Thầy giáo làng với những chuyến đò nhân ái
Giáo dục - Ngày đăng : 10:21, 30/04/2020
Gắn bó với ngành giáo dục đã xấp xỉ 4 thập niên, thầy Trần Quốc Thường (nguyên Hiệu trưởng THCS Nguyễn Biểu, Hà Tĩnh) luôn nặng lòng với những mảnh đời bất hạnh. Thầy cùng với chuyến đò chữ nghĩa, đã âm thầm khởi động một chuyến đò khác, kết nối những trái tim, những tấm lòng để xoa dịu những nỗi đau, vốn còn nhiều trong cuộc đời.
Thầy Thường trao quà cho người già neo đơn
Nhóm lên ngọn lửa tình thương
Thầy Trần Quốc Thường sinh năm 1958 tại một ngôi làng với truyền thống hiếu học, khoa bảng sản sinh ra nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng ở xã Yên Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Tiếp nối truyền thống hiếu học, lớn lên với ước mơ trở thành một thầy giáo, từ năm 1975 đến 1978, thầy Thường tham gia học tập tại Trường Sư phạm 10+3 Hà Tĩnh.
Sau khi hoàn thành hết bậc học, thầy được nhận công tác tại Trường THCS Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), sau đó thầy được bổ nhiệm Tổ trưởng chuyên môn. Sau một thời gian luân chuyển qua nhiều vị trí trong ngành giáo dục, thầy về làm Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu - một ngôi trường danh tiếng ở đất học Đức Thọ cho đến ngày 01/3/2018 thì nghỉ hưu theo chế độ.
Trong lĩnh vực chuyên môn, thầy được biết đến là người hiểu sâu biết rộng, nhiều thành tích giáo viên giỏi các cấp, với nhiều sáng kiến và kinh nghiệm giảng dạy. Không chỉ giỏi về chuyên môn, thầy còn thường xuyên tham gia viết bài cho các báo, tạp chí trong cả nước và nước ngoài với những tác phẩm về văn học, thơ ca cùng với các nghiên cứu chuyên môn, đưa ra những nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm 1995, khi mới về làm hiệu trưởng tại ngôi trường quê nhà, thầy Thường thành lập Quỹ khuyến học dành cho học sinh Trường THCS Nguyễn Biểu với mục đích giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mua tặng đồ dùng học tập, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.
Với ước nguyện của người mẹ mù lòa: “Con phải làm một điều gì đó để giúp đỡ những người có hoàn cảnh ốm đau, tàn tật như mẹ” và thấu hiểu những khó khăn, bất hạnh của những người già neo đơn, tàn tật, tháng 12/2014, thầy chính thức thành lập Quỹ nhân ái Hồng La. Đây là khâu nối những mạnh thường quân, những tổ chức, cá nhân với tấm lòng “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều” để sẻ chia, đỡ đần để họ có cuộc sống tốt hơn, thỏa nguyện ước mơ của mẹ.
"Bản thân thầy là một thầy giáo, quê hương thầy rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo, các cháu tàn tật, người già neo đơn rất nhiều nên thầy nghĩ phải giúp đỡ họ cái gì đó. Chỉ có mong muốn xoa dịu được phần nào đó những người kém may mắn trên quê hương Hồng La này” - thầy Thường chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Anh cho biết: “Nhà giáo Trần Quốc Thường được biết đến không chỉ là giáo viên giỏi, nhà quản lý có tài mà còn là người giàu lòng nhân ái. Từ nhiều năm qua, thầy với tấm lòng thiện nguyện, đã kết nối, cứu giúp hàng ngàn mảnh đời bất hạnh, được mọi người ghi nhận”.
Quỹ nhân ái trên đất nghèo Hồng La
Lớn lên từ cái nôi học hành, khoa bảng của quê nghèo Hà Tĩnh, thầy Thường thấm thía nỗi vất vả cũng như khát vọng vươn lên của bao thế hệ học trò nơi đây. Vì vậy, thầy và các tình nguyện viên đã làm tất cả để giúp các em học sinh nghèo có cơ hội đến trường, được học lên với quan niệm “học để thoát nghèo, lập nghiệp, và giúp đỡ người khác”.
Đáng quý nhất là hàng chục thế hệ học trò của thầy Thường và các nhà giáo khác, dù đã là quan chức hay các công chức bình thường, lập nghiệp ở Hà Tĩnh hay ở bốn phương trời, đều hướng về mái trường cũ, chung tay ủng hộ quỹ, giúp đỡ các thế hệ sau. Họ tin vào người thầy mà họ đã kính mến từ thuở cắp sách đến trường, cùng đồng hành với thầy trên hành trình vô tận kết nối những trái tim, ước vọng.
