“Chúng tôi rất hạnh phúc và rất biết ơn, đó là một phép màu…”
Đời sống - Ngày đăng : 16:46, 29/04/2020
Nói lời “Cảm ơn” bằng tiếng Việt dù không sõi
Mới đây, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid -19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh“ vui mừng nhưng cảnh giác”, chấp nhận tình trạng sống trạng thái có dịch, chuyển sang giai đoạn chống dịch dài hơn, căn cơ hơn cùng phát triển kinh tế - xã hội.
Lời cảm ơn trên bảng phòng cách ly được ông Lâm Hùng đề tặng các y bác sĩ tại khu cách ly tập trung tại Trường THCS Nguyễn Hiền
Điều đáng nói, trong số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam, có khá đông người nước ngoài. Việc điều trị cho bệnh nhân nước ngoài khó hơn bởi thể trạng và dinh dưỡng khác, do đó phác độ điều trị phải thường xuyên cập nhật và mỗi một bệnh nhân đưa ra các phác đồ điều trị khác nhau. Nhưng dù bệnh nhân nào cũng vậy đội ngũ y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch của Việt Nam đều nỗ lực hết sức mình chữa trị.
Nói về đội ngũ y bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân số 57 (du khách người Anh) xúc động: “Trong thời gian cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chúng tôi nhận được sự chăm sóc, điều trị rất nhiệt tình, chu đáo, thật sự là trên cả tuyệt vời. Ở đây đội ngũ y bác sĩ không chỉ thực hiện việc điều trị cho vợ chồng chúng tôi mà họ rất thân thiện, luôn tâm sự với chúng tôi như những người bạn. Chúng tôi rất hạnh phúc, xin được cảm ơn tất cả, cảm ơn đội ngũ y bác sĩ”.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã tổ chức ra viện cho 11 bệnh nhân Covid-19, trong đó có bệnh nhân 137 từ Đức về. Bày tỏ niềm vui trong ngày ra viện, bệnh nhân 137 chia sẻ: Tôi từ Đức về Việt Nam, sau khi bị mắc bệnh, tôi được đưa vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Lúc biết mình mắc Covid-19 tôi vẫn lạc quan, bởi lúc này đã ở Việt Nam và tôi rất tin vào khả năng điều trị của các y, bác sĩ nước mình. Hôm nay được ra viện tôi muốn nói lời cảm ơn đến tất cả các nhân viên y tế đã chăm sóc, điều trị cho tôi trong thời gian qua".
Đó chỉ là một trong những lời “cảm ơn” của rất nhiều người bệnh được công bố khỏi bệnh tại các bệnh viện. Đằng sau lời cảm ơn, họ đâu biết hết được đó là cả một hành trình điều trị khó khăn, vất vả đối phó với dịch không thể kể hết của đội ngũ y bác sĩ.
TS. Vũ Đình Phúc, Trưởng khoa hồi sức tích cực – Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương xúc động chia sẻ: “Khi có dấu hiệu hồi phục, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi vì nhìn thấy tia hy vọng cho người bệnh. Không có gì có thể hạnh phúc hơn khi nhìn thấy sự hồi phục người bệnh được cứu sống”.
Không chỉ những bệnh nhân, ngay cả những người dân đã hoàn thành cách ly cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ Việt Nam trong giai đoạn dịch Covid-19. Ngày 15/4, UBND H. Phú Ninh (Quảng Nam) đã trao quyết định về việc kết thúc biện pháp cách ly y tế tại khu cách ly tập trung Trường THCS Nguyễn Hiền (TT. Phú Thịnh, H. Phú Ninh) đối với 25 công dân. Ông Lâm Hùng đã viết trên bảng của trường với những lời cảm ơn. Theo ông Hùng, ông và mọi người được chăm sóc rất tốt khi cách ly, thường xuyên được kiểm tra y tế, điều trị các căn bệnh thông thường. Khẩu phần ăn thay đổi món liên tục, đảm bảo dinh dưỡng, bên cạnh đó còn được sử dụng wifi miễn phí để theo dõi tin tức về dịch Covid-19.
