EU dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh gặp mặt trực tiếp để thông qua ngân sách
Chuyển động - Ngày đăng : 19:41, 25/05/2020
Liên minh châu Âu dự định sẽ thông qua ngân sách tại hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức trong vài tuần tới.
Liên minh châu Âu đã phải tổ chức các hội nghị video trực tuyến khi các nước áp đặt lệnh phong tỏa từ tháng 3 để hạn chế sự lây lan của Covid-19 - dịch bệnh đã tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế của EU và ngăn chặn các cuộc họp thường xuyên giữa các nhà lãnh đạo quốc gia.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo cho rằng đã đến lúc tổ chức hội nghị trực tiếp khi hầu hết các quốc gia thành viên EU đã nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa vì tỷ lệ lây nhiễm đã giảm.
“Ngân sách và Quỹ phục hồi không thể được thỏa thuận nếu không có một hội nghị thượng đỉnh. Tôi chưa thấy ai nói nghĩ rằng có thể thông qua ngân sách và quỹ trong một cuộc hội thảo bằng video”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết.
Các vấn đề kỹ thuật, dịch thuật và tính chất cá nhân thường bị hạn chế trong các cuộc gọi video khiến các nhà lãnh đạo EU khó có thể tạo ra bầu không khí của các hội nghị thượng đỉnh suốt đêm vốn là một đặc trưng của các cuộc họp tại Brussels, nơi các lãnh đạo thường gặp nhau để thay đổi các chính sách chung.
Dự kiến ngày 27/5, Ủy ban điều hành châu Âu sẽ đề xuất kế hoạch chi tiêu cho ngân sách 27 quốc gia - được gọi là Khung tài chính đa phương - trị giá khoảng một nghìn tỷ euro và Quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Các quốc gia thành viên EU sau đó sẽ bắt đầu cuộc chạy đua để giành được nhiều lợi ích nhất cho mình sau khi Pháp và Đức cùng nhau hỗ trợ 500 tỷ euro thông qua quỹ mới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đầu tuần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất một quỹ trị giá 500 tỷ euro (546 tỷ USD) để phục hồi nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá.
Áo, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Pháp - Đức, kêu gọi viện trợ dưới hình thức cho vay hoàn trả thay vì trợ cấp miễn phí.
Tự nhận là "Bộ tứ tằn tiện", bốn nước này tái khẳng định phản đối mọi công cụ vay nợ chung của toàn khối. Bốn nước này nhấn mạnh rằng họ không muốn có "nợ chung" - cơ chế mà họ cho là sẽ cho phép các nền kinh tế yếu hơn và không nghiêm ngặt được hưởng lợi thái quá trên công sức của các nước có nền kinh tế mạnh hơn.
Theo đề xuất được Văn phòng Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công bố, bộ tứ trên muốn việc hỗ trợ khẩn cấp cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề được thực hiện dưới dạng các khoản vay một lần "với kỳ hạn ưu đãi," có thể được nhất trí trong vòng 2 năm.
Bên cạnh đó, số tiền cho vay có thể "được chuyển thẳng tới các hoạt động đóng góp phần lớn cho việc phục hồi như nghiên cứu và cải tiến, tăng khả năng chống chọi của lĩnh vực y tế và đảm bảo một sự chuyển đổi sang nền kinh tế xanh."