Án sơ thẩm tuyên Huyền Như phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng là có căn cứ và đúng pháp luật!
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 21:34, 25/12/2014
Các bị cáo tại phiên tòa
Với chiêu trò “con mồi” lãi suất cao và chi tiền phần trăm cho người môi giới, Huyền Như đã tính toán các bước tiếp theo bằng các thủ đoạn gian dối, dẫn dụ khách hàng làm mọi việc theo sự sắp đặt của mình để chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng…
Chiều nay 25/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Luật sư Nguyễn Thị Minh Phương bảo vệ cho Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank - Berjayan (gọi tắt là SBBS) đồng ý với quan điểm của đại diện VKS.
Luật sư Phương cho rằng, quan hệ giao dịch mở tài khoản thanh toán và chuyển tiền của SBBS vào tài khoản của mình tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh là hoàn hợp pháp, hợp lệ.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm đã có nhiều sai lầm trong tố tụng. Theo đó, luật sư Phương đã nêu từng vấn đề và phân tích về bản án sơ thẩm đã phủ nhận quan hệ dân sự giữa Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh với SBBS; về tài khoản do SBBS mở tại Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh; về việc bản án sơ thẩm cho rằng VietinBank không có lỗi trong việc để Như chiếm đoạt tiền từ tài khoản SBBS; về việc quy lỗi cho SBBS...
Sau khi đưa ra luận điểm và căn cứ pháp lý chứng minh cho những vấn đề trên, luật sư Phương đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo và kết luận của đại diện VKS.
Đại diện SBBS đồng tình quan điểm của luật sư và đưa ra 2 căn cứ pháp lý bổ sung cho phần bảo vệ của luật sư và đề nghị sửa bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự ngay trong bản án phúc thẩm.
Tương tự, bảo vệ cho Công ty Cổ phần đầu tư thương mại An Lộc, luật sư Hồ Quốc Tuấn tán thành quan điểm của đại diện VKS và cho rằng bản án sơ thẩm có nhiều vi phạm vi tố tụng.
Các luật sư tham gia phiên tòa
Luật sư Tuấn tập trung phân tích tính pháp lý về việc mở tài khoản thanh toán của Công ty An Lộc tại Chi nhánh VietinBnak Tp. Hồ Chí Minh; về hợp đồng gửi tiền vào tài khoản thanh toán; về việc có hay không trợ giúp đắc lực cho Như và chuyển tiền cho Như theo yêu cầu của Như để Như chiếm đoạt; Như có phải là người có chức vụ quyền hạn; về tính pháp lý đối với hợp đồng gửi tiền; về tính pháp lý phát sinh đối với quyền gửi giữ…
Sau khi lập luận và đưa ra cơ sở pháp lý, luật sư Tuấn đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo cũng như quan điểm của VKS đối với hành vi chiếm đoạt của Như đối với số tiền của Công ty An Lộc. Hủy một phần bản án, giao hồ sơ lại cho các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm điều tra, truy tố, xét xử đối với bị cáo Như về tội “Tham ô tài sản”.
Bảo vệ cho Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (gọi tắt là ORS), luật sư Trần Minh Hải đồng tình quan điểm của đại diện VKS khi trong phần kết luận về ORS.
Luật sư Hải cho rằng, Huyền Như dùng thẩm quyền giao dịch nghiệp vụ ngân hàng để chuyển khoản bất hợp pháp, trái nguyên tắc, quy trình nghiệp vụ 380 tỷ đồng từ tài khoản khách hàng ORS cho các công ty khác nhằm trả các khoản nợ của Như. Mấu chốt của vụ án này vẫn là vấn đề xác định trách nhiệm của ngân hàng đối với tiền gửi của khách hàng.
