“Đường lưỡi bò” trên biển Đông: Tùy tiện và phi lý (kỳ 2)
Chính trị - Ngày đăng : 21:22, 15/06/2014
Dư luận Việt Nam cực lực phản đối
Tại cuộc Hội thảo lần thứ nhất về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại biển Đông tổ chức tại Hà Nội tháng 3/2009, báo cáo của ông Hoàng Việt thuộc Quỹ Nghiên cứu biển Đông, đã phân tích các yêu sách của Trung Quốc về khu vực “đường lưỡi bò” theo luật quốc tế, và nhận định: Theo các tiêu chí để thỏa mãn một vùng nước được coi là vùng nước lịch sử, thì Trung Quốc cũng phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong “đường lưỡi bò” này một cách thật sự và liên tục trong một thời gian dài. Điều này thật không đơn giản, bởi vì:
Thời điểm mà Trung Quốc thực sự đặt chân lên quần đảo Hoàng Sa là năm 1909, với hành động của Lý Chuẩn, tuy nhiên lúc này Hoàng Sa đã không còn là một lãnh thổ vô chủ nữa. Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình từ ít nhất là năm 1816.
“Đường lưỡi bò” không phải là con đường có tính ổn định và xác định. Từ 11 đoạn, năm 1953, Trung Quốc đã phải bỏ đi hai đoạn trong vịnh Bắc Bộ vì quá vô lý. Tính chất không liên tục của con đường này được các tác giả Trung Quốc giải thích là để cho “những điều chỉnh cần thiết trong tương lai”. Đặc tính quan trọng nhất của một đường biên giới quốc tế là sự ổn định và dứt khoát. “Đường lưỡi bò” không thể hiện được đặc tính đó, thêm nữa, vị trí của nó lại không được xác định tọa độ rõ ràng, vì thế khó mà biểu thị là một đường biên giới được.
Vấn đề thứ hai, mặc dù “đường lưỡi bò” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bao giờ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử. Đại diện của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã không tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật biển lần III. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử, ít nhất các quốc gia phải có cơ hội được biết những gì đang diễn ra.
Tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu Việt Nam trên biển Đông
Như vậy, kể cả Cộng hòa Trung Hoa lẫn Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đều chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” đó.
Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã nhấn mạnh rằng: “Chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”.
Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là vùng nước lịch sử. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thủy của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của các nhà chức trách Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi “đường lưỡi bò”.
Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc ngày 15/5/1996 càng làm gia tăng sự mập mờ này của họ bởi yêu sách một đường cơ sở nối cả Hoàng Sa nhưng lại không đề cập gì đến Trường Sa.
Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế, “đường lưỡi bò” vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.
Đại tá, Thạc sỹ Vũ Khanh nhấn mạnh: Đòi hỏi của Trung Quốc hoàn toàn vô lý, trái với Công ước Luật Biển năm 1982 vì Công ước không có quy định về “vùng nước lịch sử”. Vùng biển mà “đường 9 đoạn” trùm lên không thể là vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc, mà là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippine, Malaysia, Indonesia và Brunei.
Trình bày bài tham luận tại một hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Thắng thuộc Hội Luật gia Việt Nam nêu quan điểm: Cơ sở luật pháp quốc tế là yếu tố cần thiết để phát triển mô hình khai thác chung tại Biển Đông, trong đó, Trung Quốc cần làm rõ đề xuất khai thác chung cũng như yêu sách “đường lưỡi bò”.
Các bên trong tranh chấp tại Biển Đông nên nhờ một cơ quan thứ ba khách quan giúp giải thích quy chế pháp lý của đảo theo Công ước Luật biển áp dụng vào các đảo tại Biển Đông. Tuy nhiên, các học giả cho rằng quy định của luật pháp quốc tế điều chỉnh hành vi của các bên trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa chưa đầy đủ, vì vậy, việc xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là một yêu cầu cấp thiết để quản lý tranh chấp và phòng ngừa xung đột.
Tiến sỹ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết: "Trung Quốc thường nói cơ sở duy nhất khẳng định yêu sách "đường lưỡi bò" của họ là việc họ đưa “đường lưỡi bò” này ra năm 1947 mà lúc đó không có ai phản đối. Nhưng phải khẳng định một điều khi Trung Quốc đưa ra đường này thì không có lời giải thích tọa độ nó là gì, ý nghĩa của nó ra làm sao và họ yêu sách cái gì trên đường này. Vì vậy, thế giới không thừa nhận, họ cho rằng đây là con đường không chính thức do tư nhân vẽ ra và không có giá trị pháp lý nào cả. Vì vậy, người ta không có ý kiến phản đối. Cho đến ngày nay, Trung Quốc chưa đưa ra được lời giải thích nào rõ ràng về con đường phi lý này”.
