Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải: Bị cáo có tội hay không có tội?
Hồ sơ vụ án - Ngày đăng : 08:56, 05/05/2020
Bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa phúc thẩm
Bài 2: Diễn biến vụ án từ sau phiên tòa phúc thẩm
Sau khi Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh xét xử và tuyên y án sơ thẩm, ngày 4/5/2009, bị cáo Hồ Duy Hải có đơn xin ân giảm án tử hình gửi Chủ tịch nước.
Đồng thời, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ đẻ của Hồ Duy Hải) gửi đơn kiến nghị đến một số cơ quan chức năng và cho rằng việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa là không đầy đủ, các kết luận và quyết định của HĐXX phúc thẩm không phù hợp với rất nhiều tình tiết khách quan của vụ án…
Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm
Ngày 14/12/2009, TANDTC đã công văn trả lời đơn bà Loan với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử phạt Hải hình phạt tử hình về tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau đó, TANDTC đã thông báo đến Văn phòng Chủ tịch nước kết quả việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Loan.
Ngày 24/5/2011, Chánh án TANDTC đã có quyết định số 65/QĐ-TANDTC-TK không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm tử hình của Hồ Duy Hải. Tiếp đến, ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC cũng có quyết định không kháng nghị số 131/QĐ-VKSNDTC-Vụ 3 và Tờ trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của đối với Hồ Duy Hải.
Sau khi xem xét, ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Bà Nguyễn Thị Loan (mẹ đẻ Hồ Duy Hải) sau đó vẫn tiếp tục có đơn gửi đến các ngành chức năng thêm nhiều lần nữa. Trước tình hình đó, ngày 4/12/2014, TANDTC có công văn đề nghị Chánh án TAND tỉnh Long An chỉ đạo Hội đồng thi hành án tỉnh Long An tạm dừng việc thi hành án tử hình đối với Hải.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước và ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH, ngày 23/12/2014, liên ngành Tư pháp Trung ương đã họp và thành lập Tổ chuyên viên thẩm định vụ án Hồ Duy Hải gồm các thành viên thuộc các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án; làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, lấy lời khai của Hồ Duy Hải tại trại giam; trực tiếp đến quan sát hiện trường vụ án. Từng thành viên của Tổ chuyên viên nghiên cứu độc lập đưa ra quan điểm riêng, sau đó gửi văn bản kết quả nghiên cứu về cho tổ trưởng tổng hợp, sau đó họp, thảo luận về vụ án.
Ngày 11/2/2015 và 18/3/2015, lãnh đạo liên ngành gồm: Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC, có sự tham dự của Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã trực tiếp nghe Tổ liên ngành báo cáo về kết quả thẩm tra vụ án. Với tinh thần nghiêm túc, thận trọng lãnh đạo liên ngành đã yêu cầu Tổ chuyên viên xem xét, giải trình từng vấn đề cụ thể vụ án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn giám sát sau đó cũng đã tổ chức 2 phiên điều trần về vụ án. Tại cuộc họp này, đoàn giám sát cũng đã yêu cầu Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC giải trình từng vấn đề cụ thể của vụ án, nhưng không có văn bản kết luận.
Trên cơ sở kết quả thẩm tra vụ án, thay mặt liên ngành Tư pháp Trung ương đã có báo cáo khẳng định quan điểm của liên ngành là: Có một số vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra ban đầu như đã nêu; tuy nhiên CQĐT đã cố gắng khắc phục, thu thập các chứng cứ để chứng minh các tình tiết xác định sự thật của vụ án. Vì vậy, những vi phạm thiếu sót không làm thay đổi bản chất của vụ án. Tòa án các cấp đã kết án mức tử hình đối với Hồ Duy Hải là có căn cứ pháp luật. Mặt khác, do không nhận được ý kiến chính thức của UBTVQH nên ngày 19/4/2016 liên ngành Tư pháp Trung ương đã họp và xác định Hồ Duy Hải không bị kết án oan; đồng thời đề nghị đoàn giám sát của UBTVQH có kết luận chính thức để TANDTC có cơ sở trình Chủ tịch nước quyết định việc thi hành án.
Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng
Trong khi chờ kết luận chính thức từ UBTVQH, ngày 7/10/2017, TANDTC nhận được công văn Văn phòng BCĐ CCTP Trung ương thông báo kiến nghị của Đoàn công tác BCĐ gửi tới Ủy ban Tư pháp Quốc hội với nội dung: “Kiến nghị UBTVQH sớm có kết luận giám sát về vụ án Hồ Duy Hải; đồng thời chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương sớm có ý kiến về việc thi hành án đối với Hồ Duy Hải, không để kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương”.
Năm ngày sau, ngày 12/10/2017, TANDTC nhận được công văn của Văn phòng Chủ tịch nước, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước với nội dung: “Giao TANDTC chủ trì, tổ chức cuộc họp lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương, mời lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và một số cơ quan liên quan tham dự để bàn bạc, thống nhất đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm, không để kéo dài đối với trường hợp Hồ Duy Hải, báo cáo Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
Sau đó, liên ngành tư pháp Trung ương (gồm Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC) tiến hành họp dưới sự chủ trì của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Tại cuộc họp, liên ngành Trung ương đều thống nhất quan điểm xác định bị cáo Hồ Duy Hải không bị kết án oan; đề nghị báo cáo Chủ tịch nước cho thi hành án đối với Hồ Duy Hải. Tuy nhiên, do thời hạn quá gấp nên tại cuộc họp không có sự tham gia của đại diện Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Vì vậy, ngày 5/2/2018, TANDTC đã có công văn đề nghị Ban Nội chính Trung ương và UBTVQH có ý kiến bằng văn bản về vụ án.
Ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc hội có Công văn gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Công văn nêu: Quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án có nhiều sai lầm, vi phạm nghiêm trọng và có đầy đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm. Đồng thời, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp, được dư luận quan tâm và hình phạt áp dụng đối với các bị cáo là tử hình - hình phạt nặng nhất, tước đoạt mạng sống của bị cáo. Cho đến nay, gia đình bị cáo Hồ Duy Hải vẫn gửi nhiều đơn khiếu nại kêu oan và cung cấp thêm một số tài liệu, thông tin chưa được phản ánh đầy đủ trong quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy để đảm bảo thận trọng, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Mười ngày sau, ngày 23/2/2018, Ban Nội chính Trung ương cũng có Công văn nêu ý kiến về vụ án với nội dung: Những vấn đề gia đình và cơ quan báo chí nêu ra để chứng minh Hồ Duy Hải bị án oan đều không phải làm vấn đề mới, đã được các luật sư của Hồ Duy Hải nêu ra trong các phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, đã được HĐXX xem xét thận trọng, khách quan trong toàn bộ các phiên tòa trước khi kết án; đồng thời, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC đã xem xét lại, quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm; Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá ngày 17/5/2012.
Cũng theo Ban Nội chính Trung ương, vụ án đã qua hơn 7 năm (tính từ thời điểm thẩm định), với những chứng cứ Hồ Duy Hải khai và thu thập tại hiện trường, được xác minh tại các lời khai của nhân chứng; đối chiếu với những quy định của pháp luật xét thấy: Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, quyết tâm truy tìm tội phạm. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử không có biểu hiện bức cung, ép cung, nhục hình; lời nhận tội của Hải và các chứng cứ thu thập được từ các nguồn khác đều được thẩm tra, xác minh để chứng minh làm rõ sự thật khách quan vụ án, không có cơ sở chứng minh Hải ngoại phạm; một số sai sót về tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy, TAND các cấp kết án đối với Hồ Duy Hải về các tội “Giết người”, “Cướp tài sản” là có căn cứ pháp luật.
Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước cũng có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng VKSNDTC xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án. Do đó, ngày 22/11/2019, Viện KSNDTC đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm, phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải, đề nghị HĐTP TANDTC theo hướng hủy 2 Bản án để điều tra lại theo đúng quy định cua pháp luật.
Bài 3: VKSNDTC: Từ không kháng nghị đến kháng nghị giám đốc thẩm