Vì sao luật sư toà sơ thẩm không "cãi" cho Hồ Duy Hải vô tội?

Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 21:01, 08/05/2020

Khi vụ án xảy ra, gia đình Hồ Duy Hải đã thuê luật sư Võ Thành Quyết bảo vệ cho Hải. Hiện luật sư Võ Thành Quyết đã mất, nhưng những gì còn lưu lại cho thấy luật sư Quyết đã không cố “cãi” cho Hồ Duy Hải vô tội, để được trắng án.

Ông Võ Thành Quyết (Văn phòng luật sư cùng tên, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Long An)  từng là sĩ quan công an, nhiều năm làm công tác điều tra thuộc Công an tỉnh Long An. Khi đến tuổi nghỉ hưu, ông chuyển sang hành nghề luật sư. Vì vậy, có thể nói, ông là luật sư có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu mọi ngõ ngách của pháp luật.

Những gì luật sư Võ Thành Quyết bảo vệ cho thân chủ của mình là Hồ Duy Hải chỉ là nêu nhân thân tốt, chưa từng phạm tội, hoàn cảnh phạm tội… và đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Hồ Duy Hải. Chưa khi nào thấy ông nêu quan điểm chính thức cho rằng Hồ Duy Hải vô tội.

Vì sao luật sư toà sơ thẩm không

Bưu điện Cầu Voi, nơi xảy ra kỳ án liên quan tới Hồ Duy Hải. Ảnh: K.Q

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, cho biết: Sau khi xảy ra vụ án, dù tòa chưa kết án Hải phạm tội, nhưng luật sư Quyết đã động viên gia đình bà hỗ trợ chi phí mai táng cho gia đình 2 nạn nhân của vụ án, với lời nhắn gửi đó là tình tiết để tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt sau này. Điều đó cho thấy, khi tòa chưa xử phiên sơ thẩm thì luật sư Quyết đã nhận định thân chủ của mình phạm tội giết người, vì vậy mà ông không “cãi” cho bằng được Hồ Duy Hải vô tội.

Cũng theo bà Loan, sau khi tòa sơ thẩm tuyên phạt án tử hình dành cho Hồ Duy Hải, gia đình đã đến nhờ luật sư Quyết làm đơn kháng án theo hướng Hồ Duy Hải vô tội. Luật sư Quyết đã khuyên gia đình làm đơn kháng án theo hướng xin giảm nhẹ hình phạt, cụ thể là xuống còn chung thân. Rõ ràng, từ đầu tới cuối, luật sư bào chữa đều cho rằng thân chủ của mình có tội và ông chỉ tác động để được giảm nhẹ hình phạt chứ không cố “cãi” theo hướng Hồ Duy Hải vô tội.

Ông Đặng Văn Xướng – Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Long An – cho biết: Theo những gì được học ở trường luật và theo quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư, ngoài việc bảo vệ cho thân chủ của mình, các luật sư cũng phải có trách nhiệm bảo vệ lẽ phải, công lý, tôn trọng sự thật. Thậm chí, nếu trong quá trình làm nhiệm vụ, luật sư phát hiện chắc chắn thân chủ của mình phạm tội thì cũng phải chia sẻ với cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu cố tình giấu giếm chuyện phạm tội của thân chủ, luật sư có thể bị cho là vi phạm pháp luật. Vì vậy khi một luật sư không cố “cãi” theo cách mà thân chủ và gia đình thân chủ mong muốn, có thể người luật sư ấy đã nắm rõ bản chất vụ án, nên đứng về lẽ phải, bảo vệ công lý, tôn trọng sự thật.

Theo Kỳ Quan (laodong.vn)