Từ nhận định này, luật sư Hải đã tập trung phân tích những vi phạm tố tụng của bản án sơ thẩm về sai lầm trong việc xác định quyền sở hữu tiền gửi trong tài khoản khách hàng tại ngân hàng dẫn đến xác định nhầm tư cách đương sự; về việc sai luật khi đã phủ nhận trách nhiệm của ngân hàng đối với tiền gửi trong tài khoản thanh toán của khách hàng; nhầm lẫn về xác định thời điểm tội phạm lừa đảo hoàn thành, xâm hại quyền lợi hợp pháp của khách hàng ngân hàng; về việc quy buộc lỗi thiếu cơ sở đối với khách hàng nhưng lại bỏ qua lỗi và trách nhiệm rõ ràng của ngân hàng trong việc quản lý tiền gửi trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng; về sự phiến diện trong việc xác minh, thu hồi, xử lý vật chứng đối với số tiền bị chiếm đoạt…
Sau khi phân tích, luật sư Hải đề nghị HĐXX xem xét chấp nhận kháng cáo của ORS và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm có nội dung liên quan đến ORS, để trả hồ sơ điều tra lại theo định hướng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ORS. Đại diện Công ty ORS đồng tình với quan điểm của đại diện VKS và đồng ý quan điểm luật sư.
Bảo vệ cho VietinBank phản bác ý kiến của các luật sư và nội dung kháng cáo của ACB, các nhân viên ACB yêu cầu VietinBank trả lại 718 tỷ đồng và tiền lãi phát sinh, luật sư Nguyễn Thị Bắc cho rằng, Huyền Như đã có ý định chiếm đoạt tiền ngay từ đầu. Do đó, Huyền Như “thỏa thuận ngầm” về mức lãi suất vượt trần và chi “tiền lót tay” cho người môi giới. Đây là hành vi trái pháp luật.
Sau khi phân tích và đưa ra cơ sở pháp lý về những hành vi sai phạm của bị cáo Như, của ACB và 19 nhân viên ACB, luật sư Bắc cho rằng, do lòng tham “lãi suất” chênh của lãnh đạo ACB, lòng tham “phần trăm” của Huỳnh Thị Bảo Ngọc, Phó phòng quản lý quỹ nên tất cả đã “sập bẫy” của Như. Lãnh đạo ACB, Huỳnh Thị Bảo Ngọc và các nhân viên ACB đã vi phạm pháp luật, tắc trách, vô trách nhiệm thực hiện giao dịch bất hợp pháp với Như. Các sai phạm này đã bị Huyền Như lợi dụng để thực hiện các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt toàn bộ 718 tỷ đồng của ACB.
Luật sư cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên Huyền Như phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc Huỳnh Thị Huyền Như phải bồi thường cho ACB 718 tỷ đồng là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.
Tương tự, luật sư Bắc đã phân tích hành vi, thủ đoạn, động cơ, mục đích và phương thức phạm tội của bị cáo Như nhằm chiếm đoạt tiền của Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) để phản bác lại ý kiến của luật sư và nội dung kháng cáo SBBS yêu cầu VietinBank bồi thường 210 tỷ đồng; phản bác ý kiến của vị đại diện VKS cho rằng có dấu hiệu của tội Tham ô đối với khoản chiếm đoạt 210 tỷ đồng này.
Luật sư Bắc nhắc lại quan điểm của đại diện VKS về hành vi chiếm đoạt số tiền SBBS là hành vi phạm tội tham ô tài sản và đề nghị hủy một phần bản án. Luật sư Bắc cho rằng, ý kiến của đại diện VKS là không phù hợp với quy định của BLTTHS. Bởi lẽ, Huyền Như không kháng cáo và VKS không kháng nghị về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Tòa án đã tuyên. Do đó, phần bản án về tội danh có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Theo quy định, cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo đối với phần đã có hiệu lực pháp luật.
Sau khi phân tích, lập luận và đưa ra căn cứ pháp lý, luật sư Bắc đề nghị HĐXX xem xét bác kháng cáo của ACB, 19 nhân viên ACB và SBBS; không chấp nhận đề nghị của đại diện VKS hủy một phần bản án sơ thẩm đối bị cáo Như và đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của SBBS để điều tra lại.
Tiếp lời luật sư Bắc, luật sư Nguyễn Văn Trung bảo vệ cho VietinBank đã phân tích phần chung về tố tụng và liên quan đến Công ty Hưng Yên, NaviBank. Tuy nhiên, do hết giờ làm việc, HĐXX tạm nghỉ.
Sáng mai 26/12, phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần tranh luận.