Xét xử phúc thẩm "đại án" Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm: Nhiều Luật sư kiến nghị triệu tập nguyên lãnh đạo Ngân hàng ACB

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 13:49, 15/12/2014

Sáng nay, 15/12, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn.

HĐXX gồm ông Quảng Đức Tuyên, Thẩm phán TANDTC, Phó Chánh tòa Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Tp. Hồ Chí Minh làm chủ tọa và các Thẩm phán TANDTC Phan Thanh Tùng, Mai Thị Tú Oanh và Đặng Văn Thành (Thẩm phán dự khuyết).

Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa có ông Nguyễn Thế Thành, Kiểm sát viên cao cấp, Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III tại Tp. Hồ Chí Minh và KSV dự khuyết là ông Nguyễn Văn Tùng, Kiểm sát viên cao cấp. Có 34 Luật sư tham gia bào chữa và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo và các đương sự trong vụ án.

Xét xử phúc thẩm

Quang cảnh phiên tòa trước khi khai mạc

7h30 sáng nay, Hội trường xét xử vụ án Huyền Như và đồng bọn công tác an ninh phiên tòa được thắt chặt. Những người đến dự phiên tòa đều phải xuất trình giấy triệu tập hoặc CMND. Phóng viên tác nghiệp phải có thẻ tác nghiệp do Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh cấp. Tất cả mọi người khi vào Tòa phải qua cổng dò kim loại.

Sau phần thủ tục phiên tòa, nhiều luật sư đã kiến nghị HĐXX triệu tập một số người nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Bên cạnh đó, một số Luật sư cũng yêu cầu mời những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc ký chuyển cũng như nhận tiền trong vụ án. 

Trước những kiến nghị của luật sư, HĐXX tạm ngưng phiên tòa để hội ý. Do hết giờ làm việc buổi sáng nên HĐXX tuyên bố phiên tòa tạm nghỉ trưa.

Xét xử phúc thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2007, khi làm việc tại Ngân hàng VietinBank, Huyền Như đã đứng ra vay hơn 200 tỷ đồng với lãi suất cao để kinh doanh, đầu tư vào bất động sản. Do làm ăn thua lỗ nên năm 2010, Như mất khả năng thanh toán nợ. Để có tiền trả nợ, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank rồi đứng ra thương thảo lãi suất cho vay tiền với các tổ chức, cá nhân. Như làm giả 8 con dấu của VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và 7 công ty khác để lập 110 hợp đồng tiền gửi cùng nhiều hồ sơ mở tài khoản, rút tiền. Từ đó Như đã chiếm đoạt của 9 công ty, 3 ngân hàng và 3 cá nhân với số tiền lên đến gần 4.000 tỷ đồng. Theo đó, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Huyền Như tù chung thân về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan, tổ chức; buộc Huyền Như cùng một số bị cáo khác bồi thường gần 4.000 tỷ đồng đã chiếm đoạt cho các cá nhân và tổ chức. 22 bị cáo còn lại bị phạt từ 1 năm tù treo đến 20 năm tù.

Sau phiên tòa, 20/23 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét lại trách nhiệm dân sự. Riêng bị cáo Huyền Như chỉ kháng cáo phần dân sự xin Tòa xem xét trả lại căn nhà cho mẹ bị cáo. Có 11/15 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm đã vi phạm tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của VietinBank, đồng thời yêu cầu VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho họ... Trước ngày mở phiên xét xử phúc thẩm, một số đương sự đã rút đơn kháng cáo.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND Tp. Hồ Chí Minh cũng có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử tăng hình phạt đối với bị cáo Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng VietinBank Chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Đào Thị Tuyết Dung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) về 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cho vay nặng lãi. Theo VKS, tại phiên sơ thẩm, Công tố viên đã đề nghị tù chung thân đối với Tuấn và 18,5 - 21 năm tù đối với Dung. Tuy nhiên, TAND TP.HCM chỉ xử phạt Tuấn 20 năm tù và Dung 12 năm tù. “Mức án này chưa phù hợp với tính chất và mức độ phạm tội của hai bị cáo, chưa thể hiện tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật”.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra đến hết ngày 31/12/2014.

Văn Vũ - Quang Trung