Hơn 200.000 người trên thế giới tử vong vì Covid-19

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:57, 26/04/2020

Tính đến trưa 26/4, số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã vượt 200.000, trong khi số ca nhiễm dự kiến chạm mốc 3 triệu trong những ngày tới.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu khi số ca nhiễm dự đoán sẽ sớm đạt mốc 3 triệu trong khi số người thiệt mạng đã vượt con số 200.000. Hơn một nửa số ca tử vong được ghi nhận ở Mỹ, Tây Ban Nha và Ý.

Ca tử vong đầu tiên liên quan tới dịch Covid-19 được báo cáo vào ngày 10/1 ở Vũ Hán (Trung Quốc). Mất 91 ngày để số người chết vượt 100.000 và thêm 16 ngày để con số này lên tới 200.000.

Hơn 200.000 người trên thế giới tử vong vì Covid-19

Nhân viên y tế đưa thi thể bệnh nhân Covid-19 ra khỏi Trung tâm y tế Wyckoff Heights tại TP New York (Mỹ). Ảnh: Reuters

Mỹ đã công bố 54.265 ca tử vong vì Covid-19, tính tới 26/4, trong khi số ca tử vong ở Italy và Tây Ban Nha được ghi nhận từ 22.000-26.000 mỗi nước.

Trong số 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, Bỉ là quốc gia có tỷ lệ vong cao nhất, với 6 người chết trên 10.000 dân, so với 4,9 ở Tây Ban Nha và 1,6 ở Mỹ.

Số ca tử vong ở châu Á và Mỹ Latin là hơn 7.000. Trung Đông cũng ghi nhận 8.800 trường hợp. Con số này tại ở châu Phi là khoảng 1.350. Số người chết do Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục tăng với tốc độ 3-4% mỗi ngày trong 10 ngày qua, mặc dù tỷ lệ đó chậm lại kể từ đầu tháng.

Còn tại khu vực Đông Nam Á, trong 24 giờ trước đó đã có thêm hơn 1.200 ca nhiễm, 50 người chết vì đại dịch. Quan chức Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto hôm 25.4 thông báo nước này ghi nhận thêm 31 ca Covid-19 tử vong và 396 ca nhiễm, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm lần lượt lên 720 và 8.607 ca.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 25/4 cảnh báo không có bằng chứng cho thấy những người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh và có kháng thể sẽ không tái nhiễm. WHO khuyến cáo chính phủ các nước không cấp “hộ chiếu miễn dịch” hoặc “không có nguy cơ” cho những người từng mắc bệnh Covid-19 vì không thể bảo đảm chắc chắn điều này.

WHO cho rằng việc làm này có thể làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan vì những người đã khỏi bệnh có thể phớt lờ các khuyến cáo phòng dịch.

Chí Tâm