Lợi dụng sự tin tưởng, Huyền Như đã lừa dối cấp dưới của mình
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 23:40, 24/12/2014
Chiều nay 24/12, phiên tòa xét xử phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tiếp tục phần tranh luận.
Bảo vệ quyền lợi cho cho ACB, luật sư Lưu Văn Tám và luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên tập trung phân tích về những vi phạm tố tụng của phiên tòa cấp sơ thẩm về xác định tư cách ACB, 19 nhân viên ACB và VietinBank.
Các bị cáo tại phiên tòa
Bên cạnh đó, các luật sư đã bám lấy quan điểm của đại diện VKS trong phần kết luận chấp nhận một phần kháng cáo của các nguyên đơn dân sự là Công ty Cổ phần chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần đầu tư thương mại An Lộc, Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán SaigonBank – Berjayan, Công ty Cổ phần bảo hiểm Toàn Cầu.
Viện dẫn những phân tích của đại diện VKS, các luật sư cho rằng, các nhân viên ACB mở tài khoản tại VietinBank cũng hợp pháp giống như các công ty trên. Các khoản tiền nhân viên ACB chuyển tiền vào tài khoản của mình tại VietinBank hoàn toàn hợp pháp. Số tiền gửi này đã được hạch toán sổ sách của hệ thống VietinBank.
Sau khi phân tích các nội dung và căn cứ pháp lý, các luật sư khẳng định rằng, hành vi Huyền Như chiếm đoạt tiền ACB hoàn toàn giống cả hình thức lẫn nội dung như đại diện VKS đã nêu tại phần kết luận đối với 5 công ty. Từ đó, các luật sư đề nghị HĐXX xem xét trách nhiệm đối với VietinBank về số tiền ACB đã gửi.
Đồng thời, các luật sư tập trung phân tích đối với việc Huyền Như giả danh VietinBank để huy động vốn; việc ủy thác của ACB cho 19 nhân viên là trái pháp luật, việc này đã được xác định trong vụ án hình sự khác; các khoản tiền gửi có thỏa thuận lãi suất vượt trần sai quy định; Huyền Như có ý định chiếm đoạt tiền từ trước; trong quá trình gửi tiền, 19 cá nhân gửi tiền không theo dõi tiền gửi của mình, phó mặc cho Huyền Như chiếm đoạt; 19 cá nhân đã cho thuê, cho mượn tài khoản trái pháp luật, không lấy sổ/thẻ tiết kiệm nên để Huyền Như lợi dụng, chiếm đoạt.
Theo các luật sư, đó là 6 căn cứ mà Bản án sơ thẩm, ý kiến của đại diện VietinBank, luật sư bảo vệ quyền lợi cho VietinBank, đại diện VKS tại phiên tòa phúc thẩm đã lấy làm cơ sở để bác các yêu cầu của ACB, 19 cá nhân nhận ủy thác, không buộc VietinBank phải chịu trách nhiệm. Các luật sư cho rằng, việc sử dụng các căn cứ trên không phù hợp với thực tế khách quan và không phù hợp pháp luật.
Sau khi nghe các luật sư bảo vệ, đại diện ACB và đại diện 19 nhân viên ACB thống nhất quan điểm bảo vệ của các luật sư và đồng ý với ý kiến luật sư.
Tương tự, khi bào chữa cho bị cáo Bùi Tố Quyên, Hoàng Hương Giang, Phạm Thị Tuyết Anh, luật sư Phan Trung Hoài cũng đưa ra những vi phạm tố tụng của phiên tòa sơ thẩm liên quan đến thân chủ của mình.
Khi đi vào phần nội dung, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị cần làm rõ Quy chế của Tổng Giám đốc VietinBank ký ban hành kèm theo Quyết định 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/01/2010 có phải là văn bản quy phạm pháp luật theo luật ban hành văn bản không? Sau khi phân tích các căn cứ pháp lý, luật sư Hoài cho rằng, việc xem Quyết định 069/QĐ-NHCT19 ngày 25/01/2010 là một văn bản quy phạm pháp luật về pháp luật cho vay nói chung và áp dụng trong xem xét trách nhiệm hình sự là chưa có cơ sở.
Bên cạnh đó, luật sư đưa ra nhiều lập luận chứng minh trách nhiệm đối với các chủ thẻ tiết kiệm; về sự tin tưởng quá mức của các thân chủ của mình đối với Huyền Như; về việc các bị cáo không hề tư lợi trong việc thực hiện các giao dịch này; các bị cáo không hề biết hành vi gian dối của Huyền Như…
Luật sư đưa nhiều chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để khẳng định rằng, các nhân viên phòng giao dịch, trong đó có Phạm Thị Tuyết Anh và Hoàng Hương Giang không có khả năng phát hiện được chữ ký khách hàng trên hồ sơ là do Huyền Như ký giả. Thậm chí, họ không thể hình dung được Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Huỳnh Thị Huyền Như đích thực là kẻ lừa đảo!
