Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát là cần thiết

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:22, 24/05/2020

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội đưa ra ý kiến xung quanh dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, đang được Quốc hội xem xét, bàn thảo.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp theo hướng bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành dự thảo Luật vì cho rằng, việc bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là một trong các tổ chức giám định công lập về kỹ thuật hình sự, với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh trong dự thảo Luật là phù hợp. Bởi, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, thì hệ thống cơ quan điều tra gồm có cơ quan điều tra của Công an nhân dân, cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, cơ quan điều tra của VKSNDTC

Do đó, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC vừa để tương đồng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân vừa bổ sung một cơ quan giám định. Việc có thêm cơ quan giám định cũng để có thêm lựa chọn khi trưng cầu giám định, đặc biệt là trong trường hợp giám định lại sẽ cho kết quả khách quan hơn. Mặt khác, việc bổ sung chức năng giám định cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC không làm phát sinh tổ chức bộ máy.

Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến cho rằng Viện kiểm sát vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định sẽ không đảm bảo tính khách quan và sẽ làm phát sinh bộ máy, biên chế.

Bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát là cần thiết

Luật sư Nguyễn Anh Thơm

Liên quan đến việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện kiểm sát, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Công lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Căn cứ Điều 2, khoản 3 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 qui định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”

Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát được quy định tại Điều 107 Hiến pháp qui định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” và Khoản 3 Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự “Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.

Trong đó, Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân thuộc hệ thống cơ quan hành pháp do Chính phủ quản lý. Cơ quan điều tra VKSNDTC thuộc hệ thống cơ quan tư pháp, được Quốc hội ủy quyền giám sát tối cao việc thực thi pháp luật. Do đó, việc phân công nhiệm vụ, phân chia quyền lực đều nhằm phối hợp và chế ước lẫn nhau.

Theo luật sư Thơm, hiện nay theo Luật tổ chức Cơ quan Điều tra hình sự 2015, quy định có 3 cơ quan điều tra chuyên trách: Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của VKSNDTC. Theo quy định hiện hành, Cơ quan điều tra của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhưng Cơ quan điều tra của VKSNDTC thì lại không có. Trong khi đó, Cơ quan điều tra VKSNDTC đang thực hiện điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong tình hình hiện nay diễn ra rất phức tạp và có xu hướng gia tăng.

Xuất phát từ nguyên tắc kiểm soát quyền lực lẫn nhau trong Hiến pháp quy định, theo quan điểm của luật sư Thơm, việc bổ sung nhiệm vụ giám định và trưng cầu giám định cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai. Mặt khác, đây cũng là việc làm để minh bạch hóa hoạt động điều tra, tránh làm oan sai người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Luật sư Thơm cho biết thêm trên thực tế, qua nhiều năm kinh nghiệm hành nghề luật sư trong tố tụng hình sự, thấy có vụ việc Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định nhưng rất lâu mới có kết quả và phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Hoặc có vụ án khi trưng cầu giám định bên Công an không ra kết quả, nhưng tái giám định bên Bộ quốc phòng lại có kết quả,…

Luật sư Thơm cho rằng, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp theo hướng bổ sung “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSNDTC” là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát và thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hiện nay để đảm bảo tính khách quan, kịp thời chứng minh tội phạm, đặc biệt người thực hiện hành vi phạm tội có trình độ hiểu biết pháp luật trong các cơ quan tư pháp.

Như Loan