Chiến dịch mùa xuân 1975: Hồi ức hào hùng qua từng thước phim lịch sử
Âm nhạc - Phim - Ngày đăng : 17:24, 28/04/2020
Để quay được hàng triệu mét phim mang tính tư liệu và giá trị lịch sử vô giá trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, các chiến sĩ quay phim, điện ảnh phải trả bằng máu và cả tính mạng của mình - họ là những thư ký ghi chép diễn biến những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến để lưu trữ và cho thế hệ mai sau noi theo.
Đạo diễn, NSUT Vương Khánh Luông
Những thước phim mang giá trị lịch sử
Hình ảnh chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử. Mùa xuân Tết Bính Thìn (1976) chính là mùa xuân thống nhất đầu tiên của cả dân tộc. Đã 45 năm sau chiến dịch mùa Xuân năm ấy, những ký ức hào hùng vẫn nguyên vẹn với những người tham gia trận đánh lịch sử năm nào. Và, còn đặc biệt hơn đối với những người cầm máy quay ghi lại những hình ảnh ngày trọng đại của đất nước, dân tộc …Không cầm súng nhưng bằng máy quay phim, những phóng viên đã dũng cảm ghi lại những thời khắc cả dân tộc đứng lên giành độc lập, thống nhất non sông. Theo bước chân thần tốc của quân giải phóng, các nhà làm phim chiến tranh đã ghi lại được nhiều hình ảnh có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc. Để lại sau lưng bao nỗi niềm riêng, rất nhiều câu chuyện cảm động đã được chia sẻ từ những người "chép sử bằng hình ảnh".
Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải (nguyên Giám đốc Điện ảnh Quân đội) đã tham gia đoàn quân tiến về giải phóng miền Nam mùa xuân năm ấy. Ông về Điện ảnh Quân đội khi còn rất trẻ nên cũng như nhiều anh em khác được cử đi quay phim theo các mũi tấn công, ông đi theo Quân đoàn 1. Cuối tháng 3/1975, ông được lệnh từ Hà Nội chạy thẳng vào Huế, Đà Nẵng rồi ngược lên Tây Nguyên nằm chờ chuẩn bị vào thẳng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ ngày 29/3, đoàn quân áp sát vào Sài Gòn, khi cách ngã tư Bảy Hiền vài chục km thì gặp địch. Một trận đánh gây nhiều tổn thất nhưng vì lúc ấy trời tối không quay phim được. Đến vùng Cầu Bông khoảng 9 giờ sáng, đoàn quân gặp ổ đề kháng địch ở đấy, quân ta hoàn toàn áp đảo, bộ đội đánh còn các ông làm nhiệm vụ của mình. Đánh một lúc thì thông được Cầu Bông. Trên đường tiến thẳng vào Sài Gòn, dân chúng đứng rải rác ven đường vẫy cờ. Theo phản ứng nghề nghiệp ông “chộp” được vài cảnh dân chúng đang hân hoan vẫy cờ.
Đạo diễn, NSND Đặng Xuân Hải – chiến sĩ quay phim chiến trường
Đến ngã tư Bảy Hiền một trận đánh ác liệt diễn ra, ta và địch đấu với nhau bằng xe tăng nên các ông đã quay được cảnh xe tăng bắn nhau. Khi đoàn của ông vào đến được Bộ tổng tham mưu Ngụy thì chỉ còn nhà không, tài liệu vứt bừa bộn. Đến dinh Độc Lập đã 12 giờ trưa, quang cảnh rất đông, xe tăng của quân giải phóng đỗ ngoài sân. Các ông vào trong thì thấy láo nháo các phóng viên trong và ngoài nước đứng ở vòng ngoài, trong phòng là một số vị lãnh đạo của chính quyền Sài Gòn đang ngồi. Một số sĩ quan của ta đang đứng làm thủ tục cần thiết, một số cán bộ tiếp quản đang ghi chép. Ông tranh thủ quay nội các Dương Văn Minh, sau đó đi quay các phòng khác của dinh Độc Lập, cảnh hoang tàn, cửa kính vỡ vụn, đồ đạc bừa bãi… Sau khi quay xong, đêm 30, các ông lại quay về Bộ tổng tham mưu Ngụy, sáng ngày mùng 1 lại vào quay dinh Độc Lập. Sau đó, quay tiếp các cảnh ở những tỉnh lân cận. Đấy là những kỷ niệm không bao giờ quên đối với ông.
Nhớ lại sự kiện 30/4/1975 và đội hình các nhà quay phim quân đội ra quân, đóng chốt trên khắp các mặt trận vô cùng quyết liệt để ghi lại những hình ảnh chiến đấu của quân và dân ta, giống như người thư ký ghi chép diễn biến những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến, ông cho rằng đó là những hình ảnh chân thực nhất, mang ý nghĩa, giá trị cao của lịch sử. Chặng đường lịch sử của dân tộc kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến dịch đó đã được ghi lại với từng ấy đội quay, hướng quay của các nhà quay phim Điện ảnh Quân đội. Các ông đã ra quân khá hùng hậu để ghi lại tương đối đầy đủ hình ảnh các mặt trận trong toàn chiến dịch. Những hình ảnh đó chắc chắn sẽ còn mang ý nghĩa, giá trị lịch sử lâu dài.
