Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước Open Skies vì những vi phạm của Nga
Chuyển động - Ngày đăng : 06:43, 22/05/2020
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Open Skies vì Nga nhiều lần vi phạm các điều khoản của Hiệp ước.
Các quan chức chính quyền cao cấp cho biết việc rút khỏi hiệp ước sẽ diễn ra trong 6 tháng, theo đúng quy định trong các điều khoản của Hiệp ước.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm rút Hoa Kỳ khỏi một hiệp ước toàn cầu lớn, sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga vào năm ngoái.
Quyết định được đưa ra sau khi Hoa Kỳ thấy trong vòng 6 tháng qua, nhiều trường hợp Nga đã từ chối tuân thủ hiệp ước. Nga đã nhiều lần vi phạm và thực hiện hiệp ước theo những cách có thể gây ra mối đe dọa quân sự chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh.
Đồng thời, các quan chức cho biết các Mỹ đã bắt đầu những cuộc họp với các quan chức Nga về một vòng đàm phán vũ khí hạt nhân mới.
Mục tiêu của vòng đàm phán mới là tập hợp các quân đội mạnh mẽ lại với nhau cùng lên kế hoạch các biện pháp kiểm soát vũ khí hạt nhân tiếp theo. “Hoa Kỳ cam kết kiểm soát vũ khí, cam kết đảm bảo an ninh châu Âu. Chúng tôi cam kết cho một tương lai với những hạn chế có ý nghĩa đối với vũ khí hạt nhân”, một quan chức cho biết. “Sau đó, Nga sẽ phải tuân thủ các thỏa thuận trong tương lai. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ điều này”.
Hiệp ước Open Skies, ban đầu do Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đề xuất năm 1955, được ký năm 1992 và có hiệu lực vào năm 2002.
Là hiệp ước mang đến sự minh bạch về việc xây dựng quân đội và các hoạt động quân sự, Hiệp ước Open Skies giúp theo dõi các cuộc tấn công quân sự hoặc cảnh báo về một cuộc tấn công bất ngờ.
35 quốc gia tham gia Hiệp ước Open Skies là: Belarus, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch (bao gồm Greenland), Estonia, Phần Lan, Pháp, Georgia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Kazakhstan, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Nauy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Liên bang Nga, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.