Thí điểm chính quyền đô thị một cấp ở Đà Nẵng: Tán thành nhưng còn không ít băn khoăn
Chính trị - Ngày đăng : 18:18, 23/05/2020
Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ dựa trên các lý do chính:
Thứ nhất, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, gồm 08 đơn vị hành chính cấp huyện (trong đó có 06 quận) và 56 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 45 phường) nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.
Thứ hai, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại 6 quận, huyện Hòa Vang và 45 phường trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này.
Thứ tư, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cho phép Quốc hội quyết định ở các đơn vị hành chính là quận và phường có thể tổ chức mô hình chính quyền đô thị không phải là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).
Cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát
Tuy nhiên, cũng có ý kiến còn băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức HĐND ở quận và phường nên chỉ có HĐND thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở địa phương).
Theo ý kiến này, trong đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, vấn đề cốt lõi là cần tập trung vào việc sắp xếp để tăng quy mô các đơn vị hành chính; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp; đổi mới cơ cấu tổ chức bên trong, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Hội trường
Theo đại biểu Trần Văn Mão (đoàn Nghệ An), việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng do Chính phủ đề xuất khác với mô hình của Hà Nội. Đó là không tổ chức HĐND ở cả quận nhưng vẫn thấp hơn so với mô hình thí điểm tại Nghị quyết 26 của Quốc hội trước đó. Đây là mô hình phù hợp vì trước đó Đà Nẵng đã từng thực hiện mô hình tương tự và cho kết quả tốt. Mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng do Chính phủ đề xuất có sự tách bạch rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, quy định với tinh thần quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, khi Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, tránh phát sinh bất cập khi triển khai thực hiện. Do vậy, cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát việc quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND. Đặc biệt là quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân; cơ chế thực hiện các quyền đó với chính quyền quận, phường như thế nào?
Mặt khác, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường được chuyển giao ra sao? Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó đối với UBND quận, phường thực hiện như thế nào?
Ngoài ra, để đảm bảo chính quyền vận hành có hiệu quả, đề nghị Chính phủ giải trình thêm là ngoài những quy định của Nghị quyết này thì Chính phủ có phải ban hành những văn bản hướng dẫn gì hay không?
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm về quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, đặc biệt là quản lý tuyển dụng, sử dụng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
Cẩn thận với hội chứng “xin cơ chế đặc thù”
Ủng hộ sự cần thiết ban hành Nghị quyết và thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, thực tiễn cho thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền chung hiện nay đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định. Việc thiết kế cùng một cơ cấu tổ chức và cơ chế, chính sách chung cho chính quyền địa phương mà chưa phân định rõ sự khác biệt giữa địa bàn nông thôn và địa bàn đô thị đã khiến cho việc chế định một khung pháp lý không có nhiều sự khác biệt giữa chính quyền 2 khu vực này và từ đó dẫn đến sự bất cập trong công tác quản lý, điều hành.
Thực tiễn đó cho thấy là cần có những nghiên cứu, những thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: Chúng ta tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các Nghị quyết đặc thù
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố. "Chúng ta tôn trọng tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý, điều hành là điều rất cần làm, nhưng cũng cần tránh tình trạng một số địa phương sẽ tiếp tục đề xuất Quốc hội ban hành các Nghị quyết đặc thù".
Cảnh báo về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, "điều này có thể sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành trong hệ thống bộ máy chính quyền". Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, cần đặt Nghị quyết này trong mối quan hệ với các Nghị quyết dành cho Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội vừa qua, từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật vì các thể chế, cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm như quy định tại điểm e khoản 2 Điều 14 dự thảo Nghị quyết này; sau tổng kết có thể nhân rộng ra các thành phố khác.
Về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nhận thấy, "so với HĐND cấp tỉnh được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thành phố được quy định trong dự thảo Nghị quyết này đã có sự bổ sung và tăng thêm khá nhiều".
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thấy "cơ cấu tổ chức HĐND thành phố quy định chưa được rõ, so với những quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chưa thấy được những điểm thay đổi mới. Đây là vấn đề Ban soạn thảo cần quan tâm, vì khi không tổ chức được HĐND ở quận, phường thì HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng không thể hoàn toàn giống như mô hình HĐND, UBND như đang triển khai thực hiện ở các địa bàn khác.
Cùng bàn về cơ chế đặc thù, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đặt vấn đề cả nước có 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đã có thành phố HCM, Hà Nội, đến Đà Nẵng cũng đặc thù, bây giờ Hải Phòng cũng chuẩn bị, còn Cần Thơ nữa thì thế nào?
"Tại sao chúng ta không xây dựng một luật chính quyền đô thị, hay luật thành phố trực thuộc Trung ương? Chúng ta đã có Luật Thủ đô. Vậy tiến tới còn đặc thù ở các tỉnh thành khác, người ta cũng nghĩ ra đặc thù để đề xuất. Ví dụ Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ cũng có nhiều đặc thù, cần phải có chính sách riêng cho các đối tượng của những đặc thù này.
