Tết của người Hà Nhì
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:00, 26/01/2020
Nhưng cũng có những dân tộc đón Tết cổ truyền của riêng mình, trong mỗi cái Tết ấy đều chứa đựng những giá trị văn hóa, phong tục tập quán của riêng, tạo nên sự đa dang trong văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Với dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu, họ cũng đón Tết của riêng mình, đó gọi là Tết Hồ Sự Chà.
Tết Hồ Sự Chà của đồng bào Hà Nhì được quy định tổ chức vào ngày con rồng đầu tiên của tháng cuối cùng trong năm theo lịch của đồng bào. Vào ngày 27/11 vừa qua chúng tôi đã có dịp được cùng đồng bào dân tộc Hà Nhì ở Lai Châu đón tết cổ truyền. Ở Lai Châu đồng bào Hà Nhì sinh sống chủ yếu ở các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Phong Thổ, song tập trung đông nhất là ở huyện Mường Tè.
Dù dân tộc Hà Nhì sinh sống ở Lai Châu cùng tổ chức đón tết nhưng có thể nói, nét đón tết của đồng bào Hà Nhì ở huyện Mường Tè vẫn còn giữ được nét văn hóa đặc trưng nhất của dân tộc, ít bị ảnh hưởng do quá trình hội nhập về kinh tế, văn hóa đang diễn ra như hiện nay.
Tết Hồ Sự Chà được tổ chức sau một mùa thu hoạch, là khi ngô, thóc đã được đồng bào thu gọn nhét đầy những bao tải rồi xếp ngăn nắp trong góc nhà. Đây được coi là thời điểm để bà con nghỉ ngơi đón tết, chơi xuân theo truyền thống đã có từ nhiều đời nay.
Những ngày này, chúng tôi có dịp may mắn được đón tết ở gia đình ông Lý Lù Cà, một hộ gia đình người Hà Nhì ở trung tâm bản Ló Na, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè. Từ sáng sớm khi sương còn đọng lại trên từng cành cây, và trên những cánh hoa thì các thành viên trong gia đình ông Lý Lù Cà và cả bản Ló Na đã tất bật những công việc để chuẩn bị đồ ăn, thức uống cho ngày tết. Trong đó, việc đi lấy nước là việc làm rất quan trọng bởi người Hà Nhì quan niệm rằng, nguồn nước càng sạch sẽ để làm đồ cúng sẽ đem lại những may mắn, ông bà tổ tiên sẽ phù hộ để sang năm sung túc hơn.
Bữa cơm tết của người Hà Nhì ở xã Thu Lũm.
Bếp củi trong gia đình ông Lý Lù Cà đã rực hồng, chúng tôi bắt đầu cảm nhận được cái mùi cay cay đườm đượm của khói bếp khiến buổi sáng ngày xuân như ấm áp hơn. Tất cả các thành viên trong gia đình mỗi người một việc, cười đùa vùi vẻ để chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn ông trong gia đình thì làm các công việc nặng như mổ lợn, phụ nữ sẽ lo nấu những món ngon và quan trọng hơn là việc thờ cúng tổ tiên phải do phụ nữ đảm nhiệm. Điều đặc biệt của người Hà Nhì là lợn đem mổ phải là những con to nhất, khỏe mạnh trong chuồng, bởi nó thể hiện sự sung túc, no đủ của mỗi gia đình. Lợn cũng được các gia đình thi nhau mổ vào lúc đầu canh ba, vì người Hà Nhì quan niệm nhà nào mổ lợn xong sớm, chọc tiết lợn một lần mà được ngay thì sang năm sẽ phát tài phát lộc.
Ấn tượng nhất là sau khi mổ lợn xong thì thầy mo cùng các thành viên trong gia đình, những người lớn tuổi trong bản sẽ đem gan lợn để xem giống như cách người kinh hay xem chân gà để đoán tương lai, vận mệnh của gia đình gia chủ. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được chứng kiến việc xem gan lợn để đoán tương lai, vận mệnh như vậy tại nhà ông Lý Lù Cà. Theo lời thầy mo, nếu gan lợn đẹp, to, các đường vân trên gan nổi rõ… thì năm đó chăn nuôi phát triển, nhà cửa êm ấm, anh em com cháu vui vẻ thuận hòa.