Ngày xuất viện của chồng bà Shan Barker cùng đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương
Nếu so với nhiều quốc gia, Việt Nam còn khó khăn cũng như còn thiếu thốn nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng với trình độ chuyên môn, lòng quyết tâm, quả cảm, đội ngũ y bác sĩ đã gặt hái những thành tựu đột phá, góp phần khiến Việt Nam trở thành những pháo đài vững chắc trước những dịch bệnh lớn, nhỏ.
“Một phép màu… tôi lại khóc nữa rồi”
Chuyến bay VN00 45 từ London trở về Việt Nam được coi là chuyến bay “kinh hoàng” đã khiến Việt Nam tiếp tục vào cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” một cách khẩn trương, quyết liệt hơn nhằm tìm kiếm F0, F1, F2 để cách ly tránh lây lan ra cộng đồng.
Và có những câu chuyện như có “phép màu” đã đến với hai vợ chồng người nước ngoài cùng bay trên chuyến bay “định mệnh” VN0045 đó. Cả hai đôi vợ chồng đều bị dương tính với SARC- CoV- 2.
Đầu tiên vào ngày 2/3, bà Shan Coralie Ellison Barker và chồng John Garth DiXon bay từ London đến Việt Nam để gặp con trai Shan của họ. Họ ngồi ở khoang thương gia nhưng họ không ngờ mình đang ngồi một bệnh nhân Covid- 19 (Bệnh nhân số 17). Năm ngày sau họ phát hiện dương tính với SARC- CoV- 2 và được chuyển từ tỉnh Quảng Ninh lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Bà Shan Barker từng làm điều dưỡng nên bà biết những nguy hiểm mà cả hai vợ chồng bị dương tính, bởi chồng bà đã 74 tuổi và bị ung thư máu 10 năm nay. Với những người thể trạng khoẻ mạnh thì đã khó khăn để chiến đấu với con virus, đằng này ông còn bị bệnh hiểm nghèo, đề kháng trong người rất yếu.
Còn đối với bà thì may mắn hơn vì thể trạng khoẻ không có bệnh nền. Do bà làm việc trong ngành y nên phác đồ điều trị của bà đã được các bác sĩ trao đổi liên tục và đưa ra những giải pháp tối ưu theo quyết định của bà. Bởi đây không phải lần đầu thế giới đối với mặt virus (cuộc chiến SARS 2003), nhưng đây là lần đầu virus đường hô hấp với nhiều chủng biến đổi liên tục, khó lường. Nên tất cả đội ngũ y sĩ trên thế giới vừa điều trị tìm phác đồ hữu hiệu chữa bệnh vừa nghiên cứu để tìm ra vacxin trên mỗi bệnh nhân. Bà đã kể thậm chí bác sĩ ở đây còn đưa ra phác đồ điều trị là dùng thuốc HIV dùng cho bệnh nhân AIDS.
Bà Shan Coralie Ellison Barker kể lại: “Các bác sĩ tuyệt vời, họ theo dõi tôi liên tục suốt ngày đêm. Tôi không ngủ được, không thở được phải thở bằng oxy. Nồng độ oxy của tôi giảm xuống 82% và tôi biết như thế nào là nguy hiểm… Các bác sĩ rất tuyệt vời. Họ canh chừng tôi cả đêm. Nhưng tôi là một trong nhưng bệnh nhân may mắn. Và, tôi thực sự tin rằng không chỉ tin mà tôi biết chắc rằng, tôi không thể ngồi đây nói chuyện nếu không có sự chăm sóc tận tình như ở Việt Nam – Cám ơn các bạn”
Còn chồng bà là một trong những bệnh nhân nặng nhất, được điều trị ở khoa tích cực khoảng 5 tuần với phác đồ điều trị của ông cũng khá đặc biệt so với bệnh nhân khác. Chỉ sau 9 ngày dương tính, ông John Dixon đã phải thở oxy, ngay ngày hôm sau đã diễn biến nặng lên rất nhanh, suy hô hấp nặng buộc bác sĩ chuyển sang khoa điều trị tích cực đặt nội khí quản và thở máy. Kể từ giây phút đó, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã bước vào cuộc chiến giành lại sự sống cho bệnh nhân có tiền sử ung thư máu đã 10 năm.
