Chậm thu phí tự động không dừng: Bộ trưởng Bộ GTVT “tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”
Chính trị - Ngày đăng : 14:35, 01/06/2020
Trước đó, từ tháng 10/2017, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết, nêu rõ: "Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước". Tuy nhiên, đến nay yêu cầu này vẫn chưa được thực hiện xong. Dự án thu phí tự động không dừng được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc, trong đó Bộ này quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 19 trạm. Tổng số trạm thuộc phạm vi dự án của giai đoạn 1 là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Với các trạm do Bộ quản lý, hiện đã lắp đặt, vận hành từ 2-6 làn ETC tại 39 trạm. 5 tuyến cao tốc do VEC quản lý chỉ có 1 tuỵến cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện do vướng mắc về về nguồn vốn. Các trạm do địa phương quản lý thì có 6/19 trạm đã đầu tư và kết nối và dự án giai đoạn 1. Có 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án giai đoạn 2 nên có thể vận hành ngay khi dự án giai đoạn 2 hoàn thành. 7/19 trạm còn lại, địa phương tự tổ chức thực hiện vẫn chưa hoàn thành.
Phiên họp thứ 45 UBTVQH
Bộ trưởng cho biết, các trạm ETC chậm tiến độ do số lượng xe dán thẻ chưa đạt được như yêu cầu (mới có khoảng 800 - 900 nghìn xe) dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả của hệ thống thu phí tự động không dừng đã lắp đặt. Bên cạnh đó, quy định về trình tự, thủ tục triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP rất phức tạp dẫn đến thời gian tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án giai đoạn 2 mất rất nhiều thời gian (10 tháng).
Kinh nghiệm các cá nhân tham gia thực hiện, quản lý, giám sát dự án gần như chưa có nên trong quá trình triển khai thực hiện còn phát sinh các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhận trách nhiệm và nghiêm khắc và rút kinh nghiệm trong vấn đề này và cho biết: Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT “nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để chậm tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động trong thời gian qua, Bộ trưởng cho biết.
Theo kết quả kiểm điểm của Bộ Giao thông Vận tải, 8 tập thể có liên quan đều nghiêm túc kiểm điểm, trong đó 4 đơn vị trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc và rút kinh nghiệm.
Về cá nhân, với vai trò lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách dự án kiểm điểm “tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm”.
30 cá nhân thuộc các cơ quan đơn vị liên quan có bản kiểm điểm trách nhiệm liên quan đến việc chậm tiến độ. Trong đó có 9 cá nhân nhận hình thức rút kinh nghiệm. 6 cá nhân thuộc 4 đơn vị liên quan trực tiếp tới việc triển khai thực hiện dự án nhận hình thức phê bình nghiêm khắc, rút kinh nghiệm.
Thẩm quyền công nhận phán quyết EVIPA của Tòa án
Cũng trong sáng nay 01/6, tại phiên họp thứ 45, UBTVQH đã nghe báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA).
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Phó Chủ nhiệm, hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định về việc công nhận và cho thi hành phán quyết tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 3, 4 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định thì phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo EVIPA trong thời gian 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc một thời gian dài hơn do Ủy ban quyết định nếu cần thiết, được coi là phán quyết trọng tài.
Tuy nhiên, về chủ thể và cơ chế ra phán quyết có những điểm khác với quy định tại khoản 11, 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, trong khi chưa sửa đổi các văn bản luật có liên quan thì cần ban hành Nghị quyết riêng để bảo đảm công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.
Việc ban hành Nghị quyết là phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Điều ước quốc tế. Đồng thời, việc Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua Nghị quyết thể hiện thiện chí và quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc thực hiện Hiệp định EVIPA, tăng cường sự tin cậy và thúc đẩy các nước thành viên Liên minh Châu Âu sớm phê chuẩn Hiệp định.
Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, nội dung dự thảo Nghị quyết phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, không trái với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Nội dung của dự thảo Nghị quyết tương thích với các điều ước quốc tế liên quan như Công ước New York năm 1958 về Công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, Hiệp định EVIPA và 21 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Về công nhận và cho thi hành phán quyết, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý lại Điều 2 thể hiện rõ được việc áp dụng pháp luật đối với từng giai đoạn cụ thể để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện Hiệp định; cần thể hiện rõ trong giai đoạn được áp dụng ngoại lệ đối với Việt Nam theo quy định tại khoản 3, 4, 5 và 7 Điều 3.57 của Hiệp định, Tòa án có thẩm quyền của Việt nam được áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận hoặc không công nhận phán quyết EVIPA hay chỉ áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết EVIPA.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, sau khi Hiệp định EVIPA có hiệu lực thì cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định mới được thành lập và đi vào hoạt động. Do đó, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết cần tính theo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định EVIPA và cần được thể hiện rõ trong dự thảo Nghị quyết theo hướng: Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày Hiệp định EVIPA có hiệu lực.