Việc thờ cúng ngày Tết của dân tộc Hà Nhì cũng rất gọn nhẹ, nhưng có ý nghĩa sâu sắc. Sau khi đồ thờ cúng được chuẩn bị xong, gia chủ sẽ sắp hai phần lễ giống nhau, một phần để dâng lễ thắp hương cho ông bà tổ tiên, một phần dành cho những đấng sinh thành là ông bà, bố mẹ. Mâm lễ gồm bánh giầy, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt, cơm, thịt. Người Hà Nhì quan niệm, lòng thành của con cháu là chính chứ không đặt nặng vào những thứ đầy trên mâm cỗ. Đáng chú ý, trong việc dâng lễ thờ cúng cho tổ tiên thường sẽ do phụ nữ đảm nhiệm, còn dâng lễ mừng ông bà sẽ do các cháu thực hiện.
Với người Hà Nhì, chỗ thờ cúng bên nội được đặt ở phía đầu gường của vợ chồng gia chủ, còn thờ cúng bên ngoại được đặt ở góc bếp. Đến ngày cuối cùng của tết Hồ Sự Chà gia chủ sẽ làm mầm cơm coi như tiễn tổ tiên về với trời, cũng trong ngày này họ sẽ làm mâm cơm mong tổ tiên tiếp tục ban sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, có mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà.
Với những người dù có đi làm ăn xa, lấy chồng, lấy vợ ở xa nhưng cứ ngày tết là phải trở về để chuẩn bị cơm, thịt làm lễ dâng tổ tiên, cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên để mong bình an, hạnh phúc, ăn nên làm ra. Đối với ông bà, cha mẹ con cháu cúi đầu chúc ông bà, bố mẹ sống thật lâu để có thể phụng dưỡng, chăm sóc. Kết thúc nghi lễ, khi con cháu chào từ biệt ông bà, bố mẹ họ lại tặng cho con cháu đôi gà, giống như cách người kinh gọi là giao vốn để ăn nên làm ra trong năm mới.
Sau khi hoàn thành các thủ tục cúng lễ, từ người lớn đến trẻ nhỏ sẽ diện những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, sặc sỡ nhất để chơi tết. Ngày tết trong bản có các trò chơi truyền thống như kéo co, đánh cù, đu quay…với sự tham gia của cả cộng đồng. Không chỉ có vậy, họ còn hát những bà hát truyền thống gợi nhớ về những điều vui vẻ, hạnh phúc trong cuộc sống. Ngày nay có cả những bài hát ca ngợi về Đảng, Bác Hồ kính yêu. Bên cạnh đó, những câu hát giao duyên của những đôi trai gái cũng vang vọng cả núi rừng trong những ngày tết, từ những câu hát ấy họ hiểu nhau hơn, gần nhau hơn và nhiều đôi đã trở thành vợ chồng từ ấy.
Trong ngày tết, người Hà Nhì cũng kiêng nói về những điều không hay như cãi vã, đánh nhau bởi nó sẽ không đem lại may mắn. Thay vào đó, họ đến thăm nhau, dành lời cúc tốt đẹp cho nhau cầu cho năm mới phát đạt, hành phúc.
Ông Lý Lù Cà cho chúng tôi biết, bây giờ ngoài Tết truyền thống thì bà con cũng đón cả Tết Nguyên đán của cả dân tộc nữa. Ơn Đảng, nhà nước cuộc sống của bà con ngày càng ấm no, đầy đủ hơn trước kia. Nhà nào Tết đến cũng mổ lợn to, thịt gà để ăn, đãi khách gần xa. Vui xuân, đón tết cũng là thời gian để bà con giao lưu, gặp gỡ và trao đổi nhau về kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hẹn nhau sang năm lại đón tết to hơn, vui hơn.
Chia tay Thu Lũm, mảnh đất có Hòn Đá Trắng, biểu tượng tâm linh của đồng bào Hà Nhì chúng tôi không khỏi xao xuyến bởi thịnh tình, lòng mến khách của người dân nơi đây. Chúng tôi thầm hứa, sang năm nhất định sẽ quay lại, sẽ cùng vui Tết với đồng bào. Ông Lý Lù Cà bắt tay và nói với chúng tôi “Ai la bi po” tức chúc mừng năm mới.