Y án 30 năm tù cho Nguyễn Đức Kiên
Tòa tuyên án - Ngày đăng : 16:29, 15/12/2014
Sau khi nghị án kéo dài, chiều ngày 15/12, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm.
Trước đó, phiên phúc thẩm được mở ngày 28/11 theo kháng cáo kêu oan của Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn và Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty Thiên Nam rút toàn bộ kháng cáo nên HĐXX đã đình chỉ kháng cáo của Công ty Thiên Nam. Cũng tại phiên phúc thẩm, các bị cáo Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn đã rút đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Kiên cho rằng bị oan khi cấp sơ thẩm tuyên phạt mình 30 năm tù về 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
HĐXX nhận định Nhà nước luôn khuyến khích việc kinh doanh, tuy nhiên pháp luật quy định phải đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề. Trong quá trình hoạt động sản xuất, muốn kinh doanh ngành nghề mới phải đăng ký. Mọi trường hợp không đăng ký đều là kinh doanh trái phép.
Theo HĐXX, qua thẩm định, các công ty của bị cáo Kiên thành lập hợp pháp, tuy nhiên không đăng ký theo mã ngành quy định.
Thay mặt HĐXX, chủ tọa khẳng định, VKS cho rằng việc kết tội bị cáo Nguyễn Đức Kiên dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát là không oan. Án sơ thẩm xác định các cựu lãnh đạo ACB có hành vi cố ý làm trái. Do đó không có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt. VKS cho rằng cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ nhân thân, ấn định mức hình phạt là thoả đáng. Tại phiên toà phúc thẩm, các bị cáo không có tình tiết mới. Riêng về bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, VKS cho rằng tham gia có mức độ, nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ nhưng không chấp nhận cho hưởng án treo.
Về hành vi “Trốn thuế”, HĐXX xác định, Công ty B&B của bị cáo Kiên đã có hành vi trốn thuế hơn 25 tỷ đồng trong việc ký kết hợp đồng với ACB. Do B&B trốn thuế nên không được quyền ưu đãi miễn, giảm thuế theo quy định của Bộ Tài chính.
HĐXX cho rằng việc tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 6 năm 6 tháng tù về tội Trốn thuế là chính xác. Tuy nhiên, HĐXX chấp nhận kháng cáo của B&B và bị cáo Kiên về số tiền công ty này phải nộp nên trừ đi 104 triệu đồng.
Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm nghe tuyên án
Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo HĐXX, Công ty ACBI đã thế chấp gần 30 triệu cổ phần của Thép Hoà Phát cho ACB để đảm bảo cho nghĩa vụ phát hành 800 tỷ trái phiếu và giao cho Công ty chứng khoán ACBS quản lý. Sau đó, bị cáo Kiên đã thoả thuận với Thép Hoà Phát chuyển nhượng 20 triệu cổ phần với giá 264 tỷ đồng, giao kế toán trưởng ACBI Nguyễn Thị Hải Yến thực hiện.
Tuy nhiên, số cổ phần này không được ACB đồng ý giải chấp vì không đủ tài sản đảm bảo. Ngày 15/5/2012, bị cáo Kiên chỉ đạo Yến soạn thảo biên bản họp, nghị quyết đồng ý chuyển nhượng số cổ phần cho Thép Hoà Phát. Sau khi có ký nháy của bị cáo Kiên, ông Trần Ngọc Thanh (Giám đốc ACBI) đã đứng ra ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Thép Hoà Phát. Nhận được 264 tỷ đồng từ việc bán cổ phần, bị cáo Kiên đã chỉ đạo Yến chi vào các khoản trả lãi, góp vốn....
