Tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu coi thi và chấm thi
Giáo dục - Ngày đăng : 10:38, 07/05/2020
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được giao về cho các địa phương tổ chức, nhiều người lo lắng sẽ có tình huống mua điểm hoặc có sự thỏa thuận ngầm để chống trượt? Trước những lo lắng đó, ông Mai Văn Trinh cho biết: yêu cầu an toàn, nghiêm túc, khách quan là đòi hỏi cao nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để đạt được mục tiêu này, cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương phải vào cuộc một cách đồng bộ. Trong đó, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình.
Các chuyên gia tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại.
Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành các văn bản quy chế, hướng dẫn; cung cấp các phần mềm sử dụng trong kỳ thi; xây dựng và cung cấp đề thi chung cho cả nước và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành. Để bảo đảm đánh giá khách quan, hạn chế những tiêu cực, gian lận như độc giả lo lắng, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp.
Ông Trinh cũng cho biết một số giải pháp chính mà Bộ GD-ĐT đưa ra như:
1- Chỉ đạo công tác dạy học, kiểm tra, đánh giá trong quá trình một cách nghiêm túc. Trong đó, đã triển khai áp dụng học bạ điện tử để quản lý kết quả học tập của học sinh.
2- Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ công bố công khai kết quả học tập trong quá trình của học sinh với kết quả thi tốt nghiệp THPT; sẽ phân tích mối tương quan giữa điểm học tập và điểm thi để từ đó phát hiện các bất thường (nếu có) và có giải pháp xử lý phù hợp.
3- Sẽ tiếp tục sử dụng các bài thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn). Trong mỗi phòng thi, mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng, dùng chung cho cả nước theo 1 quy trình chấm thi chặt chẽ.
4- Tăng cường công tác giám sát, thanh tra các khâu của kỳ thi, nhất là coi thi và chấm thi. Theo đó, ngoài các đoàn thanh tra của Bộ, Sở GD-ĐT, năm 2020 sẽ có đoàn thanh tra của tỉnh để thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi. Quy chế thi cũng sẽ tiếp tục xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia kỳ thi cùng với các chế tài xử lý nghiêm túc.
5- Tiếp tục tăng cường sử dụng các thiết bị hỗ trợ, giám sát như camera và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu của kỳ thi.
“Với các giải pháp như trên, bảo đảm điều kiện khung để hướng tới kỳ thi nghiêm túc, nhưng quan trọng nhất chính là các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi và cả các thí sinh. Do vậy, công tác lựa chọn cán bộ, tập huấn được đặc biệt coi trọng. Cùng với đó là công tác tuyên truyền, giáo dục để các thí sinh hiểu rõ trách nhiệm, triệt tiêu những ý định tiêu cực để tập trung ôn tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi”, ông Trinh nhấn mạnh.