Nhiều biện pháp hỗ trợ người lao động vượt qua dịch Covid-19
Đời sống - Ngày đăng : 06:48, 01/05/2020
Trước những khó khăn đó, Chính phủ đã triển khai các giải pháp hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đồng thời tạo động lực để người lao động chuẩn bị tinh thần “bứt phá” sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Mưu sinh mùa dịch bệnh
Dịch Covid-19 bùng phát đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế, nhiều người mất việc khiến cuộc sống khốn khó. Đối tượng bị ảnh hưởng trước tiên là những lao động tự do.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam hiện có gần 18 triệu lao động tự do và nhóm lao động này thường có đặc điểm là không có hợp đồng lao động, việc làm bấp bênh và thiếu ổn định, thu nhập thấp trong khi thời gian làm việc dài. Mất việc làm do đại dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc mất thu nhập mà không có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trao tặng gạo, quà cho những hộ nghèo tại TP Hồ Chí Minh
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Thanh Lâm (20 tuổi), làm nghề xe ôm ở khu vực quận Long Biên, Hà Nội cho biết: “Tôi mới đi làm xe ôm công nghệ. Trước đó, tôi làm chạy bàn cho một quán ăn đặc sản tại quận Long Biên. Khi dịch Covid-19 mới bùng phát, khách ít, quán cho nhân viên nghỉ luân phiên. Tranh thủ trong ngày nghỉ tôi đi chạy xe ôm. Đến khi có chỉ thị cách ly xã hội, quán phải đóng cửa tạm thời theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ nhân viên phải nghỉ”.
Anh Lâm cũng cho hay, tại khu anh ở trọ, nhiều người làm việc tự do đã phải nghỉ việc từ khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Có người về quê nhưng cũng có người bám trụ lại vì nghĩ dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Tuy nhiên, đã 3 tháng nay, dịch bệnh vẫn chưa hết. Nhiều người đã phải dựa vào đồ ăn từ thiện để cầm cự qua ngày.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ lao động tự do, nhiều nhân viên văn phòng cũng bị ảnh hưởng nhất là những người làm về dịch vụ, du lịch. Chị Phan Mai (30 tuổi), nhân viên kinh doanh một công ty du lịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: “Công việc của tôi liên quan đến khách quốc tế. Khi dịch bệnh mới bùng phát ở vài nước, tôi vẫn nhận được yêu cầu đến Việt Nam du lịch của một số du khách quốc tế. Tuy nhiên, tình hình căng thẳng, Công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ làm ở nhà. Không chỉ riêng tôi mà nhiều hướng dẫn viên du lịch mà tôi biết đã phải chuyển sang làm các công việc khác như bán các mặt hàng online…”.
Ngoài ra, người lao động tại khu công nghiệp ở các tỉnh cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ dịch Covid-19. Chị Nguyễn Thị Lan (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết, chị làm công nhân may đã gần 10 năm. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các đơn hàng không về nên xưởng may của chị phải cho nhân viên nghỉ luân phiên không lương. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thu nhập của hai vợ chồng tôi bị giảm một nửa”. – chị Lan chia sẻ.
Có thể thấy, dịch Covid-19 không chỉ làm người lao động mất việc mà cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tính đến tháng 4/2020, đã có khoảng 35.000 doanh nghiệp phải đóng cửa.
Biện pháp hỗ trợ trước mắt của các mạnh thường quân như điểm phát đồ ăn từ thiện, ATM gạo… đã giúp nhiều người lao động nghèo cầm cự qua ngày và những chính sách thiết thực của Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa tới người dân. Những chính sách này sẽ giúp người dân thêm vững tâm đồng hành cùng Chính phủ trong việc chống dịch, cũng như đảm bảo các quyền lợi của người lao động, nhất là khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Thiết thực hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp (DN) và người lao động, Chính phủ, các cấp, ngành và tổ chức Công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, gói hỗ trợ với hơn 62.000 tỷ đồng, khoảng 20 triệu đối tượng thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng.
Với nhiều lao động tự do, nhận được hỗ trợ của Chính phủ do ảnh hưởng của Covid-19 giống như "phao cứu sinh". Bởi, không ít gia đình nguồn thu nhập hàng tháng đã ít ỏi, chỉ đủ chi tiêu hàng ngày nay nghỉ nhà không biết trông vào đâu để trang trải sinh hoạt phí.
Về chính sách tín dụng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất: Đối với người lao động, DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi với thời hạn vay tối đa là 12 tháng, lãi suất 3,96%/năm, bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: "Việc hỗ trợ này sẽ hướng tới khoảng 350.000 lao động với mức vay bình quân 30 triệu đồng/người và 20.000 cơ sở sản xuất kinh doanh mức vay bình quân 500 triệu đồng/cơ sở".
Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố cũng chỉ đạo Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hỗ trợ vay vốn kịp thời cho đoàn viên công đoàn thuộc diện bị ảnh hưởng do dịch Covid- 19, chỉ đạo các cấp công đoàn vận động các chủ nhà trọ trên địa bàn hỗ trợ giảm giá tiền thuê trọ cho đoàn viên công đoàn, người lao động trong thời gian bị ảnh hưởng dịch... Và quyết định hỗ trợ 1500 đoàn viên công đoàn tại các công đoàn cơ sở khối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn với mức 1 triệu đồng/người.
Tại TP. Hồ Chí Minh, đã thực hiện ngay việc hỗ trợ gia hạn nộp thuế, nộp hồ sơ khai thuế. Liên đoàn lao động thành phố đã hỗ trợ hơn 8.600 đoàn viên bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch số 08-KH/LĐLĐ hỗ trợ cho 7.936 NLĐ mất việc làm, mỗi trường hợp được hỗ trợ 1,2 triệu đồng gồm tiền mặt và quà là các nhu yếu phẩm. Trước đó, LĐLĐ thành phố đã chi hỗ trợ cho 742 đoàn viên, giáo viên mầm non trên địa bàn.
Tại các tỉnh thành khác đều có chính sách hỗ trợ người dân như Hội Chữ thập đỏ TP. Đà Nẵng, hỗ trợ kinh phí gần 200 triệu đồng cho hơn 400 hộ nghèo, những hoàn cảnh khó khăn.
Nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên người dân, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai cùng các mạnh thường quân và nhà hảo tâm tiếp tục trao hàng trăm suất quà đến người dân gặp khó khăn trong mùa dịch.
Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai cũng vừa mới trao 271 phần quà (trị giá 1 triệu đồng/phần) để hỗ trợ những đoàn viên Công đoàn trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Như vậy, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong toàn quốc đã hỗ trợ những người dân gặp khó khăn vượt qua đại dịch COVID-19. Những khoản hỗ trợ đó đã thể hiện tinh thần truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, tương thân tương ái và “không bỏ ai lại phía sau” trong đại dịch.