Theo HĐXX, ACBI đã cam kết 20 triệu cổ phần hợp pháp có ghi không bị thế chấp, đảm bảo cho bên thứ ba. Vì thế việc làm này là gian dối, dù mọi người có hay không biết số cổ phần này đang là tài sản đảm bảo. Toàn bộ việc thoả thuận, ký kết đều do Kiên chỉ đạo cấp dưới. Như vậy việc quy kết Kiên, Thanh, Yến phạm tội là không oan. HĐXX cũng bác bào chữa của luật sư cho rằng, số cổ phần này là cổ phần bút toán ghi sổ. HĐXX phúc thẩm cho rằng hành vi này là đặc biệt nghiêm trọng, bị cáo Kiên giữ vai trò chính trong vụ án.
Về hành vi “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, HĐXX phúc thẩm xác định Nghị quyết thường trực HĐQT ACB ngày 22/3/2010 uỷ quyền cho các nhân viên gửi tiền các tổ chức tín dụng khác và đã gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng.
Tòa nhận định, theo luật, ngân hàng thương mại không gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác. Vì thế, ACB dù trực tiếp hay qua trung gian gửi tiền đều bị coi là vi phạm pháp luật. Mọi giao dịch phát sinh từ Nghị quyết 22/3/2010 là vi phạm.
HĐXX tại phiên phúc thẩm
Theo HĐXX, việc số tiền gửi hơn 718 tỷ đồng bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng VietinBank chi nhánh TP HCM) chiếm đoạt là thiệt hại chung của các cổ đông ACB.<_o3a_p>
Về hành vi đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng, theo tài liệu và khai nhận của các cựu thành viên ACB, thời điểm đó nhận thấy các cổ phiếu trên thị trường có lãi, ACB đã đầu tư để mua. Theo HĐXX phúc thẩm, ACB đã đầu tư lòng vòng qua các ngân hàng KienLongbank, Vietbank để cho các công ty ACBS và ACI, ACI-HN vay lại mua cổ phần của chính ACB. Theo quy định, ACBS không được đầu tư vào công ty do ACB sở hữu. Mặc dù ACB không trực tiếp cấp tín dụng nhưng đã gián tiếp qua ngân hàng khác để chuyển tiền.<_o3a_p>
HĐXX nhận định, việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng và việc đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại 688 tỷ đồng là đúng người, đúng tội.
HĐXX bác bỏ quan điểm của bị cáo Kiên về việc không chỉ đạo mua cổ phiếu ACB; bác lời khai của bị cáo Hải về việc không chỉ đạo cấp dưới mua, đầu tư cổ phiếu ACB.
HĐXX cho rằng, bị cáo Hải là Tổng giám đốc nên phải biết đầy đủ các hoạt động của ACB.
Cơ quan xét xử xác định hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại như cáo buộc của Tòa sơ thẩm. Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra trong một thời gian dài. Hoạt động chuyển nhượng cổ phiếu, trái phiếu qua ngân hàng KienLongbank, Vietbank là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ gây thiêt hại hàng nghìn cổ đông mà còn ảnh hưởng đến sự vận hành nền kinh tế quốc dân.
HĐXX cho rằng quá trình xét xử phúc thẩm nhận thấy bị cáo Lý Xuân Hải không có tình tiết giảm nhẹ hình phạt để xem xét.
Bị cáo Lê Vũ Kỳ được ghi nhận khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nên có thể xem xét giảm nhẹ.
Bị cáo Trịnh Kim Quang, Huỳnh Quang Tuấn, Phạm Trung Cang đã được xét các tình tiết giảm nhẹ. Việc tuyên án của Tòa sơ thẩm là đúng. Tại phiên phúc thẩm không có căn cứ giảm nhẹ hình phạt.
Vì vậy, HĐXX đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội “Kinh doanh trái phép”, 6 năm 6 tháng về tội “Trốn thuế” và áp dụng hình phạt bổ sung, 20 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 18 năm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hình phạt chung cho cả 4 tội là 30 năm tù. Cấm hoạt động trong ngành ngân hàng 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Lê Vũ Kỳ 4 năm tù, Lý Xuân Hải 8 năm tù, Phạm Trung Cang 3 năm , Trịnh Kim Quang 4 năm, Huỳnh Quanh Tuấn 2 năm cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Clip HĐXX tuyên án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: