có nhận xét gì về thực trạng này?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Đúng là vẫn có không ít cơ quan báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích đã được quy định trong giấy phép - đây là khuyết điểm lớn nhất, mặc dù đã được chấn chỉnh những vẫn chậm được khắc phục. Ở loại hình báo chí in, vi phạm này tập trung chủ yếu ở các ấn phẩm phụ của các báo. Tình trạng đưa tin quá nhiều về các vụ án, vụ việc tiêu cực trên một số báo, trang báo; miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, còn có cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá Việt Nam vẫn còn khá phổ biến trên các trang báo mạng và nhiều trang thông tin điện tử. Ngoài ra, nhiều cơ quan báo chí còn thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, không phù hợp định hướng thông tin; vi phạm quảng cáo trên phát thanh, truyền hình vẫn chậm được khắc phục; nhiều chương trình liên kết của đài truyền hình có nội dung dễ dãi, hời hợt, chỉ đáp ứng thị hiếu tầm thường, gây phản cảm trong xã hội, thậm chí thiếu tính định hướng, tính giáo dục.
Bên cạnh đó, một số người viết báo còn lợi dụng danh nghĩa nhà báo, cơ quan báo chí dọa dẫm, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp và quy trình tác nghiệp dẫn đến vi phạm pháp luật. Trong năm qua có 4 phóng viên bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam, không ít phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị cá nhân, tổ chức khiếu nại, tố cáo.
PV: Vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ báo chí đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan hữu quan thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ những người làm báo vừa tinh thông về nghiệp vụ, vừa có đạo đức nghề nghiệp, những năm qua Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước triển khai các lớp đào tạo kỹ năng cho phóng viên, biên tập viên, họa sỹ trình bày báo chí; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cho lãnh đạo báo, đài. Cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở Trung ương cũng đã tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí để thi nâng ngạch theo quy định của nhà nước.
Đồng thời, công tác hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại trong lĩnh vực báo chí cũng được tăng cường như trao đổi các đoàn báo chí; tổ chức đón hàng trăm nhà báo quốc tế đến Việt Nam thăm, viết bài, làm phim truyền hình, đồng thời cũng cử nhiều đoàn nhà báo, cán bộ quản lý báo chí Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo, các ngày kỷ niệm, các ngày lễ lớn hoặc khảo sát tình hình báo chí của các nước. Qua đó, đội ngũ những người làm báo đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ báo chí, giúp họ nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn và tiếp cận nhanh với phương pháp, công nghệ làm báo hiện đại, vừa am tường pháp luật về báo chí hiện hành.
PV: Hiện nay có tình trạng nhiều ấn phẩm trùng lặp về nội dung thông tin, hiệu quả thông tin thấp cũng như tình trạng phân tán, lãng phí đầu tư xây dựng đài phát thanh - truyền hình ở nhiều tỉnh và thành phố. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có giải pháp gì để chấn chỉnh?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương trình Chính phủ đề án Quy hoạch báo chí đến năm 2020; quy hoạch mạng lưới đại diện cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020; xây dựng Đề án Nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống truyền hình Việt Nam trong giai đoạn mới; Hoàn thiện Đề án "Nâng cao năng lực quản lý nội dung thông tin trên Internet"...
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 61 về chế độ nhuận bút cho phù hợp, giúp báo chí tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tài chính để phát triển.
PV: Thưa ông, trong tình hình hiện nay nhiều vấn đề "nóng" đang rất được dư luận cũng như báo chí trong và ngoài nước quan tâm. Theo ông, báo chí cần có định hướng như thế nào về vần đề này?
Ông Hoàng Hữu Lượng: Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì gần đây báo chí đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, đấu tranh về chủ quyền biển đảo. Trong thời gian tới, để tuyên truyền hiệu quả hơn các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, về quan hệ quốc tế, báo chí cần nắm vững, bám sát đường lối của Đảng và Nhà nước, định hướng của cơ quan quản lý báo chí. Đó là bảo đảm độc lập chủ quyền, bảo đảm môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trong tình hình mới…
Bên cạnh đó, báo chí phải tiếp tục tập trung phản ánh một số nhiệm vụ cấp bách mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, báo chí cần chủ động, tích cực đấu tranh, phê phán mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống; là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong đấu tranh phản bác các quan điểm, các thông tin sai trái, vu khống, xuyên tạc tình hình của đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả trong việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, tích cực hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!