Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng: Mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian
Chính trị - Ngày đăng : 21:30, 15/06/2014
Qua hơn một năm triển khai, chính sách đã từng bước phát huy hiệu quả và đi vào cuộc sống nhưng tiến độ còn quá chậm chạp nên đối tượng vay sẽ được mở rộng…
Mục tiêu chính là an sinh xã hội
Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với mục tiêu chủ yếu là nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng thanh toán cho nhóm người có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở nên phần lớn (70%) là dành để cho người dân vay mua nhà ở xã hội với thời hạn 10 năm, hưởng mức lãi suất thấp là 5%/năm. 30% còn lại cho các chủ đầu tư vay để tạo nguồn hàng hóa là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội.
Thực tế sau hơn 1 năm triển khai thực hiện thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, giao dịch tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở có quy mô nhỏ, trung bình, giá thấp. Tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay ước tính có khoảng 4.000 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2013. Tại TP Hồ Chí Minh tình hình giao dịch cũng khả quan hơn, các giao dịch thành công chủ yếu loại căn hộ dưới 15 triệu/m2.
Tổng giá trị tồn kho BĐS trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2014 đã giảm 45.029 tỷ đồng (trên 35%) so với quý I năm 2013, trong đó Hà Nội giảm 36% (so với quý I/2013) và TP Hồ Chí Minh giảm 45%
Một dự án ở TP Hồ Chí Minh được hỗ trợ vay gói 30.000 tỷ lãi suất 5%/năm cố định 10 năm
Kết quả thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, tính đến 31/5/2014: Tổng số tiền 05 Ngân hàng đã cam kết là 3.954,4 tỷ đồng, tổng dư nợ là 2.156,3 tỷ đồng. Trong đó: Đối với hộ gia đình, cá nhân: Ký hợp đồng cam kết cho vay 5.378 hộ với số tiền là 2.060 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 5.368 hộ với số tiền là 1.343,7 tỷ đồng.
Đối với tổ chức: Cam kết cho vay 23 dự án với số tiền là 1.894,4 tỷ đồng, TP Hà Nội có 04 dự án với số tiền 369,4 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh là 02 dự án với số tiền là 658 tỷ đồng. Đã giải ngân cho 19 dự án, dư nợ là 812,6 tỷ đồng, TP Hà Nội có 04 dự án với dự nợ là 194 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh có 01 dự án với dư nợ là 244,6 tỷ đồng.
Như vậy gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh trong 5 tháng đầu năm 2014. Nếu như tại thời điểm 31/12/2013 tổng số vốn cam kết cho vay mới là 1.760 tỷ, thì đến thời điểm 31/5/2014 tổng số vốn cam kết cho vay đã là 3.954,4 tỷ đồng, tăng 225%, đạt 13,2% so với tổng nguồn vốn.
Trở ngại từ nhiều phía
Tuy nhiên, tiến độ triển khai gói tín dụng này nhìn cả năm qua thì còn chậm chạp. Nguyên do từ phía các địa phương, các ngân hàng và chính người tiêu dùng. Trước hết, do chính sách tín dụng hỗ trợ nhà ở lần đầu được triển khai thực hiện, nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu. Đây là gói tín dụng cho vay trung và dài hạn, muốn giải ngân nhanh gói này thì phải có nhiều căn hộ nhà ở xã hội hoặc căn hộ nhà ở thương mại có diện tích sàn dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 thì mới cho vay được, nhưng hiện nay nguồn cung còn ít nên chưa thể giải ngân nhanh được.
Trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng đang là vấn đề lớn, nên một số ngân hàng còn quy định quá thận trọng và chặt chẽ, khiến người dân và các doanh nghiệp cũng nản. Trong khi đó một số doanh nghiệp cũng chưa nỗ lực hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư cần thiết của dự án để vay vốn, như báo cáo tài chính, GPXD... theo quy định, nên ngân hàng cũng chưa thể giải ngân.
Vấn đề lớn khiến người dân vẫn ngại ngần tiếp cận gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đó là lãi suất cho vay ưu đãi mặc dù đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 01/2014, tuy nhiên vẫn còn cao so với thu nhập của người dân, chỉ những người có thu nhập trung bình và ổn định mới có khả năng tiếp cận gói tín dụng này; Thời hạn hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu 10 năm là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ…
Chủ động tháo gỡ vướng mắc
Để đẩy nhanh việc triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai đã tạo điều kiện tối đa để người dân được tiếp cận nguồn vốn vay mua nhà ở.
Đặc biệt, ngày 21/5/2014, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo về việc tiếp thu và hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 02/NQ ngày 07/01/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo để chỉ đạo các địa phương, Ngân hàng Nhà nước một số nội dung cụ thể sau:
Kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân với thời hạn cho vay tối đa từ 10 năm lên 15 năm và giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần tham gia cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP.
Mở rộng đối tượng được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Bổ sung đối tượng được vay vốn là hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp) của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế; người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Bổ sung đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại đô thị có khó khăn về nhà ở được vay vốn ưu đãi khi mua nhà ở thương mại có giá trị phù hợp với quy định của Nghị quyết 02/NQ-CP (ngoài các trường hợp mua, thuê nhà ở thương mại là nhà chung cư có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đã quy định tại Nghị quyết 02/NQ-CP).