Ngoài ra, luật sư Hoài viện dẫn, Phòng quản lý rủi ro Chi nhánh VietinBank Tp. Hồ Chí Minh đã lập Biên bản kiểm tra nghiệp vụ số 337 ngày 01/9/2011 tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt trong đó kết luận công tác tín dụng của Phòng giao dịch với tài sản đảm bảo là Thẻ tiết kiệm đều được mở bằng hình thức chuyển khoản; hồ sơ giải quyết cho vay bao gồm Giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án vay trả nợ và tờ trình thẩm định; hợp đồng tín dụng kiêm giấy nhận nợ kiêm hợp đồng bảo đảm đầy đủ, đúng mẫu quy định; bản gốc Thẻ tiết kiệm được nhập kho, niêm phong đầy đủ… Từ đó đã kết luận Phòng giao dịch Điện Biên Phủ, thực hiện đúng quy định về thủ tục mở tài khoản cho khách hàng, hạch toán kế toán và cho vay tiền dùng bảo đảm bằng Sổ tiết kiệm.
Chứng cứ này một lần nữa chứng minh vào thời điểm trước khi vụ án được khởi tố, số tiền của khách hàng bị Huyền Như dùng thủ đoạn gian dối rút ra, nhưng VietinBank không bị thiệt hại vì được bảo đảm bằng các Thẻ tiết kiệm đã được nhập kho, niêm phong đầy đủ, nên hành vi của Phạm Thị Tuyết Anh và Hoàng Hương Giang nếu có sai phạm về quy trình thì cũng không gây hậu quả thiệt hại cho VietinBank.
Bào chữa cho phần kháng cáo của Phạm Thị Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên luật sư Hoài tập trung phân tích về nhiệm vụ, quyền hạn của giao dịch viên và phó phòng giao dịch theo qui định của VietinBank. Từ đó khẳng định bản án sơ thẩm qui kết không chính xác về nhiệm vụ, vai trò của họ. Do đó, bản án sơ thẩm đã không xác định đúng giới hạn, phạm vi trách nhiệm và chức năng của giao dịch viên Phạm Thị Tuyết Anh và phó phòng giao dịch Bùi Tố Quyên theo qui định của VietinBank.
Sau khi đưa ra lập luận, căn cứ pháp lý, luật sư Hoài đề nghị HĐXX đánh giá lại bản chất vụ án và mức độ sai phạm liên quan đến hành vi của hai bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh và Bùi Ngọc Quyên.
Bào chữa cho Hoàng Hương Giang, luật sư Hoài chỉ ra một vấn đề rất quan trọng liên quan đến hành vi của Hoàng Hương Giang, cáo trạng và bản án sơ thẩm quy buộc Giang làm thiệt hại cho ACB (vì người bảo lãnh là Huỳnh Linh Chi được xác định là nhân viên ACB) là không đúng sự thật, vì trong 19 nhân viên ACB không có tên Huỳnh Linh Chi!
Trong khi đó, ở phần nội dung đánh giá thiệt hại của Navibank lại ghi rõ Huỳnh Linh Chi là nhân viên của Navibank. Vậy hành vi của Hoàng Hương Giang gây thiệt hại cho nhân viên nào của ACB hay Navibank?
Luật sư Hoài cho rằng, trong trường hợp Hoàng Hương Giang bị quy buộc làm thiệt hại cho NaviBank thì không đúng. Bởi lẽ, giao dịch Giang thực hiện là ngày 12/5/2011 dựa trên tài sản đảm bảo là 4 sổ tiết kiệm của Huỳnh Linh Chi. Trong khi đó, từ ngày 14 - 26/7/2011 mới hình thành 18 hợp đồng tiền gửi của NaviBank. Theo đó, Navibank bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng (trong đó Huỳnh Linh Chi đứng tên 63,3 tỷ đồng).
Mặt khác, liên quan đến hành vi của Hoàng Hương Giang, trong Văn bản số 1157/C41-C46 ngày 14/5/2012 của Cơ quan CSĐT Bộ Công an gửi Viện trưởng VKSNDTC đã phản ánh ý kiến của VKSNDTC trong Văn bản số 82/VKSTC-V1 ngày 23/4/2012 cho rằng hành vi của Hoàng Hương Giang có vi phạm quy trình cho vay của Vietinbank nhưng xét thấy không cần thiết phải xử lý hình sự.
Sau khi đưa ra những lập luận, chứng cứ chứng minh kết luận của bản án sơ thẩm đối với bị cáo Hoàng Hương Giang là không chính xác, luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét thêm tình tiết liên quan đến hành vi của bị cáo Hoàng Hương Giang.
Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Thị Tuyết Anh, Bùi Ngọc Quyên, Hoàng Hương Giang đều đồng ý với ý kiến luật sư bào chữa.
Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Tố Quyên, luật sư Đỗ Hải Bình đề nghị HĐXX xem xét đến mức hình của bị cáo Quyên. Bởi lẽ, Trần Thị Tố Quyên còn bị xử lý hình sự trong một vụ án khác mà bản án sơ thẩm kiến nghị. Nếu so với các bị cáo khác cùng hành vị phạm tội trong vụ án này thì bị cáo Quyên khi tổng hợp hình phạt sẽ rất nặng, không công bằng cho bị cáo.
Bị cáo Trần Thị Tố Quyên chấp nhận ý kiến bào chữa của luật sư và không có ý kiến thêm.
Sáng mai 25/12, phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.