Hội nghị thường niên WHO: Các nước thành viên nhất trí cao trong các vấn đề liên quan tới đại dịch
Chuyển động - Ngày đăng : 20:19, 20/05/2020
Ngày 19/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kết thúc phiên họp thường niên chính thức của Hội đồng Y tế thế giới, trong đó, các quốc gia thành viên với tuyên bố chung của là đảm bảo rằng mọi người đều có thể tiếp tận với vắc-xin Covid-19 khi nó đã sẵn sàng và xúc tiến một cuộc điều tra độc lập về cách thức xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 của WHO.
Khóa họp của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm nay được tổ chức trực tuyến và giảm từ ba tuần như thông thường xuống chỉ còn hai ngày và chỉ tập trung vào đại dịch Covid-19.
Khóa họp lần thứ 73 của Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) năm nay đã được cắt giảm từ ba tuần như thông thường xuống chỉ còn hai ngày và chỉ tập trung vào đại dịch Covid-19 - căn bệnh đã giết chết hơn 315.000 người trên toàn cầu. "Covid-19 phải là một hồi chuông cảnh tỉnh. Đã đến lúc chấm dứt sự kiêu ngạo", Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres nói trong bài khai mạc hội nghị trực tuyến. "Hoặc là chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch này, hoặc tất cả chúng ta đều thất bại."
Phát biểu tại hội nghị thông qua mạng internet, một loạt các nhà lãnh đạo quốc gia và Bộ trưởng Y tế các nước đã ca ngợi những nỗ lực của WHO trong việc điều phối phản ứng và kêu gọi tài trợ nhiều hơn và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho cơ quan của Liên hợp quốc này.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar đã đổ lỗi cho WHO đã không thu thập hoặc cung cấp thông tin cần thiết cho các nước để giúp ngăn chặn đại dịch kịp thời. "Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận một trong những lý do chính khiến dịch bệnh này vượt khỏi tầm kiểm soát – đó là tổ chức này đã thất bại trong việc thu thập và cung cấp thông tin mà thế giới cần và sự thất bại đó đã khiến nhiều người phải trả giá", ông nói.
Đáp lại những chỉ trích này, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhắc lại trước hội nghị rằng tổ chức của ông đã "phát ra tiếng chuông báo động sớm và chúng tôi liên tục cập nhật thông tin về dịch bệnh này”. Ông Guterres nhấn mạnh rằng nhiều quốc gia đã bỏ qua các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và thế giới đã phải "trả giá đắt" bởi các chiến lược chống dịch không thống nhất.
Washington đang mắc kẹt trong một tranh cãi ngày càng gay gắt với Bắc Kinh - nơi đại dịch bắt đầu vào cuối năm ngoái. Trong cuộc tranh cãi này, WHO cũng là một đối tượng bị nhắm tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hồi tháng trước rằng Washington, nhà tài trợ lớn nhất của WHO, sẽ đình chỉ tài trợ cho tổ chức này.
Covid-19 đã giết chết hơn 315.000 người trên toàn thế giới và gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
Bất chấp căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, các quốc gia thành viên hy vọng WHA sẽ thông qua một nghị quyết nhằm tạo ra phản ứng chung, bao gồm các cam kết về sự công bằng trong tiếp cận với các phương pháp điều trị và vắc-xin tiềm năng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng ủng hộ cách tiếp cận chung, tuyên bố trong bài phát biểu của mình rằng bất kỳ loại vắc-xin nào mà đất nước ông phát triển đều sẽ có đủ cho tất cả mọi người. "Sau khi nghiên cứu và phát triển vắc-xin virus corona của Trung Quốc được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nó sẽ trở thành một sản phẩm công cộng toàn cầu", ông Tập Cận Bình cho biết. Trung Quốc hiện có năm loại vắc-xin tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng bất kỳ loại vắc-xin nào cũng phải "là sản phẩm công cộng toàn cầu". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhấn mạnh rằng "tất nhiên, các loại vắc-xin nên có sẵn và giá cả phải chăng cho tất cả mọi người".
Nghị quyết “nhận thức vai trò của việc miễn dịch trên diện rộng chống lại Covid-19 như một lợi ích công toàn cầu". kêu gọi một sự “tiếp cận phổ quát, kịp thời và hợp lý, cũng như sự phân bổ một cách công bằng tất cả các công nghệ và sản phẩm y tế chất lượng, an toàn, hiệu quả và có giá cả phải chăng”.
