Những căn cứ để HĐTP bác kháng nghị của VKSNDTC đối với vụ án Hồ Duy Hải-Bài 3

Tòa tuyên án - Ngày đăng : 08:55, 12/05/2020

Sau 3 ngày mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, HĐTP TANDTC đã đưa ra phán quyết với những nội dung kháng nghị của VKSNDTC về vụ án này. Theo đó, HĐTP đã bác Kháng nghị số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của VKSNDTC.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, HĐTP TANDTC đã xem xét, đánh giá các nội dung mà kháng nghị đã nêu; đồng thời xem xét các tài liệu, chứng cứ được cung cấp tại phiên tòa, với tinh thần công tâm, cẩn trọng, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội cũng như không bỏ lọt tội phạm. Trong đó, nhiều vấn đề mấu chốt của vụ án được Hội đồng xét xử xét hỏi, thẩm vấn sâu, tranh tụng kỹ để làm rõ tại phiên tòa. Kết quả đã được HĐTP nhận định, đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan, đúng theo quy định của pháp luật.

Bài 3: Nhiều nội dung đã được xác minh, làm rõ, không cần điều tra lại

Về kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án, tại phiên tòa giám đốc thẩm, Cơ quan điều tra giải trình: Việc tiến hành khám xét nhà Hải và lấy lời khai của Hải được tiến hành bởi hai Điều tra viên khác nhau; khi Hải khai về việc đốt quần áo mặc khi gây án thì Điều tra viên ghi lời khai Hải đã thông tin cho Điều tra viên chủ trì khám xét tiến hành khám xét mở rộng, phát hiện, thu giữ 02 đám than tro trên.

Hồ sơ vụ án thể hiện, Biên bản hỏi cung bị can Hồ Duy Hải lần đầu tiên bắt đầu từ 19 giờ 30 phút, kết thúc lúc 20 giờ 30 phút ngày 21/3/2008, Hải khai đốt quần áo, thắt lưng mặc khi gây án…ở vườn sau nhà của Hải và nhà của dì út Len. Việc đốt quần áo diễn ra ở một hiện trường khác, không nằm trong phạm vi khám xét. Nếu không có lời khai của Hải thì không ai biết về hiện trường này. Vì vậy, khi nhận được thông tin nơi Hải đốt quần áo thì điều tra viên mở rộng phạm vi khám xét là cần thiết để thu giữ vật chứng.

Biên bản khám xét nhà Hải ngày 21/3/2008 do điều tra viên Lê Thành Trung thực hiện, bắt đầu 18 giờ 30 phút, kết thúc 21 giờ 30 phút, thể hiện có việc khám nghiệm mở rộng ở nền đất phía sau nhà bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hải) và nhà bà Nguyễn Thị Len (dì Hải) phát hiện phía sau nhà bà Nguyễn Thị Len có hai đống tro bị đốt cháy còn nằm kết dính trên nền đất, cơ quan điều tra đã tiến hành thu hai đống tro này cho vào hộp niêm phong.

Theo Biên bản mở niêm phong ngày 05/4/2008 và Biên bản xác định đồ vật ngày 18/8/2008, Hải xác định đoạn dây da cháy là đoạn thắt lưng của Hải đốt sau khi gây án, mảnh vải cháy dở màu đen sọc nhiễn là vải của quần vải màu đen đã khai trước đây gây án, mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc gây án, mảnh vải nhỏ mầu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng.

Những căn cứ để HĐTP bác kháng nghị của VKSNDTC đối với vụ án Hồ Duy Hải-Bài 3

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ, Thành viên HĐTP đọc quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải

Tại Kết luận giám định số 3200/C21B ngày 08/5/2008, Phân viện khoa học kỹ thuật hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh kết luận: Trong mẫu tàn than tro có thành phần vải và nhựa polyster.

Lời khai nhận tội của Hải về việc đốt quần áo mặc khi gây án (Hải không khai về nguyên liệu làm thắt lưng, quần áo), phù hợp với việc thu giữ 02 đống tro, phù hợp với việc xác định đồ vật của Hải nêu trên, phù hợp với kết luận giám định về việc mẫu tàn tro có thành phần vải và nhựa polyster nêu trên có giá trị chứng minh việc Hải có mặt tại hiện trường và thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC cho rằng mẫu tàn tro được thu giữ không có giá trị chứng minh trong vụ án là không đúng.

Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng có mâu thuẫn về tiêu thụ tài sản: Lúc đầu Hải khai, bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200 ngàn đồng, bán nữ trang được 3 triệu không nhớ tiệm cùng ở Thành phố Hồ Chí Minh; sau đó Hải khai: Bán điện thoại cho một thanh niên lạ mặt được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một thanh niên lạ mặt khác được 3 triệu đồng; rồi lại khai: Bán điện thoại cho một cô gái trên đường Hùng Vương được 200.000 đồng, bán nữ trang cho một cô gái ở tiệm thứ 2 được 3,5 triệu đồng; Cơ quan điều tra không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có theo lời khai của bị cáo.