Quốc tế nêu trách nhiệm thực thi luật pháp quốc tế
Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5 về Biển Đông tại Hà Nội ngày 11/11/2013 Giáo sư Clive Symmons, đến từ Trường Luật, Đại học Trinity, Ireland, đã trình bày bài tham luận có nhan đề "Các quyền và Quyền tài phán đối với Tài nguyên và Nghĩa vụ của các Quốc gia ven biển: Hiệu lực của các Tuyên bố về quyền lịch sử". Trao đổi với báo giới trong khuôn khổ cuộc hội thảo, Giáo sư Symmons cho biết: “Ban đầu Trung Quốc giới hạn quyền lịch sử với quyền đánh cá và sau đó, Trung Quốc đã thay đổi yêu sách với cả tài nguyên ở đáy biển”.
Giáo sư cho rằng, yêu sách về quyền lịch sử của Trung Quốc trên Biển Đông còn rất mập mờ và đây là những yêu sách tiêu cực có ảnh hưởng đến quá trình giải quyết tranh chấp.
"Học thuyết quyền lịch sử không có cơ sở trong luật quốc tế hiện đại. “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể dựa trên học thuyết quyền lịch sử và cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của đường lưỡi bò", Giáo sư Symmons nói.
Giáo sư Clive Symmons cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò” (Ảnh Nam Hằng)
Tiến sĩ Ralf Emmers thuộc Trường nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam, Singapore, cũng cho rằng, “đường lưỡi bò” cũng như yêu sách của Trung Quốc là vấn đề có liên quan đến luật pháp quốc tế. Không một quốc gia, cường quốc nào có thể áp dụng luật riêng của mình. Ông hy vọng rằng các cơ quan truyền thông có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nhấn mạnh và truyền tải lời kêu gọi của giới học giả đối với Trung Quốc về trách nhiệm thực thi luật pháp quốc tế.
Học giả Robert Beckman, Giám đốc Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Sngapore nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm rõ các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Vùng tranh chấp chỉ được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Luật biển 1982 về xác định đường cơ sở và các vùng biển phải tạo ra từ lãnh thổ đất liền cũng như các đảo.
Đặc biệt, Giáo sư Donald Rothwell, Giáo sư Luật Quốc tế và Trưởng khoa tại trường Cao đẳng luật ANU, Đại học Quốc gia Úc, cho rằng việc ban hành văn bản pháp luật và thực thi quyền tài phán đang trở nên là xu hướng chủ đạo để các bên thực thi yêu sách ở Biển Đông.
Gần đây nhất, có hội thảo "An ninh biển ở Đông Á", đã diễn ra vào ngày 5/6 tại Viện quan hệ quốc tế Na Uy (NUPI) mà Giáo sư Geoffrey Till thuộc Khoa Nghiên cứu quốc phòng của trường King’s College London (Vương quốc Anh); Tiến sỹ Sam Bateman thuộc Trung tâm quốc gia Australia về tài nguyên và an ninh biển, Đại học Wollongong và Giáo sư Stein Tonnesson thuộc Viện nghiên cứu hòa bình Na Uy (PRIO) là ba diễn giả chính của hội thảo, với sự tham gia khoảng 30 đại biểu đến từ NUPI, PRIO, Viên nghiên cứu quốc phòng Na Uy, đại diện một số Đại sứ quan các nước Đông Á… Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như tác động của vấn đề này đối với an ninh và ổn định của Đông Á. Theo các đại biểu tại hội thảo, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông không có cơ sở pháp lý, do vậy, không thể là cơ sở để đàm phán.
Liên quan đến tính pháp lý về “đường lưỡi bò”, tại Đối thoại Shangri-La 2014, nhà nghiên cứu Christian Le Miere thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) khẳng định rằng: “Phần trả lời của đại diện Trung Quốc về “đường chín đoạn” phủ nhận hoàn toàn luật biển quốc tế. Bạn không thể tuyên bố chủ quyền rộng lớn đối với biển, chỉ vì bạn tin rằng bạn có quyền với nó trong lịch sử. Cách nghĩ của Trung Quốc là một mớ bòng bong và làm đảo lộn hệ thống quốc tế. Nó sẽ là một ý tưởng khủng khiếp, một sự so sánh theo kiểu ngụy biện”.