Mặc dù đã ký phê chuẩn nghị quyết, Mỹ sau đó đã tự đưa ra những ý kiến không đồng tình với nghị quyết khi nói rằng những kiểu “liên kết sáng chế” có thể “gửi đi một thông điệp sai lệch tới các nhà phát minh, những người rất quan trọng trong công cuộc tìm ra giải pháp mà cả thế giới đang cần".
Nghị quyết WHA được Liên minh châu Âu đưa ra cũng kêu gọi "đánh giá khách quan, độc lập và toàn diện" về phản ứng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng Covid-19. EU đã ca ngợi dự thảo này là "đầy tham vọng" và nếu diễn ra đúng như mong đợi, nó sẽ đánh dấu lần đầu tiên một diễn đàn toàn cầu đạt được sự ủng hộ nhất trí cho một vấn đề.
Tổng Giám đốc WHO Tedros đã cam kết sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập về việc đối phó với Covid-19 càng sớm càng tốt.
Các quốc gia cũng không né tránh các chủ đề đang được tranh cãi - bao gồm lời kêu gọi cải cách WHO sau khi xác định rằng năng lực của họ đã "được chứng minh là không đủ để ngăn chặn khủng hoảng ở mức độ này". Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ Alex Azar kêu gọi xem xét độc lập "mọi khía cạnh" về phản ứng của WHO đối với đại dịch. Trong khi hoan nghênh lời kêu gọi đó, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus vẫn nhấn mạnh không cần phải cải tổ lại WHO. Ông nói rằng, nhu cầu trước mắt là "tăng cường, thực hiện và tài trợ cho các hệ thống và tổ chức thuộc Liên hợp quốc - bao gồm cả WHO".
Nhiều quốc gia và giới chuyên gia đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách WHO, tổ chức ra đời sau khi Thế chiến thứ II kết thúc, để tổ chức này có thể ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức về y tế trong thế kỷ XXI. Nhà nghiên cứu bệnh dịch nổi tiếng người Mỹ Larry Brilliant nhận định, cấu trúc của WHO bị phức tạp hóa bởi thực tế rằng các quốc gia bỏ phiếu về mọi vấn đề, đồng nghĩa với việc bản thân cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc này không có thẩm quyền độc lập.
Nghị quyết đưa ra ngày 19/5 nhấn mạnh rằng việc xem xét lại tính hiệu quả của WHO rốt cuộc phải cải thiện được năng lực toàn cầu trong phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp cho WHO một nguồn tài trợ đầy đủ để đối phó với đại dịch Covid-19.
Nghị quyết được Liên minh châu Âu (EU) đệ trình và được chấp nhận với sự đồng thuận chung, kêu gọi một “cuộc đánh giá vô tư, độc lập và toàn diện”, “vào một thời điểm thích hợp sớm nhất”, về sự ứng phó y tế thế giới dưới sự điều hành của WHO đối với đại dịch Covid-19. Sự đánh giá này cũng sẽ nhắm vào “các hành động của WHO và các thời điểm đưa ra phản ứng”.
Mặc dù nghị quyết trao cho WHO quyền tự do quyết định cách thức tiến hành và không chỉ đích danh Trung Quốc để tập trung đánh giá, song cơ quan thuộc Liên hợp quốc này vẫn đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ phía Washington.
Nhiều tuần nay, Mỹ và Australia đã lên tiếng yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra về cách thức WHO và Trung Quốc xử lý đại dịch. Bắc Kinh đã bác bỏ ý tưởng về một cuộc điều tra mà Trung Quốc là trọng tâm, thay vào đó, kêu gọi tiến hành một sự đánh giá về sự ứng phó y tế toàn cầu.
Ông Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ hỗ trợ "đánh giá toàn diện" về phản ứng toàn cầu đối với đại dịch, nhưng chỉ sau khi virus đã được kiểm soát.
Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên đã có một cuộc thảo luận gây tranh cãi về việc có nên trao tư cách quan sát viên cho Đài Loan hay không - một động thái phản nhận được sự đối kịch liệt của Bắc Kinh bởi Trung Quốc coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình.
Gần 15 thành viên, bao gồm cả Belize, Guatemala và Honduras, đã đề nghị đưa vấn đề Đài Loan vào chương trình nghị sự của WHA. Washington cũng ủng hộ Đài Loan được phép làm người quan sát. Nhưng trong bối cảnh lo ngại vấn đề tranh cãi này sẽ làm lu mờ nhiệm vụ chính của cơ quan y tế toàn cầu là giải quyết cuộc khủng hoảng COVID-19, các thành viên đã nhất trí hoãn cuộc thảo luận cho đến cuối năm nay.