Bác sĩ Đồng Phù Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Có những thời điểm phải chỉ định làm ECMO (tim phổi nhân tạo). Nhưng sau đó anh em mình là người làm trực tiếp đã xoay sở, tìm cách cải thiện lên để tránh can thiệp tim phổi nhân tạo. Và, bệnh nhân vẫn ổn định”.
Sau một tuần nỗ lực điều trị tích cực, tình trang bệnh nhân có tiến triển tốt, ông John được cai máy thở chuyển qua thở ô xy mặt nạ, rồi thở ô xy qua gọng. Chỉ ba ngày sau đó, điều kỳ diệu đã xảy ra bệnh nhân đã tự thở tốt trở lại. Ngày 13/4 bệnh nhân xét nghiệm âm tính lần thứ 4 với SARS- CoV- 2. Bằng sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã giúp ông được đoàn tụ với người vợ yêu quý, nhưng hơn hết là sự đoàn của tụ của hai vợ chồng ông với con trai mình tại Việt Nam. Chắc chắn khi về nước chuyện mà ông bà kể lại không chỉ về vẻ đẹp Việt Nam mà về lòng tốt ý chí của người dân Việt Nam khi đối diện với bệnh tật. Đặc biệt là sự chăm sóc tận tình, coi như người thân của mình của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam.
Bà Shan Barker xúc động khi được gặp lại chồng “từ cõi chết trở về”: “Chồng tôi đã luôn quyết tâm trong việc cải thiện sức khoẻ và anh ấy thực sự tiến bộ. Tôi không có chút nghi ngờ gì về nỗ lực tuyệt với của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện. Chính họ đã cứu chồng tôi sống sót.”
Bà Shan Barker đã không cầm được nước mắt - những giọt nước mắt của bệnh nhân khi được công bố khỏi bệnh đã âm tính lần thứ 4. Nó như một điều kì diệu đối với những người bệnh, họ không chỉ được đoàn tụ với gia đình, bạn bè và hơn hết họ sẽ không mang trong mình virus để lây lan ra cộng đồng, bởi sự huỷ diệt và gây tử vong rất nhiều người trên thế giới. Theo bà, Việt Nam đã là gia đình của mình, con trai họ đã lập nghiệp tại thành phố Hạ Long tỉnh Quảng Ninh.
“Chúng tôi rất hạnh phúc và rất biết ơn. Đó là một phép màu đối với tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn, tôi lại khóc nữa rồi. Tôi rất biết ơn, cảm ơn, cảm ơn rất nhiều”. Bà Shan Barker không kìm nén được xúc động mỗi khi nhắc lại “phép màu đối với tôi”.
Không chỉ những bệnh nhân cám ơn đội ngũ y bác sĩ mà hàng triệu trái tim Việt Nam luôn hướng về những chiến sĩ trên tuyến đầu phòng chống dịch với lời “cảm ơn” sâu sắc. Cảm ơn các những “chiến binh thầm lặng” đã hy sinh để chúng tôi được an toàn. Đã nỗ lực quên mình trên tuyến đầu chống dịch, đem lại sự bình yên cho mọi người. Và để thế giới biết đến một Việt Nam nhân văn – đoàn kết và sẽ chiến thắng như bao cuộc chiến đã giành độc lập thống nhất đất nước như ngày hôm nay.