Cần tiền, Huyền Như chấp nhận lãi suất vay lên đến 2%/ngày
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 15:42, 23/12/2014
Sáng nay 23/12, HĐXX phiên tòa phúc thẩm “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm xét hỏi về kháng cáo đối với tài sản bị kê biên của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong phần thẩm vấn, nhiều đương sự khai địa chỉ cư trú không nhất quán. Để không ảnh hưởng đến hậu quả pháp lý sau này, HĐXX nhắc nhở các đương sự có sự thay đổi địa chỉ thì phải cung cấp lại cho HĐXX để đưa vào bản án cho chính xác.
Các bị cáo tại Tòa
Vũ Thị Kim Thịnh thường trú tại số 90 Hà Huy Giáp, phường Thạnh Lộc, quận 12, Tp. Hồ Chí Minh kháng cáo đề nghị giải tỏa kê biên căn hộ 14B1 chung cư Orient Apartment số 131 Bến Vân Đồn, quận 4.
Tại phiên tòa, bà Thịnh nại rằng, tháng 9/2010, bà đã cùng Huyền Như mua đứt bán đoạn căn hộ 14B1 chung cư Orient Apartment. Do đó, căn hộ thuộc quyền sở hữu của bà nên đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên để đảm bảo cho quyền lợi của bà.
Liên quan đến kháng cáo của bà Thịnh, HĐXX, đại diện VKS, luật sư thẩm vấn về tính pháp lý đối với nguồn gốc căn nhà; phương thức mua bán, giao nhận tiền, giao nhận nhà; Ai là người đứng bán? Vì sao căn hộ do Huỳnh Mỹ Hạnh đứng tên lại mua bán với Huyền Như? Về thủ tục sang tên…
Bị cáo Huyền Như vào phòng xử án
Tại phiên tòa, bị cáo Huỳnh Mỹ Hạnh khai rằng, bị cáo không giữ hợp đồng, chỉ giữ chìa khóa và trao cho chị Thịnh, không có quyền lợi gì đối với căn hộ. Còn bị cáo Như thừa nhận có bán căn hộ cho bà Thịnh và đã nhận đủ tiền.
Đại diện bà Lê Thị Ngọc Nga nêu lại kháng cáo đề nghị HĐXX buộc VietinBank trả lại 146 tỷ và lãi suất phát sinh và giải tỏa kê biên biệt thự đã kê biên.
Giải thích về kháng cáo này, HĐXX cho rằng, số tiền này Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét nên cấp phúc thẩm không thể xem xét. Do vậy, bà Nga có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
Đồng thời, HĐXX giải thích rằng, trong bản án sơ thẩm phần bà Nga chỉ có phần kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ đối với hành vi cho vay lãi nặng đối với bà Nga. Bà Nga không kháng cáo đối với kiến nghị này.
Đại diện bà Nga trình bày, trước đây, bà Nga bị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng nhưng sau đó VKSNDTC đã hủy phần đối với quyết định này. Do đó, trong đơn kháng cáo, bà Nga có đề cập phần này nhưng chưa thể hiện một cách rõ ràng. Đại diện bà Nga đề nghị HĐXX xem xét đối với kháng cáo của bà Nga và dành cho bà Nga quyền khởi kiện.
Ông Nguyễn Duy Quang (chồng của bị cáo Nguyễn Thị Lành) kháng cáo đề nghị xem xét và hủy bỏ kê biên đối với 2 sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Duy Quang. Ông Quang khai rằng, trong 5 sổ tiết kiệm bị kê biên thì có 2 sổ tiết kiệm tổng cộng số tiền là 5,9 tỷ là của riêng cá nhân ông dành dụm được, không phải tiền của bà Lành.
HĐXX hỏi ông Quang về thời gian mở sổ tiết kiệm; về nguồn tiền gửi; về quan hệ vợ chồng giữa ông Quang và bị cáo Lành? Đặc biệt, HĐXX nhiều lần đặt câu hỏi: “Có tài liệu nào chứng minh là tài sản riêng của cá nhân ông Quang?”.