Nếu không có đề án hay chủ trương cụ thể với mô hình thí điểm này mà cứ để mạnh ai người đấy xin, tôi sợ rằng sẽ dẫn đến hội chứng "xin cơ chế đặc thù” vì gần đây có hiện tượng như vậy".
Ở góc độ khác, Tờ trình nói cho cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, như về quy hoạch, ngân sách. Đại biểu Tạ Văn Hạ đặt vấn đề, phải chăng vướng mắc đó chỉ mình Đà Nẵng có mà nơi khác không có? Sao không tháo gỡ luôn để tốt cho tất cả địa phương trong cả nước?
Từ đó, đại biểu đoàn Bạc Liêu đề nghị không nên “lạm dụng” các Nghị quyết về đặc thù.
Kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình mới phải rõ
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ băn khoăn về việc tại sao tăng nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND TP nhưng không quy định rõ bộ máy bên trong. Có tăng số lượng đại biểu không? Vì sao tăng?
Đại biểu Hoa cũng đặt vấn đề kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị theo mô hình mới. HĐND TP được giao thêm nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND và chủ tịch UBND quận, phường, TAND, VKSND quận. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng.
“Ban soạn thảo đưa ra giải pháp đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy. Nâng cao chất lượng giám sát phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Từ đó khẳng định không đề xuất quy định tại dự thảo Nghị quyết nội dung về cơ cấu tổ chức HĐND TP. Theo tôi, như vậy là không thuyết phục”, đại biểu Hoa nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu này, việc kiểm soát quyền lực hiện nay đang được thực hiện thông qua hai cơ chế. Thứ nhất, kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Quốc hội và HĐND. Thứ hai là kiểm soát quyền lực bên ngoài bộ máy nhà nước, bao gồm giám sát của Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
Đại biểu Hoa nêu: “Kết quả của cơ chế kiểm soát bên trong thường mang tính cưỡng chế. Kết quả cơ chế kiểm soát bên ngoài chủ yếu được thực hiện dưới dạng kiến nghị. Như vậy, sức mạnh của nó không thể đủ để thay thế cho việc kiểm soát bên trong". Vì thế, đại biểu Hoa đề nghị có quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức HĐND TP, số lượng và chất lượng đại biểu, đặc biệt là đại biểu chuyên trách.
“Ngoài ra, cần quy định rõ cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp ủy, MTTQ và các tổ chức đoàn thể để có thể đáp ứng mục tiêu đề ra là xây dựng chính quyền đô thị gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực hiệu quả và tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tốt hơn. Làm được điều này thì việc thí điểm sẽ thành công”, đại biểu Hoa nói.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) thì khẳng định, dù thí điểm mô hình chính quyền một cấp nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực vẫn đảm bảo, trong đó có giám sát của cơ quan dân cử. Chính quyền quận, phường vẫn chịu giám sát của HĐND thành phố, ĐBQH. Bên cạnh đó, UBND cấp quận, phường còn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận của các ĐBQH, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến đóng góp tâm huyết của các ĐBQH đối với dự thảo Nghị quyết; cho biết đa số các đại biểu tán thành với một số điều của dự thảo Nghị quyết như mô hình đô thị 1 cấp ở thành phố Đà Nẵng, cho thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ đô thị; cho phép HĐND thành phố sử dụng một phần dư thừa từ việc thu phí để đầu tư một số hạng mục hạ tầng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu băn khoăn về việc bố trí số đại biểu HĐND khi có sự thay đổi về mô hình đô thị ở thành phố; quy hoạch thành phố phải theo Luật Quy hoạch và tuân theo quy hoạch tổng thể như quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp thu những ý kiến đóng góp của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách. Về nội dung cơ bản của Dự thảo Nghị quyết, theo Bộ trưởng, Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 04 Chương, gồm 15 Điều với nội dung cơ bản như sau: Đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường): Theo mô hình này thì chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp. Đối với thí điểm cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã yêu cầu: “Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 04 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, gồm: Đối với điều chỉnh quy hoạch Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho UBND thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch Thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật Quy hoạch . Việc điều chỉnh quy hoạch trong các trường hợp khác làm thay đổi mục tiêu quy hoạch thì vẫn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Quy hoạch. Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, giao UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng. Đối với quản lý tài chính – ngân sách, quy định như dự thảo Nghị quyết đảm bảo ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách của thành phố Đà Nẵng phù hợp với tình hình thực tế, tính pháp lý cao hơn và tạo điều kiện cho Thành phố bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Bên cạnh đó, việc quy định chính sách này tại dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là “nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương”. Đồng thời, Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội cho phép các địa phương có điều tiết về Ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Để tạo tính chủ động cho Thành phố trong việc lựa chọn các dự án đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tích lũy nhàn rỗi, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tương tự cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên cơ sở Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến |