Toàn cầu hơn 3,8 triệu người mắc COVID-19, Washington trở thành tâm dịch tại Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 08:06, 07/05/2020
Tính đến 6h ngày 7/5, theo Worldometers, thế giới ghi nhận thêm 86.267 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 5.995 trường hợp tử vong mới trong 24 giờ qua.
Như vậy, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã lên tới 3.810.785 người mắc bệnh, trong đó có 264.021 trường hợp tử vong và 1.287.656 bệnh nhân bình phục.
Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ
Mỹ vẫn là quốc gia có số người nhiễm bệnh và tử vong cao nhất thế giới, với con số lần lượt là 1.256.669 và 74.121. Số người được chữa khỏi tại Mỹ hiện là 205.268.
Mặc dù hơn 1 tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo số liệu thống kê, Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong.
Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ
Số ca tử vong tại Tây Ban Nha tăng trở lại
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 6/5 thông báo số ca tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày ở nước này đã tăng trở lại. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha đã ghi nhận thêm 244 ca tử vong, tăng so với mức dưới 200 ca ghi nhận mỗi ngày trong 3 ngày trước. Tính đến nay, Tây Ban Nha xác nhận tổng cộng 220.325 người mắc bệnh, trong đó có 25.817 trường hợp tử vong.
Số ca nhiễm COVID-19 tại Nga tăng hơn 10.000 trong ngày thứ 4 liên tiếp
Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 của Nga cho biết, tính đến trưa 6/5/2020, nước này ghi nhận thêm 10.599 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số người nhiễm lên 165.929 người. Khoảng 40% bệnh nhân mới không có biểu hiện lâm sàng. Cũng trong vòng 24 giờ qua, 86 ca đã tử vong do dịch, nâng tổng số người tử vong lên 1.537 trường hợp. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm COVID-19 tại Nga tăng hơn 10.000 ca.
Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn số liệu thống kê ngày 6/5 cho biết, ngoại trừ Ai Cập và Nam Phi là hai nước có số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất châu Phi, nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.
Theo số liệu thống kê cập nhật, 10 quốc gia châu Phi có tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất khu vực gồm có Nam Phi (7.808 ca mắc, 153 ca tử vong), Ai Cập (7.588 ca mắc, 469 ca tử vong), Morocco (5.408 ca mắc, 183 ca tử vong), Algeria (4.997 ca mắc, 476 ca tử vong), Nigeria (2.950 ca mắc, 98 ca tử vong), Ghana (2.719 ca mắc, 18 ca tử vong), Cameroon (2.265 ca mắc, 64 ca tử vong), Guinea (1.856 ca mắc, 11 ca tử vong), Côte d’Ivoire (1.464 ca mắc, 18 ca tử vong) và Senegal (1.433 ca mắc, 12 ca tử vong).
Ấn Độ nghiên cứu phát triển 30 loại vaccine phòng COVID-19
Trong một thông báo ngày 6/5, một nhóm các nhà nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho biết nước này "đang trong giai đoạn phát triển hơn 30 loại vaccine" phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó một số ít đã ở giai đoạn thử nghiệm. Theo số liệu thống kê mới nhất, Ấn Độ đã ghi nhận 49.391 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 1.694 ca tử vong.
Italy phát triển bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho kết quả nhanh trong 3-6 phút
Cơ quan y tế vùng Lombardy và Đại học Insubria, phía Bắc Italy, đã phối hợp phát triển bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 xét nghiệm nhanh qua nước bọt (Trs), chỉ mất 3-6 phút để cho ra kết quả.
Bộ kit mới có thể chẩn đoán bằng cơ chế xét nghiệm tương tự như thử thai. Nước bọt sẽ thu lại trên bộ kit xét nghiệm, được xử lý bằng thuốc thử đặc biệt và cho kết quả nếu xuất hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Cơ quan trên khẳng định bộ kit trên cho kết quả chính xác cao và cũng có thể chẩn đoán đối với những người không có triệu chứng bệnh. Dự kiến, bộ kit sẽ sớm được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Mỹ bổ sung 128 triệu USD hỗ trợ y tế toàn cầu chống dịch COVID-19
Ngày 6/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã bổ sung khoản tiền trị giá 128 triệu USD cho hỗ trợ nhân đạo và y tế toàn cầu nhằm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thông báo cũng cho biết khoản tiền mới gồm ngân sách cho y tế toàn cầu nhằm hỗ trợ cho việc phòng ngừa, phát hiện và kiểm soát virus SARS-CoV-2 và giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 trong những người tị nạn và người di cư dễ bị tổn thương thông qua khoản hỗ trợ nhân đạo. Với số tiền hỗ trợ mới trên, tính tới nay tổng số tiền cam kết của Mỹ nhằm hỗ trợ sức khỏe, nhân đạo và hỗ trợ kinh tế toàn cầu cho hơn 120 quốc gia đã lên tới 900 triệu USD.
Anh cân nhắc cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh
Thủ tướng nước này Boris Johnson sẽ công bố lộ trình từng bước tháo gỡ lệnh phong tỏa vào ngày 10/5. Tuy nhiên, bên cạnh việc nới lỏng một số quy định thì Anh cũng sẽ bổ sung thêm một số quy định mới, trong đó có việc tăng cường kiểm soát tại cửa khẩu và cách ly bắt buộc với tất cả những người nhập cảnh.
Phát biểu tại Hạ viện ngày 6/5, Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ công bố chiến lược "giai đoạn 2" của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 tại Anh với những biện pháp nới lỏng từ ngày 11/5. Theo đó, có thể sẽ cho phép nối lại các hoạt động thể dục ngoài trời, tắm nắng trong công viên, một số doanh nghiệp được quay trở lại làm việc với điều kiện vẫn phải giữ quy định về giãn cách xã hội.
Nhiều trường học tại Vũ Hán (Trung Quốc) mở cửa trở lại
Ngày 6/5, học sinh tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc, đã quay trở lại trường học. Tuy nhiên, chỉ có những học sinh lớp cuối được quay trở lại trường để tiếp tục việc học tập, chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Các học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở tại Vũ Hán vẫn tiếp tục nghỉ học.
Indonesia đặt mục tiêu khống chế dịch trong tháng 5 và 6
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt mục tiêu “san phẳng” đường cong biểu đồ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Indonesia trong tháng 5 này và khống chế các ca nhiễm mới trong tháng 6 tới.
Phát biểu trong cuộc họp nội các trực tuyến ngày 6/5/2020 bàn về dự thảo ngân sách nhà nước năm 2021, Tổng thống Widodo cũng đặt mục tiêu đến tháng 6 - tháng 7 tới phải đưa đất nước trở lại tình trạng an toàn, theo đó yêu cầu lực lượng chuyên trách chống COVID-19 của chính phủ nỗ lực giảm số ca lây nhiễm và tử vong.