Ông Quang chỉ biết khai rằng, số tiền này ông tiết kiệm được trong quá trình làm việc của mình từ năm 1978 đến ngày gửi tiền.
Bà Nguyễn Thị Kim Bình (cháu gái bị cáo Nguyễn Thiên Lý) kháng cáo đề nghị giải tỏa kê biên đối với sổ tiết kiệm 19 tỷ đồng mang tên Nguyễn Thị Kim Bình bị kê biên trong nhóm tài sản của bị cáo Lý.
HĐXX hỏi bà Bình về thời điểm, số lần gửi tiền? Về sổ tiết kiệm do ngân hàng nào phát hành; về nguồn gốc số tiền; Ai là người gửi tiền?
Tại phiên tòa, bà Bình khai rằng, số tiền này là của dì Lý (bị cáo Nguyễn Thiên Lý - PV) trả nợ cho của mẹ bà. Để thuận tiện giao dịch, mẹ bà đã bảo bà đứng tên. Bà đã gửi sổ tiết kiệm này cho dì Lý giữ. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của HĐXX về việc bản thân có đem số tiền này đi gửi không? Bà Bình trả lời: “Tôi không có đi gửi tiền tiết kiệm”.
Trước khi phát biểu nội dung kháng cáo, đại diện bà Đỗ Thị Ngọc Diệp (vợ của bị cáo Phạm Anh Tuấn) cảm ơn HĐXX cấp phúc thẩm đã đưa bà Đỗ Thị Ngọc Diệp vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Đại diện bà Diệp kháng cáo cho rằng, căn nhà 32/7 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh là tài sản chung của bà Diệp và Phạm Anh Tuấn. Đây là nơi ở duy nhất của bà và các con. Việc kê biên ảnh hưởng đến quyền sử dụng của bà Diệp trong việc khai thác sử dụng để nuôi con.
HĐXX còn xem xét đối với đơn thỉnh cầu của bị cáo Như xin lại căn nhà H2 tại The Nam Hải (trị giá 43 tỷ đồng) đứng tên bà Nguyễn Thị Lang cho bà Lang. Tại phiên tòa hôm nay, bà Lang vắng mặt.
Ngoài ra, HĐXX còn xem xét kháng cáo của một số đương sự khác. Tuy nhiên, họ vắng mặt tại phiên tòa nên không thẩm vấn.
Kết thúc phần thẩm vấn đối với phần kháng cáo của các đương sự, HĐXX chuyển sang phần thẩm vấn lại đối với hành vi cho vay lãi nặng.
Tại phiên tòa, bị cáo Đào Thị Tuyết Dung một lần nữa khai rằng, số tiền 174 tỷ đồng thu lợi bất chính, án sơ thẩm tuyên không đúng. Bản án sơ thẩm đã không đưa khoản tiền Như đã vay 150 tỷ thế chấp 7 căn nhà chưa được xem xét.
Đối với các bị cáo không kháng cáo, HĐXX vẫn thẩm vấn để làm rõ những tình tiết mà bản án sơ thẩm chưa được làm rõ.
HĐXX thẩm vấn đối với bị cáo Nguyễn Thị Lành về số tiền tỷ thu lợi bất chính. Theo bản án sơ thẩm, từ ngày 28/3/2008 đến 20/9/2011, Như vay tiền của Nguyễn Thị Lành tổng số tiền gốc là gần 7.842 tỷ đồng, với lãi suất từ 0,4% - 2%/ngày. Như đã trả cho Lành tổng số tiền hơn 9.028 tỷ đồng. Số tiền chênh lệch giữa số tiền Như vay và trả cho Lành là hơn 1.186 tỷ đồng. Như còn viết giấy nợ Lành cả gốc và lãi 820 tỷ đồng.