Ban đầu, thầy Thường nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của các mạnh thường quân là các giáo sư nổi tiếng quê gốc Yên Hồ, nặng lòng với sự học của con em như Giáo sư Võ Quý, Giáo sư Trần Đức Thiệp, Giáo sư Trần Văn Bính... tài trợ các suất học bổng và khích lệ, động viên.
Ngoài số cựu học sinh, giáo viên và bạn bè trong tỉnh, trong nước, hiện nay Quỹ nhân ái Hồng La còn kết nối mới với nhiều nhà hảo tâm là Việt kiều ở nước ngoài, nặng lòng với quê hương núi Hồng, sông La. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nhân ái trong và ngoài nước cũng liên hệ thường xuyên với quỹ để triển khai các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn.
Thầy Thường cho biết, phạm vi hoạt động của Quỹ nhân ái Hồng La rất rộng, từ việc giúp đỡ các em học sinh nghèo, giúp đỡ người già cả neo đơn đến mô hình "Bát cháo tình thương" (triển khai nhiều năm qua tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh với 100 bát cháo vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần), dạy bơi cho các cháu thiếu nhi, triển khai dự án "Tủ sách trường học", trao quà "Tết vì người nghèo",…
Cho đến bây giờ, thầy Thường và nhóm thành viên của quỹ cũng không nhớ nổi bước chân của mình đã đặt đến những nơi nào. Chỉ biết rằng, nơi đâu trên mảnh đất Hà Tĩnh này có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là Quỹ nhân ái Hồng La lại có mặt.
Không thống kê được đã có bao nhiêu hoàn cảnh được Quỹ tiếp sức, song thầy Trần Quốc Thường tự hào rằng, bất cứ hoàn cảnh nào được giới thiệu, kêu gọi đều ngay lập tức được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Và, đó là niềm động viên, cũng là động lực lớn nhất để thôi thúc các thành viên tiếp tục miệt mài trên hành trình thiện nguyện của mình.
Chỉ sau 6 năm thành lập với sự kêu gọi của thầy Thường, Quỹ Nhân ái Hồng La đã huy động được hàng tỷ đồng để xây dựng nhà tình thương; đỡ đầu chăm nuôi 60 cụ già neo đơn và cưu mang hàng trăm học sinh, sinh viên nghèo, trẻ em mồ côi, tàn tật hàng tháng; tặng 600 xe lăn cho những người bị bại liệt, duy trì tốt các quầy hàng miễn phí như quần, áo, gạo, muối... cho trẻ mồ côi và người nghèo trên đất Hồng La.
Không dừng lại ở đó, Quỹ nhân ái Hồng La còn triển khai nhiều chương trình dành cho trẻ em mồ côi; Tri ân thầy cô giáo ngày 20/11; Chương trình tiếp sức đến trường và đồng tài trợ nhiều hoạt động từ thiện khác...
Giữa dịch Covid -19, khi đất nước đang chịu hậu quả nặng nề, Quỹ Nhân ái Hồng La đã phối hợp với Huyện đoàn Đức Thọ trao hơn 100 suất quà đã được trao tận tay các gia đình khó khăn. Mỗi suất tối thiểu 10 kg gạo và một thùng mỳ tôm. Ngoài ra Quỹ còn chuyển 1500 khẩu trang, chiếu, gối màn, gạo và nước rửa tay về các Trung tâm cách ly của tỉnh Hà Tĩnh.
Nói về những khó khăn trong quá trình hoạt động của quỹ, thầy Trần Quốc Thường cho biết, ban đầu nhiều người chưa hiểu hết việc làm của Quỹ nhân ái Hồng La nên cũng có lời ra, tiếng vào khi cho rằng thầy lợi dụng quỹ để tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, đến nay mọi người đã hiểu, chia sẻ và đồng cảm, một số người khác còn đồng hành với quỹ trên chặng đường thiện nguyện. Được hỏi có thấy khó khăn trong thời điểm nhạy cảm và nhiều áp lực hiện nay, thầy Thường cười: “Trên đời có việc gì dễ đâu; nhưng khó khăn, áp lực cũng là thử thách, tôi rèn ý chí; quan trọng là mình làm đúng, thanh thản”.
Với những việc làm lặng lẽ trong hàng chục năm qua của mình, thầy giáo Trần Quốc Thường đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng Bằng khen, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh tặng Giấy khen vì sự nghiệp khuyến học và huyện Đức Thọ, tặng Giấy khen 15 năm vì người nghèo.
Dẫu vậy, theo thầy Thường, phần thưởng lớn nhất mà thầy nhận được chính là trái tim của người nghèo, người bất hạnh, neo đơn được sưởi ấm kịp thời nhờ những tấm lòng nhân ái đã kịp thời san sẻ, tiếp sức thông qua sự kết nối của Quỹ nhân ái Hồng La.