Phòng, chống COVID-19: Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn

Chính trị - Ngày đăng : 16:43, 04/06/2020

Ban Chỉ đạo cho rằng, vừa phải giữ an toàn trong nước, vừa không thể đóng cửa để đưa công dân về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đang tạo ra sức ép lớn trong công tác phòng chống dịch COVID-19.

Phòng, chống COVID-19: Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn

Tại cuộc họp diễn ra sáng ngày 4/6, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, nhưng phải tuyệt đối an toàn

Ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở

Tại phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) ngày 4/6, đánh giá diễn biến dịch bệnh trên thế giới, các chuyên gia cho biết, hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ thực hiện tốt chính sách ngăn chặn dịch từ sớm nên đã kiểm soát được dịch bệnh, tương đối an toàn và ổn định.

Tuy nhiên đối với nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, tình hình dịch bệnh có xu hướng giảm khi thực hiện các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm nhưng do triển khai muộn nên chưa thể khẳng định được khu vực nào là an toàn.

Về nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống COVID-19, hiện đã có nhiều quốc gia và tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới tham gia nhưng mới ở giai đoạn thử lâm sàng, chưa thể hy vọng có ngay được để phục vụ phòng, chống dịch bệnh…

Đối với Việt Nam, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: “Tình hình dịch Covid-19 ở trong nước đang an toàn. Chúng ta cần “đắp đê” thật tốt để hạn chế dịch xâm nhập. Điều quan trọng là là quản lý đối tượng, quản lý con người theo nguyên tắc phòng chống dịch. Việc cho người nước ngoài vào phải dựa vào tình hình dịch bệnh thực tế trên thế giới và năng lực cách ly phòng dịch của Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo lưu ý mặc dù tình hình trong nước tương đối tốt nhưng thời gian qua trong bộ máy ở một số nơi có biểu hiện lỏng lẻo, sơ hở, điển hình là việc chuẩn bị những địa điểm cách ly phi hành đoàn, chuyên gia nước ngoài… Những sơ hở này đã được chấn chỉnh, song vẫn cần tiếp tục kiểm tra sát sao.

Thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết, do dịch bệnh kéo dài nên vấn đề tổ chức đưa công dân Việt Nam từ các khu vực có dịch về nước (người lao động hết hợp đồng, du học sinh, người thăm thân, chuyên gia người Việt… bị kẹt lại các nước do dịch bệnh), cũng như việc đón các đoàn ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động kỹ thuật cao… vào Việt Nam đang tạo ra sức ép rất lớn.

Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới, trong đó có giải pháp: Tổ chức chuyến bay đến một số điểm trung chuyển; đón công dân Việt Nam, các đoàn ngoại giao; mở kênh đăng ký cho các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, bao gồm cả có những chuyên gia chỉ nhập cảnh ngắn hạn để xúc tiến đầu tư, hoạt động thương mại…

Thống nhất tình hình này, Ban Chỉ đạo nhận định, Việt Nam đang đứng trước sức ép rất lớn, một mặt phải giữ an toàn trong nước, mặt khác là sức ép không thể đóng cửa, vì phải đưa công dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài về nước, cũng như đón các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm việc, xúc tiến và hợp tác thương mại.

Do vậy, Ban Chỉ đạo thống nhất tinh thần đảm bảo thực hiện mục tiêu kép nhưng phải tuyệt đối an toàn. Đồng thời, giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn.

Tại cuộc họp, thành viên Ban Chỉ đạo và các chuyên gia y tế cũng đã thảo luận và thống nhất tiếp tục quản lý chặt chẽ việc cách ly các phi hành đoàn, tổ bay quốc tế; cách ly người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ; xem xét mở kênh đăng ký chuyến bay đối với các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao làm đầu mối xem xét giải quyết thủ tục đưa các chuyên gia, kỹ sư, doanh nhân người Việt đang bị kẹt ở nước ngoài (như đối với chuyên gia nước ngoài) về Việt Nam để phục vụ phát triển sản xuất trong nước…

Xuân Lan