Áp dụng phương thức PPP đối với các nhà máy điện nhằm loại bỏ độc quyền, đảm bảo an ninh năng lượng
Chính trị - Ngày đăng : 16:11, 28/05/2020
Tại phiên thảo luận sáng ngày 28/5, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhiều đại biểu đã quan tâm thảo luận liên quan đến lĩnh vực đầu tư dự án PPP (khoản 1 Điều 4).
Thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP để tập trung nguồn lực
Về khoản 1 Điều 4, tại Báo cáo Giải trình của UBTVQH cho biết:
Một số ý kiến đề nghị cần hạn chế lĩnh vực đầu tư PPP, có ý kiến đề nghị cần bổ sung một số lĩnh vực, trong đó có thủy lợi; một số ý kiến đề nghị không quy định “nhà máy điện” là một trong các lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, đồng thời rà soát lĩnh vực đầu tư PPP trên nguyên tắc bảo đảm ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân theo pháp luật về đầu tư. Căn cứ Báo cáo kết quả tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP của Chính phủ và yêu cầu thu hẹp lĩnh vực đầu tư PPP để tập trung nguồn lực, dự thảo Luật đã bổ sung lĩnh vực thủy lợi.
Như vậy, có 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn và thể hiện tại khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục - đào tạo), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin), thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia.
Về quy định “nhà máy điện”, do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình 2 phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, cụ thể:
Phương án 1: Chính sách thu hút đầu tư tư nhân thông qua phương thức PPP vào lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện nói riêng là phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tế hiện nay có nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo phương thức PPP . Đối với nhà máy thủy điện, không khuyến khích thủy điện do vấn đề ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, mức độ an toàn đối với đời sống của người dân; nhà máy thủy điện hiện nay đã thu hút được đầu tư tư nhân thuần túy qua mô hình IPP (nhà máy điện độc lập) mà không cần áp dụng phương thức PPP do chi phí đầu tư ban đầu không cao như các phương thức nguồn điện khác như nhiệt điện, điện tái tạo, điện khí.
Hơn nữa, tiềm năng thủy điện tại nước ta đã được khai thác tương đối nhiều, nếu tiếp tục triển khai thủy điện thì có khả năng mất cân đối, trường hợp phụ thuộc quá nhiều vào thủy điện sẽ bị ảnh hưởng về tính thời vụ của loại điện năng này.
Do vậy, cần giữ quy định cho phép áp dụng phương thức PPP đối với các nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện).
Phương án 2: Hiện nay, khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực “nhà máy điện” này theo nhiều phương thức khác nhau. Cụ thể, căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011, việc đầu tư chủ yếu theo các phương thức sau: doanh nghiệp nhà nước (73 dự án), đầu tư trực tiếp theo dạng điện độc lập (IPP - 48 dự án) và PPP (loại hợp đồng BOT - 25 dự án).
Như vậy, lĩnh vực “nhà máy điện” có thể được đầu tư hoàn toàn bởi doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp tư nhân mà không cần thông qua phương thức PPP.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 1.
Áp dụng phương thức PPP đối với các nhà máy điện nhằm tăng tính minh bạch
Tham gia thảo luận về nội dung trên, đại biểu Mai Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, dự thảo Luật quy định 5 nhóm đầu tư được lựa chọn lĩnh vực vào phương thức PPP là những vực quan trọng thiết yếu. Về nhóm lĩnh vực năng lượng, đại biểu chọn phương án 1, đưa lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy phát điện nói riêng vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP.
Theo đại biểu Tuyết, thực tế thời gian qua người sử dụng điện rất bức xúc về tính minh bạch của giá điện và các vấn đề liên quan đến dịch vụ cung cấp điện do tính độc quyền trong cung cấp điện. Nhất là những năm gần đây, năng lượng tái tạo phát triển mạnh, thậm chí nhiều thời điểm phát triển nóng, nhưng thực tế đóng góp trong tổng công suất của điện gió, điện mặt trời còn hạn chế.
Về nguyên nhân tình trạng này, đại biểu đoàn An Giang cho biết do hệ thống tính pháp lý để phát huy nguồn điện tái tạo và nguồn vốn xã hội hóa trong ngành Điện còn gặp khó khăn.
Từ thực tế đó, đại biểu Tuyết cho rằng, việc đưa lĩnh vực năng lượng nói chung và nhà máy điện, lưới điện vào đầu tư dự án theo phương thức PPP là phù hợp, nhằm thực hiện tính minh bạch trong giá điện và tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mỗi lĩnh vực năng lượng để khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng, nhằm loại bỏ tính độc quyền, tăng tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch trong phát triển năng lượng.
Đại biểu Tuyến cũng lưu ý, riêng đối với nhà máy điện thực tế thời gian qua cho thấy phát triển quá nhanh, ảnh hưởng tác động đến tài nguyên, mức độ an toàn đời sống của người dân.
Nhằm để tăng nguồn điện, đáp ứng yêu cầu phát triển phát huy các nguồn điện tái tạo khác. Đại biểu tán thành việc đưa lĩnh vực năng lượng nói chung, lưới điện, nhà máy điện nói riêng vào các dự án đầu tư theo phương thức PPP.
Đồng thời đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm tính pháp lý đúng nghĩa để quản lý và giám sát hiệu quả trong quản lý và cung ứng dịch vụ để phát huy một cách tốt nhất Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong thời gian tới.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu): Đưa nhà máy điện vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Đồng quan điểm tán thành phương án 1 ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Bạc Liêu) nhấn mạnh, cần nhận thức rõ rằng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư nhằm huy động được nguồn lực xã hội lớn nhất, trong khi nguồn thu ngân sách đang còn nhiều hạn chế.
Trên tinh thần đó đại biểu đưa ra các lý do cần đưa nhà máy điện vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP: Đó là, điện là một loại hàng hóa đặc biệt, điện không thể tích trữ, cất vào kho hay để dành, mà vì nhu cầu của nền kinh tế bao nhiều thì phải đáp ứng bấy nhiêu. Cho nên trong cơ hội phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ thì cơ hội của Việt Nam là rất lớn, khi phát triển kinh tế cùng với nhu cầu về điện tăng lên, thì chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng tốt nhu cầu.
Cần thiết đưa nhà máy điện vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP theo đại biểu Hạ, còn nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đại biểu nêu rõ, như thời gian qua, chúng ta thấy an ninh năng lượng quốc gia có rất nhiều vấn đề. Nếu như nền kinh tế phát triển, đón lõng được cơ hội đầu tư của khu vực và thế giới thì chúng ta mới đáp ưng được vấn đề về năng lượng.
Đại biểu đoàn Bạc Liêu cũng cho rằng, hiện nay chúng ta đang có các dự án thực hiện hình thức PPP thì đưa nhà máy điện vào lĩnh vực đầu tư dự án theo phương thức PPP là hợp lý.