Khai mạc Phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 11:20, 08/05/2020
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.
Sáng 8/5, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 45.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định một số vấn đề theo thẩm quyền.
Cụ thể, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến (lần 2) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và 3 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội gồm: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số chính sách đặc thù khác (nếu có).
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến Bắc-Nam phía đông (nếu kịp chuẩn bị).
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có thể xem xét công tác nhân sự của các cơ quan nếu kịp chuẩn bị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thời gian làm việc của phiên họp này là ba ngày nhưng khối lượng công việc khá nhiều. Đây là phiên họp cuối cùng trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 9 nên tất cả những nội dung không chuẩn bị kịp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì coi như không được trình ra Quốc hội.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tuy không liền nhau trong ba ngày họp nhưng các đại biểu cần bám sát chương trình, nội dung đã được chuẩn bị và các cơ quan hữu quan, nhất là các cơ quan thẩm tra cần tập trung trong hai ngày cuối tuần để tiến hành hoàn tất những công việc. Đồng thời các cơ quan liên quan tiếp tục đáp ứng những yêu cầu về gửi tài liệu đảm bảo chất lượng và sớm nhất đến phiên họp.
Tiếp theo, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.