Những ký ức khó phai mờ
Những chiếc máy quay phim chiến trường xưa được gìn giữ như báu vật của nhà quay phim. Ai là người đã từng cầm những chiếc máy quay này, xông pha giữa lửa đạn như một người lính trong những năm tháng hào hùng của dân tộc? Khó có thể rành rõ được, nhưng dù là ai đi nữa thì các anh là những anh hùng, đã góp mồ hôi, nước mắt và cả máu “ghi chép lại lịch sử dân tộc” bằng những thước phim.
Đạo diễn Vương Khánh Luông (Hãng Phim Tài liệu & Khoa học Trung ương), lúc bấy giờ cũng là một trong những quay phim được cử từ miền Bắc vào Sài Gòn. Khi ấy ông mới là chàng sinh viên năm thứ 3 của Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ông vẫn luôn hãnh diện là người trẻ nhất của nhóm được cầm máy quay. Ông chia sẻ: Các sinh viên được lựa chọn đi chiến trường năm ấy tập trung tại Trường Đại học Thể dục - Thể thao để rèn luyện sức khỏe, sau đó chọn 5 người đi trong đó có tôi. Kết thúc 3 tháng huấn luyện, tôi nhận lệnh hành quân vào chiến trường, lúc ấy tôi còn rất trẻ mới 20 tuổi. Nhóm chúng tôi không đi theo chiến dịch, không theo các cánh quân mà chạy thẳng một mạch từ Bắc vào, giải phóng đến đâu chúng tôi đi đến đấy. Đoàn chúng tôi chia làm hai nhóm đi trên hai chiếc xe Com-măng-ca. Mỗi nhóm 5 người (cả lái xe) cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam chạy từ Hà Nội vào.
Hình ảnh những phóng viên chiến trường
Thời đấy sinh viên rất lãng mạn, trên đường đi viết thư gửi về nhà. Lúc đi qua Quảng Trị giải phóng, qua cầu Hiền Lương mọi người rạo rực, tinh thần hăng hái vì bắt đầu được đặt chân vào đất miền Nam. Qua dòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương với nhiều tàn tích, hậu quả do chiến tranh để lại, tôi không khỏi xúc động. Với, phản xạ nghề nghiệp, tôi lấy máy quay lại toàn bộ cảnh đã đi qua. Nhóm chúng tôi quay được những cảnh tàn quân Ngụy đang rút bỏ quân phục khi bỏ chạy, cảnh xe tăng bốc cháy dọc đường, cảnh quân ta vừa thắng trận, khí thế của nhân dân trong những ngày đầu giải phóng ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên –Huế. Xe của chúng tôi chạy suốt đêm để vào kịp giải phóng Sài Gòn. Ngày mùng 5/5, đoàn chúng tôi vào đến TP. Hồ Chí Minh rồi cùng các đoàn điện ảnh ở ngoài Bắc vào tập trung ở khách sạn Mai Tân. Ngày 15/5 thành phố tổ chức Lễ duyệt binh mừng chiến thắng trước cửa Dinh Độc lập, hôm đó có bắn pháo hoa ở bến Bạch Đằng cuối đường Hai Bà Trưng. Sau khi dự lễ mừng chiến thắng ở TP. Hồ Chí Minh nhóm chúng tôi đi các tỉnh để quay không khí chiến thắng”.
Những phóng viên chiến trường là những người lính phía sau máy quay, khi họ bất chấp hiểm nguy, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất của chiến trường để lưu lại những hình ảnh quý giá, góp phần đẩy lùi và chấm dứt những cuộc chiến. Và trong cuộc chiến đã có nhiều phóng viên chiến trường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Tại Xưởng phim thời sự Tài liệu Trung ương (Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương) nơi đạo diễn Vương Khánh Luông gắn bó cả đời đã có những đồng nghiệp, đồng đội của ông đã hy sinh. Ông đã nhắc đến những đồng nghiệp như Đinh Văn Nhạ, Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi… với những giọt lệ lăn dài khi nhớ về đồng đội mình trong những ngày Giải phóng Miền Nam này: Khi đó Xưởng phim Thời sự Tài liệu Trung Ương cử đoàn quay phim cùng đoàn quân giải phóng tiến vào Nam. Những trận chiến vô cùng ác liệt, không máy bay thì pháo, cả mặt đất lẫn mặt biển đêm ngày không lúc nào ngớt, đã có lúc Hà Nội điện vào yêu cầu rút bớt quân số để tránh tổn thất. Và đoàn đã rút ba nhà quay phim: Đinh Văn Nhạ, Đỗ Ngọc Khuê, Nguyễn Ngọc Hồi. Khi đoàn rút đến Quảng Bình thì bị trúng bom, ba nhà quay phim đã cùng toàn bộ số phim được quay nhiều tháng ròng rã dưới “mưa bom, bão đạn” bị mất sạch. Không chấp nhận trở về tay trắng, những nhà quay phim khác vẫn quyết định quay lại chiến trường, hoàn thành công việc bằng mọi giá và những thước phim ám mùi khói lửa gửi về từ chiến trường khi ấy. Và, những thước phim đắt giá ấy đã phải đánh đổi bao thời gian, mồ hôi công sức, cả tuổi trẻ thanh xuân của bao chiến sĩ, những nhà quay phim anh dũng.
Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng những thước phim tư liệu quý giá ấy mãi mãi được trân trọng gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau. Sự kiện lịch sử 30/4/1975 sẽ mãi đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi về chủ nghĩa anh hùng cách mạng ghi công hàng vạn các chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống, để có ngày toàn thắng, thống nhất đất nước. Họ là những anh hùng và những nhà làm phim chiến trường trong thời đại Hồ Chí Minh.