Do có sự chênh lệch giữa tiền vay và tiền trả lên đến hàng ngàn tỷ đồng như bản án cấp sơ thẩm buộc bị cáo Lành thu lợi bất chính chỉ tính 150 tỷ đồng.
HĐXX, đại diện VKS đã tập trung thẩm vấn vấn về các số liệu điều tra, đối chất giữa Lành và Như.
Trả lời câu hỏi nguyên nhân của sự chênh lệch, bị cáo Lành khai rằng, bị cáo chỉ là người trung gian đứng ra huy động tiền của người khác rồi cho Như vay lại với lãi suất cao hơn để hưởng chênh lệch. Bản án tuyên 150 tỷ đồng thu lợi bất chính là của bị cáo hưởng lợi. Số tiền còn lại, bị cáo trả cho các người đã vay tiền.
Tương tự, bị cáo Phạm Văn Chí không kháng cáo nhưng HĐXX cũng thẩm vấn về con số chênh lệch về tiền lãi nhận của Như 5,9 tỷ đồng và số tiền thu lợi bất chính bản án sơ thẩm buộc phải nộp 570 triệu đồng.
Bị cáo Chí khai rằng, bị cáo chỉ là người trung gian đứng ra gom tiền cho Như vay hưởng lãi suất chênh lệch. Số tiền bản án sơ thẩm tuyên là số tiền bị cáo thực nhận. Số tiền còn lại bị cáo phải trả cho những người cho vay khác. Tuy nhiên, bị cáo Chí không đưa ra chứng cứ chứng minh cho việc này.
Sau khi kết thúc phần thẩm vấn liên quan đến kháng cáo, kháng nghị, HĐXX thẩm vấn đến hành vi người có quyền và nghĩa vụ liên quan mà bản án sơ thẩm xác định bỏ sót về hành vi đối với nhóm giúp việc cho Huyền Như cũng như những người trung gian nhận lãi lớn nhưng không đưa xem xét.
Từ khi khai mạc phiên tòa đến nay, hầu như những người thuộc nhóm giúp việc của Huyền Như được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án đều vắng mặt. Do đó, HĐXX không thể làm rõ những hành vi mà bản án sơ thẩm kiến nghị.
Để làm rõ thêm về các sổ tiết kiệm của nhân viên NaviBank bị Huyền Như chiếm đoạt, HĐXX tiếp tục thẩm vấn Đoàn Đăng Luật, nguyên Trưởng phòng nguồn vốn NaviBank về chủ trương cho nhân viên vay để nhân viên gửi nơi khác hưởng lãi suất; nhân viên NaviBank gửi tiền tại VietinBank nhằm mục đích gì? Ai là người trả lãi suất chênh lệch? Số tiền lãi ngoài hợp đồng 9,4 tỷ ai là người thụ hưởng?...
Xung quanh việc ký hợp đồng của NaviBank và nhân viên, HĐXX công bố trong hợp đồng cho vay NaviBank 16,5%/năm trong khi gửi VietinBank lãi suất 14%/năm. HĐXX đặt câu hỏi: Vậy đằng sau hợp đồng là gì? Đoàn Đăng Luật không trả lời.
Tại phiên tòa, HĐXX đề nghị NaviBank xuất trình chứng cứ hợp đồng tín dụng, chứng minh trả lãi của 4 nhân viên. Tuy nhiên, đại diện NaviBank lấy lý do hồ sơ lưu trữ quá lâu chưa tìm được.
Sau khi thẩm vấn một số vấn khác liên quan đến nhóm giúp việc của Huyền Như, HĐXX kết thúc phần thẩm vấn. HĐXX thông báo chiều nay phiên tòa tạm nghỉ làm việc.
Sáng mai 24/12, phiên tòa phúc thẩm “đại án” Huyền Như và đồng phạm sẽ chuyển sang phần tranh luận.