TANDTC giới thiệu dự án “Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”
Tiêu điểm - Ngày đăng : 16:07, 29/04/2020
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC chỉ đạo cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa; Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa; Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Thị Thủy; cùng thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội và đại diện Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Về phía TANDTC có các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; các đồng chí Thẩm phán và đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC.
Tại cuộc họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày khái quát về dự thảo xây dựng dự án “Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”. Theo đó, dự thảo Luật gồm 08 Chương: Những quy định chung; Hạn chế quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con dưới 16 tuổi của cha, mẹ; Xét xử các vụ án mà bị hại là người dưới 18 tuổi; Đưa người dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng; Xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Giáo dục bắt buộc đối với người dưới 18 tuổi trước khi thi hành án phạt tù; Thi hành án đối với người bị kết án dưới 18 tuổi; Điều khoản thi hành.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày khái quát nội dung về dự thảo “Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”
Nói về sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng luật trên, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong những năm gần đây, mặc dù Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, người chưa thành niên. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của Tòa án, đặc biệt là qua công tác giám sát tối cao của Quốc hội thời gian qua cho thấy, tình trạng xâm hại trẻ em, số vụ án ly hôn, cũng như tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, nghiện ma túy và các chất kích thích khác... diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Điều này đe dọa trực tiếp đến các quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của trẻ em, đồng thời đe dọa sự sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Ở khía cạnh pháp lý, thực hiện chủ trương hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, thời gian qua chúng ta đã ban hành nhiều đạo luật để bảo vệ trẻ em trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng chống ma túy… góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, do các quy định này nằm tản mát ở nhiều đạo luật khác nhau, ở các văn bản dưới luật do nhiều cơ quan ban hành, nên đôi khi còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, thậm chí là mâu thuẫn, nên hiệu quả thực thi chưa cao.
Trên bình diện quốc tế, hiện nay, thay vì chỉ quy định ở một phần hoặc một chương của các đạo luật, hầu hết các quốc gia đều có xu hướng xây dựng đạo luật riêng để xử lý các tình huống pháp lý đặc biệt mà người dưới 18 tuổi gặp phải (hay Luật Tư pháp người dưới 18 tuổi). Qua nghiên cứu hệ thống pháp luật của 28 quốc gia trên thế giới, thì có đến 21 quốc gia xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, chỉ có 07 quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa xây dựng đạo luật riêng về vấn đề này. Ủy ban Liên Hợp quốc về Quyền trẻ em thời gian qua cũng đã nhiều lần khuyến nghị các quốc gia thành viên cần xây dựng đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên để bảo vệ đối tượng này khỏi sự xâm hại…
Tại cuộc họp, đa số các đại biểu đồng tình, cho thấy tính cấp thiết của việc nghiên cứu, xây dựng "Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong các hoàn cảnh pháp lý đặc biệt" trong thời điểm hiện nay. Cùng với đó, các đại biểu cũng đã nghe trình bày góp ý và trao đổi về các vấn đề liên quan trường hợp người dưới 18 tuổi có hoàn cảnh pháp lý đặc biệt; phổ biến giáo dục pháp luật và vai trò của giáo dục gia đình; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; kinh nghiệm quốc tế về mô hình phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; các đề xuất và khuyến nghị…
Đánh giá về dự án Luật, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội rất đồng tình và ủng hộ. Bà Ngô Thị Minh cho hay, bản thân bà rất trăn trở và đã nhiều lần phát biểu trước Quốc hội mong muốn có Luật tư pháp liên quan đến người chưa thành niên trong giai đoạn hiện nay. Lợi ích khi có Luật này rất là hữu dụng, có thể cung cấp chi tiết cũng như xử lý chuyên biệt, thúc đẩy phương pháp toàn diện và quản lý giám sát... liên quan đến người chưa thành niên.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội rất đồng tình và ủng hộ đối với dự thảo “Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt”.
Góp ý vào dự án Luật, đồng chí Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền chia sẻ tính cấp thiết của Luật trong bối cảnh này. Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, cần có một chương về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, hay nói cách khác đó là chương đảm bảo các điều kiện để thi hành các luật này. Đó các quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể... liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em. Có như vậy mới đảm bảo khi Luật được xem xét thông qua mới có điều kiện đưa vào cuộc sống.
Kết luận cuộc họp, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến và nhận xét sâu sắc của các đại biểu. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, cần phải có những đánh giá đúng cũng như cụ thể hóa những ý kiến để đưa vào Luật cho phù hợp, đồng thời giao cho Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC tiếp thu, nghiên cứu để chỉnh sửa dự thảo “Luật Bảo vệ người dưới 18 tuổi trong hoàn cảnh pháp lý đặc biệt” nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.