Hồ sơ vụ án thể hiện: Quá trình điều tra, Hải có nhiều lời khai nhận, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải lên phòng giao dịch mở tủ lấy khoảng 1.400.000 đồng; khoảng 40-50 sim, card điện thoại, lấy điện thoại Nokia 1100 bỏ vào túi quần. Sau đó, Hải đến chỗ xác chị Vân lấy 01 dây chuyền vàng không có mặt, 01 vòng đeo tay bằng vàng và 01 nhẫn vàng; lấy ở xác chị Hồng 01 đôi hoa tai vàng, 01 sợi dây chuyền vàng mặt bông hoa, 01 lắc đeo tay vàng và 02 nhẫn vàng.

Lời khai của Hải về chiếm đoạt những tài sản trên phù hợp với lời khai của ông Nguyễn Văn Mừng là bố đẻ của chị Hồng về tài sản bị mất của chị Hồng, phù hợp lời khai của ông Nguyễn Văn Hộ là bố đẻ của chị Vân “…Tôi nhận xác kiểm tra lại thì còn… một mặt dây chuyền rơi lại trên người của Vân do công an giao trả”; phù hợp lời khai của chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của chị Hồng và chị Vân) và lời khai của anh Nguyễn Mi Sol; phù hợp lời khai của ông Đinh Phú Hùng là Giám đốc Trung tâm Bưu điện huyện Thủ Thừa.

Về các tài sản của Bưu điện bị mất, Cơ quan điều tra đã cho Hải nhận dạng các tài sản có đặc điểm tương tự tài sản mà Hải chiếm đoạt (theo mô tả của Hải và những người làm chứng), tại các biên bản nhận dạng Hải đều xác định những tài sản do Hải chiếm đoạt phù hợp với lời khai của những người làm chứng nêu trên. Do đó, có cơ sở xác định, Hải đã chiếm đoạt những tài sản nêu trên.

Những mâu thuẫn trong lời khai về việc tiêu thụ tài sản như kháng nghị nêu đã được Hải xác định và nêu lý do khai không thống nhất tại Bản tự khai ngày 05/7/2008, Biên bản hỏi cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008.

Tại Bản tường trình ngày 05/7/2008, Hải khai chi tiết và vẽ sơ đồ về vị trí Hải đã bán nữ trang (vàng), điện thoại và nơi vứt sim, card điện thoại. Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, làm rõ, cụ thể:

Về địa điểm bán vàng: Theo lời khai của Hải và sơ đồ do Hải vẽ thì Hải bán vàng tại quầy số 2 Cửa hàng bán vàng bạc số 50 An Dương Vương. Xác minh tại Cửa hàng số 50 An Dương Vương do chị Nguyễn Kim Chi là nhân viên cửa hàng khai: Tôi đứng ở hàng phía bên trái theo hướng từ đường An Dương Vương vào cửa hàng có 2 tủ hàng đều do mẹ tôi quản lý, tôi đứng ở cửa bên trái…; lời khai của bà Đặng Thị Liên là chủ cửa hàng, nếu vàng của cửa hàng mua vào thì không có hóa đơn, còn vàng không phải cửa hàng thì khi mua vào sẽ có hóa đơn tính tiền cho khách hàng; lời khai của Hải ngày 11/7/2008 phù hợp với lời khai của người làm chứng về địa điểm bán tài sản và việc sau khi đồng ý bán tài sản, Hải nhận tiền, giấy biên nhận, bỏ vào túi rồi ra đón xe về Long An.

Về địa điểm bán điện thoại: Tại biên bản lấy lời khai ngày 15/7/2008, chị Nguyễn Thị Huệ là chủ cửa hàng mua bán điện thoại di động tại số 124 Hùng Vương khai, có mua điện thoại loại Nokia 1100 với giá 200.000 đồng là phù hợp với lời khai của Hải về địa điểm bán, giá mua bán loại điện thoại này và lời khai ông Đinh Phú Hùng về việc Bưu điện Cầu Voi bị mất điện thoại Nokia 1100.

Về địa điểm vứt sim card: Bản tự khai ngày 05/7/2008 của Hải kèm sơ đồ do Hải vẽ, lời khai của Hải ngày 11/7/2008 thể hiện, Hải vứt bỏ sim, card vào bọc rác (do người dân để trong hẻm, đầu hẻm trên đường Trần Bình Trọng ở phía đối diện có nhà thờ). Kết quả xác minh ngày 09/7/2008 của Công an phường 2, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với lời khai trên của Hải.

HĐTP nhận định, từ những vấn đề trên cho thấy, chỉ người đi bán tài sản mới biết được những địa điểm bán tài sản như đã nêu trên. Do đó, những nội dung này đã được xác minh, làm rõ nên không cần thiết phải điều tra lại.

(Còn nữa...)

Phương Nam